KBSV: Lạm phát cao, NHNN không nới lỏng tiền tệ mạnh

10/03/2020 18:16 GMT+7
KBSV đánh giá NHNN sẽ tiếp tục thận trọng với chính sách tiền tệ trong ngắn hạn và không có động thái nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ như các nước trong khu vực do lạm phát vẫn ở mức cao so với mục tiêu và lượng tiền trong hệ thống tương đối dư thừa.

Công ty chứng khoán KB Securities (KBSV) vừa công bố báo cáo "Lạm phát" tháng 3. Theo đó, KBSV nhận định giá xăng giảm không gây áp lực lên lạm phát. Tuy nhiên, nhóm lương thực và mặt hàng y tế có thể khiến lạm phát tăng.

Giá xăng hỗ trợ

KBSV bình luận kỳ điều chỉnh giá xăng, dầu sẽ diễn ra vào cuối tuần này nên KBSV kỳ vọng giá xăng dầu sẽ có mức giảm từ 3.000 – 3.500 đồng/lít trong kỳ điều chỉnh này. Nguyên nhân là do giá dầu thô thế giới hiện đã giảm xuống còn khoảng 35 USD/thùng, từ mức khoảng 60 USD/thùng vào đầu năm nay và là mức giảm mạnh nhất sau gần 5 năm.

"Giá xăng, dầu trong nước được chúng tôi kỳ vọng sẽ có phiên điều chỉnh giảm mạnh vào cuối tuần này. Với giả định giá dầu thô trên thị trường quốc tế tiếp tục duy trì ở mức thấp trong tuần này, chúng tôi ước tính mức bình quân giá thành phẩm Ron95 trong kỳ tính toán (29/2 – 13/3) sẽ giảm 20 – 25% so với kỳ tính toán trước đó. Do vậy, giá xăng Ron95 trong ước tính sẽ giảm khoảng 3.000 – 3.500 đồng/lít", KBSV cho hay.

KBSV: Lạm phát cao, NHNN không nới lỏng tiền tệ mạnh - Ảnh 1.

Lạm phát cao, NHNN không nới lỏng tiền tệ mạnh. (Ảnh minh họa)

KBSV ước tính chỉ số giá xăng, dầu sẽ giảm khoảng 10% so với tháng trước, và chỉ số nhóm giao thông ước tính giảm 5% trong tháng 3.

Lương thực, mặt hàng y tế gây áp lực

Trong khi nhóm xăng dầu, nhóm giao thông không gây áp lực lên CPI thì một số nhóm hàng khác lại có thể khiến CPI đi lên. KBSV nhận định áp lực lạm phát trong tháng 3 sẽ thuộc về nhóm giá lương thực và mặt hàng y tế

Theo KBSV, giá gạo xuất khẩu tăng mạnh (ước tính tăng khoảng 5% so với tháng trước) khiến giá gạo trong nước tăng và làm chỉ số giá nhóm lương thực tăng 0.5% trong tháng 3.

Đáng chú ý, giá thịt lợn trong nước, trong giai đoạn nửa sau của tháng 3 có xu hướng tăng với 2 nguyên nhân chính: Nhu cầu tích trữ thịt lợn tăng cao do lo ngại dịch nCoV lan rộng và 2. Hiện tượng gom thịt lợn từ thương lái để xuất lậu đi Trung Quốc.

Tuy nhiên, tính trung bình trong tháng 3, giá thịt lợn duy trì ở mức tương đương với tháng 2 (khoảng 78 – 80.000 đồng/kg), nên tác động của mặt hàng này đến chỉ số CPI tháng 3 là không lớn. KBSV đánh giá giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế ước tính sẽ tăng tương đương với tháng 2, vào khoảng 0,15% do nhu cầu về một số mặt hàng thuốc y tế tăng cao khi dịch nCoV lan rộng hơn.

Không nới lỏng tiền tệ mạnh

Sau khi phân tích những nhóm hàng tác động mạnh nhất tới CPI tháng 3, KBSV ước tính chỉ số CPI tháng 3 tiếp tục xu hướng giảm so với tháng trước. Cụ thể, CPI tháng 3 giảm 0,38% so với tháng trước và tăng 5,22% theo năm. Lạm phát bình quân 3 tháng đầu năm tăng 5,68%.

Từ việc phân tích lạm phát trong tháng 3, KBSV đưa ra dự báo về xu hướng điều hành chính sách của Ngân hàng Nhà Nước (NHNN).

"Chúng tôi duy trì quan điểm NHNN sẽ tiếp tục thận trọng với chính sách tiền tệ trong ngắn hạn và không có động thái nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ như các nước trong khu vực do lạm phát vẫn ở mức cao so với mục tiêu và lượng tiền trong hệ thống tương đối dư thừa (NHNN đã liên tục hút tiền về thông qua hoạt động thị trường mở trong 6 tuần qua, chủ yếu do tín dụng tăng trưởng thấp trong khi đó có một lượng lớn tiền đã được bơm ra trước Tết Nguyên Đán)", KBSV tin rằng NHNN sẽ không thực hiện chính sách nới rộng tiền tệ quá mạnh.

KBS bình luận thêm Chính phủ sẽ tiếp tục chiến lược tập trung vào phòng chống dịch nCoV lan rộng và bên cạnh đó sẽ yêu cầu các ngân hàng thương mại hỗ trợ các doanh nghiệp ảnh hưởng như trước đó. Hoạt động sản xuất của Trung Quốc hiện đã trở lại hồi phục trở lại, do vậy chúng tôi đánh giá lĩnh vực sản xuất của Việt Nam sẽ được hỗ trợ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp du lịch, vận tải, hàng không, tiêu dùng vẫn chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch bệnh.

Hoạt động kích thích tăng trưởng thông qua chính sách tài khóa như tăng đầu tư công, giảm thuế Thu nhập Doanh nghiệp sẽ được sử dụng triệt để sau khi dịch nCoV được kiểm soát phần nào.

Ngọc Lâm
Cùng chuyên mục