dd/mm/yyyy

Ít ai ngờ nơi đây sản xuất ra con giống "ông ăn bà khen" nhiều nhất Việt Nam

Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) Trần Đình Luân cho biết: “Xét về điều kiện tự nhiên, hiện tại chưa có địa phương nào sánh được vùng ven biển Kim Sơn (Ninh Bình) về hiệu quả sản xuất hàu giống. Do đó, cần phải đầu tư một cách xứng tầm để phát huy lợi thế này”.
Ít ai ngờ đây là nơi sản xuất ra giống con "ông ăn bà khen" nhiều nhất Việt Nam - Ảnh 1.

Đoàn công tác của Bộ NNPTNT do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến làm trưởng đoàn đến thăm mô hình nuôi hàu giống tại xã Kim Đông (Kim Sơn) ngày 29/8).

 Nơi sản xuất ra sản lượng khoảng 2,3 tỷ hàu giống/năm

Mới đây, ngày 29/8, đoàn công tác của Bộ NNPTNT do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc UBND tỉnh Ninh Bình để kiểm tra tình hình triển khai khuyến nghị của EC về chống khai thác (IUU), việc đầu tư hạ tầng thủy sản, công tác phòng chống dịch bệnh động vật, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Trong chuyến công tác này đoàn công tác của Bộ NNPTNT đã đến thăm mô hình nuôi hàu giống tại xã Kim Đông (huyện Kim Sơn). Ông Vũ Nam Tiến – Giám đốc Sở NNPTNT Ninh Bình, chia sẻ: Những năm qua, diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh tăng trưởng thần tốc, từ 1.900ha năm 2015 lên 14.000 ha năm 2020, giá trị ước đạt gần 1.700 tỷ đồng.

Đặc biệt, tại các diện tích vùng trũng, trồng lúa kém hiệu quả đã được bà con đắp ao nổi để nuôi trồng thủy sản (điển hình như huyện Gia Viễn chuyển đổi trên 2.000 ha, mang lại hiệu quả kinh tế rõ nét, năng suất từ 30 – 50 tấn/ha, doanh thu từ 1,5 đến 3 tỷ đồng/ha.

Cũng theo ông Vũ Nam Tiến, nhiều nông dân đã mạnh dạn dứng dụng công nghệ cao, nuôi thâm canh, siêu thâm canh các đối tượng nuôi thủy sản nước mặn, lợ có lợi thế, có thị trường. Trong đó, có mô hình đã nuôi được tôm thâm canh, siêu thâm canh 3 vụ/năm trong nhà lưới, doanh thu lên tới 8 – 10 tỷ đồng/ha.

Nhờ lợi thế “trời ban”, mỗi năm bãi bồi vùng ven biển của huyện Kim Sơn lấn biển hàng trăm mét và rất phù hợp để phát triển sản xuất hàu giống. “Nếu hàu giống Trung Quốc chỉ đạt tỷ lệ sống khoảng 60% thì giống hàu được sản xuất tại huyện Kim Sơn có thể đạt tỷ lệ sống lên tới 80 – 90%. Do đó, rất nhiều đơn vị từ Quảng Ninh, Hải Phòng… đã đổ về Kim Sơn để đầu tư sản xuất giống loài nhuyễn thể này, với sản lượng khoảng 2,3 tỷ hàu giống/năm”, Giám đốc Sở NNPTNT Ninh Bình chia sẻ.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong phát triển thủy sản ở vùng biển của huyện Kim Sơn, đó là hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản chưa đồng bộ, chưa có hệ thống cấp nước mặn và tiêu nước thải riêng biệt. Do chưa có quy hoạch chi tiết khu vực biển từ tuyến đê Bình Minh 2 trở ra, doanh nghiệp chưa yên tâm để đầu tư lâu dài vào nuôi trồng thủy sản.

Để phát triển vùng sản xuất giống thủy sản từ khu vực đê Bình Minh 2 về phía biển, UBND tỉnh Ninh Bình đề nghị Bộ NNPTNT bố trí kinh phí khoảng 350 tỷ đồng đầu tư hạ tầng sản xuất giống, đặc biệt là vùng hạ tầng giống thủy sản ven biển Kim Sơn với kinh phí khoảng 350 tỷ đồng…

Thông qua đó, chủ động sản xuất thủy sản với diện tích khoảng 250ha vùng trong đê Bình Minh 2 và 450ha vùng ngoài đê.

Ông Phạm Quang Ngọc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đề nghị trong thời gian tới, Bộ NNPTNT sớm cử đoàn chuyên gia theo các lĩnh vực về phối hợp với tỉnh để rà soát, định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp, giúp tỉnh về công tác quy hoạch phát triển nông nghiệp trên địa bàn.

Bên cạnh đó, tỉnh Ninh Bình cũng đề nghị Tổng cục Thủy sản hướng dẫn cơ quan chuyên môn của tỉnh xác định hướng đột phá trong nuôi trồng thủy sản, quy hoạch thủy sản vùng ven biển Kim Sơn; tập trung các đề tài nghiên cứu nhân giống con hàu, ngao… quan tâm hỗ trợ tỉnh đầu tư hạ tầng thủy sản cả nước ngọt, mặn lợ và hạ tầng sản xuất giống.

Kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến đánh cao sự phát triển toàn diện của nông nghiệp tỉnh trong thời gian qua, Ninh Bình là một trong những địa phương tiên phong trong việc đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất; triển khai tốt các chính sách pháp luật về thủy sản, chăn nuôi, thú y.

Ông cũng đề nghị tỉnh Ninh Bình cần quan tâm đến các sản phẩm đặc hữu, đặc sản kết hợp với phát triển nông nghiệp công nghệ cao, theo chuỗi khép kín, tuần hoàn.

Bên cạnh đó, chú trọng vấn đề liên kết trong sản xuất, nhân rộng các mô hình tốt; tăng cường công nghiệp chế biến, củng cố hệ thống các HTX; có quy chế quản lý, xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc giống ngao, hầu; củng cố, tăng cường năng lực của hệ thống thú y cơ sở, chỉ đạo tiêm phòng sát từng đối tượng. Tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, lấy sản xuất làm đầu.

Ít ai ngờ đây là nơi sản xuất ra giống con "ông ăn bà khen" nhiều nhất Việt Nam - Ảnh 2.

Nhờ sản xuất hàu giống, nhiều nông dân ở Kim Sơn và các địa phương lân cận đến đây làm đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng/năm.

Nhiều nông dân thành triệu, tỷ phú

Theo lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Ninh Bình, là nghề mới nhưng hiện công việc sản xuất giống hàu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân và các doanh nghiệp ở các tỉnh đến làm. Trong đó, có nhiều nông dân ở Kim Sơn đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng/năm nhờ nghề này.

Điển hình trong số đó là lão nông Đinh Hữu Tâm ở xã Kim Trung, huyện Kim Sơn. Ông là một trong những người đầu tiên gắn bó với nghề nuôi hàu giống ở Kim Sơn để phát triển sản xuất, đến nay gia đình thu về hàng tỷ đồng mỗi năm chỉ từ việc xuất bán giống.

"Hàu biển được xem là loại thực phẩm bổ dưỡng, chứa nhiều kẽm, tốt cho sinh lý đàn ông, là loại "ông ăn bà khen"... nên sản phẩm con giống của loài này luôn được khách hàng ưa chuộng mua, nuôi nhiều để cung cấp con thương phẩm phục thị trường", ông Tâm nói.

Chia sẻ về những cơ duyên đến với nghề làm hàu giống, ông Tâm kể: Tôi tham gia sản xuất thủy sản tại khu nuôi tôm công nghiệp Kim Trung từ năm 2005. Những năm trước đây tôi nuôi tôm sú và cua xanh. 

Ít ai ngờ đây là nơi sản xuất ra giống con "ông ăn bà khen" nhiều nhất Việt Nam - Ảnh 3.

Giá thể dùng để cáy hàu giống lên nhân nuôi tại vùng biến Kim Sơn.

Với điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng được địa phương đầu tư, tôi bắt tay vào sản xuất trên diện tích 1ha, có năm điều kiện thời tiết thiên nhiên và môi trường thuận lợi cho thu nhập có lãi từ 50 - 60 triệu đồng/năm. Song cũng có nhiều năm do bão lụt, dịch bệnh dẫn đến thua lỗ thậm chí có vụ mất trắng. Do vậy tôi trăn trở, băn khoăn là phải làm cách gì, làm thế nào để phát triển kinh tế gia đình.

Cùng với sự lỗ lực của cá nhân, thực hiện chủ trương của tỉnh, huyện và để phát triển kinh tế của gia đình, được sự quan tâm của địa phương, năm 2016 tôi đề nghị và được UBND xã Kim Trung tạo điều giao khoán thêm 1ha đất để đầu tư xây dựng nhà trại sản xuất hàu giống. Với tổng diện tích 2ha, tôi tổ chức sản xuất ngao - hàu giống kết hợp nuôi 1 vụ tôm. Năm 2016, bước đầu cho thu nhập trên 1 tỷ đồng; năm 2017 và 2018 tổng thu nhập trên 2 tỷ đồng.

Ông Tâm cho biết thêm: Mô hình sản xuất hàu giống đảm bảo về môi trường vì nuôi tảo tự nhiên, thời gian quay vòng nhanh, ít chịu ảnh hưởng về thời tiết do có nhà xưởng để điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng... 

Trong quá trình sản xuất hàu giống, ông Tâm ký hợp đồng trực tiếp với công ty thủy sản ở Quảng Ninh về tiêu thụ con giống, đảm bảo ổn định về đầu ra và tương tác hỗ trợ giữa doanh nghiệp và cơ sở sản xuất.

Đồng thời tạo điều kiện giúp cho một số trại trong khu vực trong và ngoài xã bán sản phẩm. Không chỉ tạo ra thu nhập lớn cho gia đình, cơ sở sản xuất hàu giống của ông Tâm còn tạo việc làm thường xuyên cho từ 5 - 7 lao động ở địa phương, có mức thu nhập từ 3,5 - 5 triệu đồng/tháng, có thời điểm lên tới 20 lao động/ngày.

Hải Đăng