Đó là hồi kí của một con chó già xấu xí, đầy khiếm khuyết hình thể. Chủ cũ ác nghiệt của nó đã chặt cụt cả hai tai và đuôi con chó, trong một cơn giận dữ vô cớ. Sau khi được giải thoát, gia đình Morris đã nhận nuôi và đặt cho nó một cái tên rất nhân văn: Joe Đẹp. Hồi kí của Joe chính là những mẩu chuyện về thế giới vật và người mà nó được biết, trong mười hai năm sống tại ngôi nhà chung này.
Margaret Marshall Saunders (13.5.1861 – 15.02.1947), tác giả của Joe Đẹp (Beautiful Joe, 1893), vốn là một nhà diễn thuyết về quyền động vật, cả đời vận động cho vấn đề con người và cộng đồng sinh thái. Bởi vậy, các tác phẩm của bà ngoài việc chuyển tải thông điệp về tình yêu thương muôn loài, còn thực sự là những tư liệu đồ sộ về các mặt liên quan đến động vật. Ở đó, có đặc điểm sinh học và tập quán của từng loài, tỉ như vì sao loài chó mỗi khi nằm thường lấy chân cào đất, có những ước vọng về cuộc sống cộng cư, nhưng nổi bật nhất vẫn là những kinh nghiệm và chuẩn mực để ứng xử với động vật của con người.
Saunders đặt tâm huyết vào Joe Đẹp, bởi thế, cuốn truyện có vẻ như rất bộn bề, cả về nội dung và dung lượng. Từ điểm nhìn của một con chó, hàng loạt nội dung đã được triển khai vô cùng phong phú về đời sống của loài vật nói chung, trong một bối cảnh rất rộng từ nông thôn đến thành thị. Ba mươi tám chương truyện đã cố gắng bao quát tất cả các loài vật nuôi, từ thú cưng trong nhà đến gia cầm gia súc trong trang trại, thú xiếc ngoài rạp; từ con cá vàng bé tí đến lũ ngựa to xác; từ con chuột chỉ biết ăn của người cho đến con bò nuôi sống được con người,tất cả đều được nhắc tới khá chi tiết... Nói Joe Đẹp như một pho tư liệuvề động vật cũng không ngoa.
Có lẽ bởi tham vọng to lớn đó mà Joe Đẹp khá chông chênh trên đôi bờ của văn chương lẫn tư liệu tuyên truyền. Không thể phủ nhận được những ý nghĩa lớn lao của cuốn truyện, nhất là trong thời đại kĩ trị hiện nay, khi mà tự nhiên bị vi phạm trắng trợn, bị bòn rút đến kiệt cùng. Văn học sinh thái đã bắt đầu từ trong quá khứ và đã rất thành công với hàng loạt tác phẩm thuộc mẫu đồng thoại, cổ tích, trong đó, thiên nhiên như là một ứng chiếu với khách thể, hoặc sẽ là phông nền để biểu hiện tính cách, tâm hồn con người.
Beautiful Joe đã rất thành công ở thời kì của nó, thế kỉ XIX, điều đó không còn gì phải bàn cãi. Nhưng để nó đến được với bạn đọc Việt Nam ngày nay, quả thực không dễ dàng gì. Liệu con người hiện đại đầy toan tính và vị kỉ còn có thể mở lòng với một tác phẩm văn chương không thuần tuý? Ở đây, rõ ràng có dấu ấn của người dịch, từ việc lựa chọn tác phẩm đến công cuộc chuyển ngữ. Vũ Danh Tuấn đã tỏ rõ bản lĩnh khi dấn thân vào dịch kiểu truyện này. Trong một xã hội thông minh đầy rẫy nghi ngờ, lựa chọn đi về phía niềm tin thơ ấu của anh không phải không có những rủi ro. Bỏ qua những phức tạp của việc chuyển ngữ một tác phẩm văn học nói chung, anh còn phải đối mặt với những khó khăn của một người dịch sách vì cộng đồng, đi ngược lại với trào lưu ngôn tình và kĩ năng đang thống trị trong làng sách hiện nay.
Ý niệm về sinh thái luôn thường trực trong nhóm truyện dịch của Vũ Danh Tuấn nói riêng và Kẹp Hạt Dẻ nói chung. Với quan điểm giáo dục từ tự nhiên, dịch giả muốn góp phần đưa thiên nhiên đến gần hơn với trẻ em hơn, bắt đầu từ những tác phẩm có tính cá nhân, và Vua Gấu Xám, Lad, Lassie, Mèo Mặt Nhọ... bản tiếng Việt lần lượt được ra đời. Như vậy, vẻ như dịch giả muốn bạn đọc nhỏ tuổi của anh “làm quen” với từng cá thể động vật, một cách đủ tỉ mỉ và sâu sắc, như là một bước đệm để tiến tới những vấn đề mang tính xã hội mà đứa trẻ nào cũng phải đối mặt, trong một tương lai không xa.
Lựa chọn chuyển ngữ Joe Đẹp, anh không chỉ hướng tới việc xây dựng cá thể loài vật với những phẩm chất và đặc điểm chuyên biệt, mà còn ham muốn chuyển tải những hiểu biết về sự cộng cư trong một cộng đồng sinh thái quanh trẻ em. Như một cây con tự lớn lên rồi học cách giao thoa với thiên nhiên, trẻ em cũng cần học cách tồn tại hoà hợp trong môi trường của chúng. Vì thế, Joe Đẹp chắc chắn sẽ là lựa chọn hàng đầu, như một kiểu truyện “dạng diện” của anh trong nghiệp chữ nghĩa, văn chương.
Ở thế kỉ XIX, Saunders đặt gánh nặng “văn dĩ tải đạo” lên Beautiful Joe, và thời kì của bà đã hồ hởi đón nhận tuyệt tác này. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng cuốn sách không gặp phải những trở ngại, trên hành trình xoá nhoà khoảng cách giữa các không gian và thời gian, sau thời kì của nó. Dung lượng đồ sộ của Beautiful Joeđòi hỏi một cách đọc không vội, thậm chí phù hợp nhất sẽ là cách-đọc-lại, như một sự cần thiết để có thể “tiêu hoá” vốn tư liệu dầy đặc về đời sống loài vật mà nó chuyển tải.
Hơn nữa, nhân thân tác giả - diễn giả về quyền động vật - có thể cũng là một trở ngại nữa trong việc đưa tác phẩm đến với đời sống văn học ngày nay. Công chúng hiện đại ít thời gian, sợ giáo điều và luôn sẵn nghi ngờ về tính chân nguỵ của cuộc sống, hẳn sẽ dè chừng với những gì có tính mục đích, đó cũng là một trong những nguyên nhân làm cho trọng trách “văn dĩ tải đạo” ngày càng trở nên xa lạ với độc giả hơn.
Bởi vậy, trong câu chuyện của Joe Đẹp rõ ràng có một nỗ lực của người chuyển ngữ. Bản tiếng Việt hiện hành được bạn đọc đón nhận như hiện nay, có phần công sức của dịch giả. Phải thừa nhận rằng Joe Đẹp chuyển tải những kiến thức về động vật rất sinh động, không hề khô cứng hay nhàm chán. Lối kể chuyện theo điểm nhìn của tác giả, cùng với văn phong cẩn trọng mà tự nhiên của dịch giả, đã tháo bỏ được những băn khoăn về dung lượng cũng như trọng trách ý nghĩa của tác phẩm gốc. Và vì thế, sứ mạng tông đồ của kẻ dịch - cầu nối văn chương nhân loại - đã chính thức hoàn thành.
Chúng ta hoàn toàn có thể sống hợp loài, chỉ với tình yêu thương và sự thấu hiểu. Đó cũng là thông điệp mà Vũ Danh Tuấn muốn mang đến qua Joe Đẹp,và cũng sẽ là tôn chỉ trong những hoạt động văn chương tiếp theo của anh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.