Kể chuyện làng: Cây vối bên bờ ao

Thế Vũ Thứ bảy, ngày 29/04/2023 16:02 PM (GMT+7)
Trong khoảng sân nhỏ chật hẹp ở ngôi nhà giữa lòng Sài Gòn, tôi trồng được một cây vối nhỏ. Dẫu chỉ là loại cây trồng tạm trong chậu, tưới bằng nước vo gạo nên lớn chậm nhưng nó mang đến cho tôi biết bao niềm vui kì lạ.
Bình luận 0

Một sáng thong thả hiếm hoi, ngồi nhấm nháp ly nước vối vị chát nhẹ nhưng thoang thoảng hương thơm thanh mát, lại khiến biết bao ký ức về ngôi làng bình yên ở đồng bằng Bắc bộ, quay trở lại bên tôi.

Kể chuyện làng: Cây vối bên bờ ao - Ảnh 1.

Cây vối nếp. Ảnh: Tác giả cung cấp

Theo lời bố tôi kể lại thì chỉ những dịp đặc biệt, phải đón tiếp khách từ xa tới, người dân quê tôi mới uống chè mạn hoặc chè xanh Thái Nguyên để bày tỏ sự hiếu khách. Còn riêng ngày thường, mọi người trong làng vốn quen với sự dân dã nên chỉ thích uống nước vối. Cả nụ vối và lá vối tươi hoặc khô thường được người dân trong làng tôi tận dụng để nấu nước uống quanh năm, không những dùng để giải nhiệt mà còn có tác dụng kháng sinh, diệt được nhiều loại vi khuẩn gây bệnh.

Do chứa rất nhiều hàm lượng tinh dầu mang đến mùi thơm dễ chịu, lá vối tươi hay khô sắc đặc được xem là một trong những thuốc sát khuẩn dùng để chữa nhiều bệnh ngoài da như ghẻ lở, mụn nhọt. Ở làng tôi, người dân thường lấy lá vối để tươi vò nát, nấu với nước để gội đầu, chữa chốc lở hoặc bệnh nấm da đầu rất hiệu quả.

Chắc đó cũng là lý do mà mỗi nhà ở quê tôi thường trồng một hai cây vối bên bờ ao hoặc góc sân để dành đun nước uống. Vốn là loại cây có khả năng sinh trưởng cao, cây vối thường được trồng xen lẫn các loại cây lâu năm khác như mít, ổi… trong vườn. Dẫu chỉ đứng khiêm nhường lặng lẽ bên các bờ ao làng hay trong một góc vườn nào đó nhưng cây vối là ký ức thân thuộc của rất nhiều người sinh ra và lớn lên tại các vùng quê Bắc bộ.

Kể chuyện làng: Cây vối bên bờ ao - Ảnh 2.

Nước vối. Ảnh: Tác giả cung cấp

Cây vối ở góc vườn nhà tôi chẳng rõ đã có từ khi nào. Chỉ biết khi tôi lớn lên, thân cây đã già vỏ xù xì, nứt dọc, thân mình cây hơi ngả xuống ao như cố nhoài ra để xòe ô che bóng mát cho cầu ao làm bằng những ống tre già ghép lại. Bố tôi thường bảo cây vối này do ông nội tôi trồng, giống mua từ mạn ngược khi xuôi dòng sông đi thuyền chở gạo lên miền cao.

Mùa trổ hoa của cây vối thường bắt đầu khi mùa xuân đến, thời tiết dần trở nên ấm áp hơn. Thông thường, khi hoa bưởi trong các vườn nhà bắt đầu vơi dần và rụng xuống thì cây vối cũng bắt đầu ra hoa. Nụ vối ban đầu thon nhỏ như hạt đậu xanh, sau đó sẽ dần dần bừng nở, tỏa sắc trắng đơn thuần mà mong manh trong gió. Những ngày còn nhỏ, tôi thường ngẩn ngơ đứng nhìn mấy chùm hoa vối trắng, nhỏ li ti phảng phất hương thơm dịu nhẹ. Từng chùm hoa vối mọc ra từ nách lá, bốn cánh hoa mỏng manh đẹp xanh xao, mịn như ngà. Sau khi ra hết mùa hoa, cây vối sẽ bắt đầu kết quả. Quả vối khi chín có màu đỏ tím, ăn vào sẽ có đủ dư vị chát, chua, đắng, ngọt.

Suốt khoảng đời tuổi thơ, tôi cứ tha thẩn hết đi chơi ngoài đồng rồi lại về ngồi an tĩnh đọc sách dưới gốc cây vối. Cây vối cành lá sum suê, xanh mát một góc vườn ấy là người bạn cùng tôi những tháng ngày êm đềm ấy. Thi thoảng, ngồi trên cây, nhấm nhám chiếc lá vối thơm, nghe cơn gió nồm Nam mát rười rượi, dâng lên trong lòng nhiều xúc cảm, thấy mọi bộn bề trong đời, phút chốc đều dừng lại sau cánh cửa vườn nhà.

Trong mơ hồ, tôi cảm nhận cây vối dường như cũng có tâm hồn. Cây vối hiền lành, cứ lặng lẽ khiêm nhường mà lớn lên, không chấp nhặt bọn trẻ con hay leo trèo nghịch ngợm. Sau này vào những năm tháng phải đi học xa, mỗi khi quay trở về nhà, tôi lại ra bờ ao tựa lưng vào gốc cây vối, cảm thấy biết bao yêu thương mong nhớ.

Lại nhớ có những hôm anh trai tôi đi cắt nhành tỉa lá thế nào, không may tỉa trúng vào cây vối làm gãy cành, nhựa ứa ròng ròng. Chúng tôi cứ thế đứng nhìn, lòng ngẩn ngơ đau xót. Mẹ tôi thấy thế liền lấy bùn trát vào chỗ nhựa ứa cho khỏi đau cây. Mấy ngày liền mẹ tôi tỉ mỉ băm cành chặt lá, phơi chật khoảng sân trước nhà. Tôi hay lặng lẽ ngồi bên cạnh xem mẹ vun xới đống lá cành, nhặt nhạnh mấy chiếc lá héo hoặc bị sâu mọt ăn rồi đưa tất cả vào bồ tre ngâm ủ.

Kể chuyện làng: Cây vối bên bờ ao - Ảnh 3.

Nước vối khô. Ảnh: Tác giả cung cấp

Riêng với nụ vối vàng ươm, mẹ tôi sẽ phơi riêng, lọc ra cho vào ấm tích để cả nhà dùng dần. Mãi đến tận ngày hôm nay, tôi vẫn không thể quên được những bát nước vối thuần khiết, mới nhấm nháp sẽ có vị đắng, sau đó ngọt dần nơi đầu lưỡi. Những ngày mùa hè oi nồng, mỗi khi đi học về thấy lưng áo ướt đẫm mồ hôi, tôi thường lục ấm nước vối tu ừng ực cho thỏa cái khát nung nấu trong người. Mẹ tôi thấy thế lại nhẹ nhàng khuyên: "Uống từ từ thôi con à. Con uống hết mẹ lại hãm bình khác cho uống nên không phải vội". Tôi nghe thế, chỉ biết cười trừ nhưng vẫn thèm thuồng lắm hương vị mát lạnh.

Sau đó, khi lớn hơn một chút, tôi cũng bắt chước mẹ, tập tành hãm nước vối mang ra đồng cho bố mẹ và các cô chú đang cày cấy ngoài đồng. Giữa ánh nắng gay gắt buổi trưa hè, được nhấm nháp hương vị thanh mát của bát nước vối, ai cũng gật gù ra chiều dễ chịu. Niềm vui của người miệt vườn quê tôi, đôi khi chỉ giản đơn như thế.

Thấm thoát đã nhiều năm xa quê, lòng tôi vẫn thường miên man nhớ về những ký ức tuổi thơ. Vài tháng trước, tình cờ mua được một chậu cây vối. Khi mua về, cây chỉ nhỉnh hơn chiếc xe điếu, phải mất một khoảng thời gian dài để chăm chút tưới tắm, cây mới lớn dần và xanh non mơn mởn. Tôi hay ra khu vườn nhỏ trước nhà mình tưới cây, tiện thể ngắm nhìn những chiếc lá mảnh mai, xanh mướt như lá chè rung rinh trong nắng.

Chỉ cần ba bốn chiếc lá thôi đủ cho một ấm nước dùng trong ngày. Lần đầu tiên, khi nhấp ngụm nước nấu bằng lá của cái cây trồng trong chậu cảnh, thấy môi mình ngọt lành mát dịu. Phải mất ngần ấy năm trời, trải qua bao đắng đót mới kịp nhận ra vị ngọt ngào của cây vối quê nhà…

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem