Jack Ma: 'Thất bại là khi bạn dừng tiến về phía trước'

Thứ hai, ngày 06/11/2017 17:00 PM (GMT+7)
Thi đại học 3 lần, bị Harvard từ chối 10 lần, xin việc thất bại hơn 30 lần, tỷ phú Jack Ma vẫn tin tưởng vào bản thân, bước vào thử thách mới, quyết chí dựng nên "đế chế" Alibaba.
Bình luận 0

“Tôi không cha giàu cũng không có học thức cao. Tôi thi đại học đến 3 lần và cuối cùng chấp nhận theo học trường chỉ xếp thứ 3 trong tổng 4 trường đại học ở thành phố”.

Đoạn mở đầu trong buổi diễn thuyết của tỷ phú Jack Ma với sinh viên Hàn Quốc phần nào khái quát được xuất phát điểm của người đàn ông giàu nhất nhì Trung Quốc - nghèo khó và thất bại trong học hành.

10 lần bị Harvard từ chối

img

Jack Ma, tên thật là Mã Vân, sinh ngày 15/10/1964 tại Hàng Châu, Trung Quốc. Ông có một anh trai và một em gái, gia đình không mấy khá giả.

Ông thừa nhận tuổi thơ khốn khó không chỉ vì kinh tế gia đình không ổn định mà còn bởi thành tích học tập bết bát ở trường.

Ông học tốt tiếng Anh nhưng rất kém Toán. Vì thế, Jack thường thất bại ở những kỳ thi quan trọng.

Trong một cuộc phỏng vấn trên Bloomberg TV, tỷ phú người Trung Quốc cho biết ông trượt kỳ thi vào tiểu học hai lần, thất bại 3 lần trong nỗ lực thi vào trung học cơ sở. Cuối cùng, Jack chỉ có thể theo học một trường trung học được mở ra để nhận những học sinh tiểu học không trúng tuyển vào bất cứ trường nào trong thành phố.

Sau khi tốt nghiệp trung học, phải đến lần thi thứ ba, Jack mới đủ điểm để vào học đại học kém gần nhất vùng. Ban đầu, ông trúng tuyển hệ tại chức nhưng được chuyển lên do hệ chính quy tuyển thiếu chỉ tiêu.

Năm 1988, Jack Ma tốt nghiệp Học viện Sư phạm Hàng Châu, bắt đầu quá trình xin việc lận đận không kém gì hồi đi học, thi cử. Ông nộp đơn vào khoảng 30 công ty với các vị trí khác nhau và đều không trúng tuyển.

Khi KFC lần đầu tiên được mở tại Trung Quốc, cậu thanh niên Mã Vân đến thử vận may và tiếp tục thất bại. 24 người đến xin việc, 23 người được nhận và ông là người bị từ chối.

Tiếp đó, ông cùng 4 người khác nộp đơn xin gia nhập lực lượng cảnh sát và trở thành người duy nhất bị loại. Jack cũng từng ấp ủ giấc mơ Harvard và đành từ bỏ sau 10 lần bị từ chối.

Sau cùng, Jack Ma trở thành giáo viên tiếng Anh tại một trường địa phương với mức lương hơn 10 USD. Ngoài ra, ông làm thêm công việc phiên dịch để trang trải cuộc sống và nâng cao khả năng ngoại ngữ.

Và dấu mốc giúp người thanh niên nhỏ, gầy gò đó đổi đời cũng liên quan công việc này khi ông có cơ hội sang Mỹ, lần đầu tiên tiếp xúc Internet.

Đương nhiên, ông không thành công ngay từ đầu mà tiếp tục thất bại hết lần này đến lần khác. Jack Ma thất bại nhiều đến mức ông từng bông đùa rằng mình đã quá quen với việc này rồi.

Trở về từ Mỹ, ông lập trang China nhưng không khởi sắc. Năm 1999, Jack thuyết phục 17 người bạn đầu tư vào dự án Alibaba và trải qua 3 năm đầu gian nan trước khi dần khẳng định được thương hiệu.

Đừng than vãn, hãy nghe người khác than phiền

img

“Tôi chỉ muốn tìm một công việc và không tìm được công việc tốt. Vì thế, tôi tự làm”, Jack chia sẻ trong buổi đối thoại với sinh viên Hàn Quốc.

Quả thực, nếu 30 năm trước, cậu thanh niên Mã Vân tìm được một công việc tử tế sau khi ra trường, rất có thể danh sách tỷ phú thế giới sẽ thiếu cái tên Jack Ma.

Trên thực tế, Jack kể rằng ông từng cùng anh họ xin việc ở một khách sạn. Người anh được nhận và đến giờ, anh ta vẫn làm việc cho khách sạn. Ông bị từ chối và hiện sở hữu khối tài sản gần 40 tỷ USD.

Jack tiết lộ 20 năm trước, ông rất ghét Bill Gates vì cho rằng ông chủ Microsoft lấy hết cơ hội việc làm của ông. Như bao bạn trẻ bế tắc trước cánh cổng cuộc đời, cậu thanh niên Mã Vân than thở, oán trách. Nhưng khác với người khác, ông nhanh chóng lấy lại bình tĩnh và tìm ra câu trả lời cho nguyên nhân bản thân thất bại.

Ông dừng việc phàn nàn, rên rỉ vì biết chắc điều đó chẳng thể giúp mình thành công hay có cuộc sống dễ dàng hơn. Đồng thời, vị tỷ phú nhận ra khi ông bình tâm lắng nghe người khác sẽ phát hiện cơ hội từ những lời than phiền.

Đó chính xác là con đường Jack Ma trở thành tỷ phú - lắng nghe nỗi muộn phiền của người khác, tìm cách giúp họ và làm giàu cho chính mình.

Jack Ma có được sự kiên trì và tinh thần lạc quan hiếm thấy. Ông tự học tiếng Anh, tự xoay sở lập nghiệp khi nhiều người không tin vào ông, thậm chí chê bai những ý tưởng điên rồ của ông.

Mã Vân quan niệm hôm nay khó khăn, ngày mai còn tồi tệ hơn nhưng ngày kia, mọi thứ sẽ tuyệt vời.

Ngay cả vào thời kỳ đen tối nhất của Alibaba, nhà tỷ phú vẫn luôn tự dặn mình lạc quan, biết tập trung vào thế mạnh của bản thân: “Nếu không từ bỏ, bạn vẫn sẽ còn một cơ hội. Nếu quá nhỏ bé, bạn hãy sử dụng sức mạnh của trí óc, thay vì thể lực”.

Triết lý sống đó giúp người đàn ông chỉ cao hơn 1m50 vươn lên trở thành gã khổng lồ trong lĩnh vực thương mại điện tử, được mệnh danh là “Bill Gates của Trung Quốc”.

‘Học trung bình cũng không sao cả’

img

Sau khi thành công, Jack Ma thường tham gia các buổi diễn thuyết tại nhiều nơi trên thế giới. Ở tuổi gần 60, ông muốn truyền cảm hứng cho người trẻ, thực hiện lời khuyên do chính bản thân ông từng đưa ra: Từ 50 đến 60 tuổi, hãy đầu tư vào thế hệ trẻ, vì họ chắc chắn làm tốt hơn chúng ta.

Ông từng hy vọng những lời khuyên rút ra từ cuộc đời mình có thể giúp người trẻ, trong đó có con trai của ông, trưởng thành không cần phải mất quá nhiều thời gian để đi đường vòng.

Nhà tỷ phú thể hiện rất rõ quan điểm của mình về việc học, điều người trẻ nên làm, nên tránh để thành công. Ông cho rằng kết quả học tập không quá quan trọng.

“Con không cần lọt vào top 3 những người giỏi nhất lớp, học tập trung bình thôi cũng không sao cả, miễn là điểm số không quá tệ. Chỉ có những người trung bình mới có đủ thời gian để học thêm những kĩ năng khác”, Jack Ma dặn con.

Ông yêu cầu cậu bé làm hết bài tập về nhà song không để nó chi phối mình mà cần học thêm kỹ năng mình thích, theo đuổi đam mê. Đó mới chính là thứ tạo nên sự bứt phá cho cuộc sống.

Mặc dù không ít người, bao gồm cả ông, không học hành nhiều nhưng vẫn thành công, Jack Ma hy vọng con trai, cũng như người trẻ dụng công học hành. Theo ông, kiến thức là vũ khí và con người có thể tay trắng lập nghiệp nhưng không thể lập nghiệp mà không có vũ khí.

Trong một buổi diễn thuyết, tỷ phú Trung Quốc từng dặn các sinh viên hãy cố gắng học hành tử tế ở tuổi 20 và theo học một ai đó ở tuổi 30. Ông trải qua thời đến trường với kết quả tồi tệ nhưng ông giỏi ở thứ cần giỏi và nó đã giúp ông thành công.

img

Ở tuổi 12, 13, cậu thiếu niên Jack Ma kiên trì thức dậy vào 5h mỗi ngày, lang thang trên đường, tìm kiếm cơ hội trò chuyện với người nước ngoài để học tiếng Anh. Trong vòng 9 năm, Jack chấp nhận làm hướng dẫn viên du lịch miễn phí chỉ để luyện ngoại ngữ và mở mang vốn sống. Với vốn tiếng Anh đó, ông có cơ hội tiếp cận cái mới và dần xây dựng nên “đế chế” cho bản thân cùng cộng sự.

Ngoài việc học, nhà tỷ phú cho rằng thái độ xác định độ cao của mỗi người. Ông nhấn mạnh điều quan trọng hơn cả để đạt được thành công là tinh thần, sự dũng cảm, sức chịu đựng và nơi bạn lựa chọn để bắt đầu.

Jack khuyên người trẻ: “Thất bại là khi bạn dừng tiến về phía trước”. Với ông, điều quý giá nhất của mỗi người là tuổi trẻ. Còn trẻ, con người có quyền phạm sai lầm, biến đó thành trải nghiệm, tài sản tích lũy cho quá trình thành công.

“Nếu bạn đang 25 tuổi, hãy cứ sai lầm đi. Đừng lo lắng. Ngã thì lại dậy. Bạn thất bại, bạn lại đứng lên”, người giàu nhất Trung Quốc khuyên.

Tỷ phú Jack Ma đối thoại với 3.000 sinh viên ở Hà Nội

Tối 4/11, ông chủ Alibaba, tỷ phú Jack Ma, đã đến Hà Nội để chuẩn bị dự một loạt các hoạt động liên quan đến thanh toán điện tử vào đầu tuần tới.

Chiều 6/11, tỷ phú Jack Ma có buổi nói chuyện với các sinh viên tại Hà Nội nhằm khơi gợi tinh thần, hoài bão cho các bạn trẻ Việt Nam.

Ông Jack Ma cũng tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng.

Nguyễn Sương (Zing)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem