Kể chuyện làng: Giếng làng trong vắt lời yêu

Lê Minh Hải Thứ tư, ngày 17/05/2023 10:01 AM (GMT+7)
Khi nhắc tới giếng làng chúng ta sẽ nghĩ ngay tới hình ảnh cũ kỹ, đó là nơi sinh hoạt cộng đồng của cư dân nông nghiệp ngày trước.
Bình luận 0

Giếng làng đã chứng kiến những buồn vui, thăng trầm, biến cố của cuộc sống ở nơi nó tồn tại. Tôi vốn là người hoài cổ và yêu những điều mộc mạc ở thôn quê nên những cái giếng làng cũng là điều tôi quan tâm. Thật may mắn vì những giếng làng ở quê tôi vẫn còn khá nhiều, chúng ở đó khiêm nhường, lặng lẽ chứng kiến những đổi thay xung quanh mình.

Kể chuyện làng: Giếng làng trong vắt lời yêu - Ảnh 1.

Giếng làng có tên giếng Mèo tại xã Hiền Quan, Tam Nông, Phú Thọ lúc nào cũng ăm ắp nước. Ảnh: Tác giả cung cấp

Một ngày tôi lang thang đi dọc đường quê quanh co để tìm thăm những giếng làng. Làng tôi bây giờ vẫn giữ lại được năm cái giếng, chúng đều được đào và xây vào những năm 30 của thế kỷ trước. Vậy là chúng tồn tại cho đến nay đã gần một thế kỷ. Bà tôi kể, trước kia mỗi xóm đều có một giếng, mọi người đều ăn nước giếng chung, bởi vậy mà làng tôi có khá nhiều những giếng như thế. Việc tắm giặt, nấu nướng đều sử dụng nước từ giếng làng, hàng ngày mỗi nhà đều phải cắt cử người nhà ra giếng làng gánh nước về để dùng. Nhờ việc gánh nước mà những cô gái, chàng trai đã có dịp được gặp nhau. Những ánh nhìn lóng lánh ướp hơi men, thứ hơi men của tạo hóa đã làm cho những anh chàng, cô nàng chăm gánh nước hơn, giếng làng đã là nơi hò hẹn của trai gái trong làng.

Ở giếng làng, người ta gặp nhau cười nói, chuyện trò, tâm sự biết bao thứ trên đời. Cũng đã có những xô xát, bất hòa xảy ra ở giếng làng, nhưng chả lẽ cứ chạm mặt nhau mà không chào, không nói? Thế là lại phải làm lành, lại râm ran tiếng nói chuyện để mà thấm thía cái tình làng, nghĩa xóm, đậm sâu thêm nỗi quê nhà. Giếng làng như một điểm gắn kết con người lại gần nhau, để mà cảm thông, đùm bọc lấy nhau, thêm gần nhau bằng sự thật thà của người nhà quê mộc mạc. Phải chăng người dân quê cùng uống chung những giọt nước mát lành, như uống chung dòng sữa chảy ra từ đất mẹ, nên vì thế mà gần gũi và gắn bó yêu thương?

Tôi đặc biệt chú ý đến một cái giếng làng có từ năm 1932 tên gọi giếng Mèo. Khi hỏi những người tuổi cao sống xung quanh đó về nguồn gốc cái tên giếng Mèo thì có người trả lời là khi lớn lên đã thấy mọi người gọi thế rồi. Một cụ già khác lại nói, vì mặt nước giếng trong xanh như mắt mèo nên cái tên giếng Mèo có từ khi ấy. Chẳng biết ai là người nói đúng nhưng thật lạ lùng là vị trí giếng vốn cao hơn các ao xung quanh mà giếng lúc nào cũng ăm ắp nước. Người già kể lại rằng, vào những năm hạn hán nhất mà nước trong giếng cũng không hề cạn, giếng Mèo đã mang lại cho dân làng những giọt nước trong lành, tắm mát thân thể và tâm hồn cho bao thế hệ.

Kể chuyện làng: Giếng làng trong vắt lời yêu - Ảnh 2.

Tác giả bên giếng làng. Ảnh: Tác giả cung cấp

Tôi đưa tay khỏa nước, làn nước trong veo in bóng tôi rung rinh. Tôi như nghe thấy lời giếng đang thủ thỉ kể chuyện mình, chuyện làng. Tôi chìm vào những ngày xưa ấy, những đêm trăng thanh gió mát, những cô gái ra giếng làng giặt và gội đầu, ánh trăng len vào từng sợi tóc óng ánh, thơm mùi bồ kết, cùng hương hoa bưởi. Những hôm như thế các chàng trai cũng ra đây gánh nước. Thế là từ đó những mối tình nảy nở rồi họ nên vợ thành chồng.  Cũng có những cặp đôi tình duyên lỡ dở, cái dở dang làm nên sự tiếc nuối, nhớ nhung nhưng lại cũng làm nên điều đẹp đẽ lắng lại ở một ngăn ký ức, để một lúc nào đó có dịp lục tìm chợt thấy lòng mình thổn thức lâng lâng.

Một buổi chiều êm ả, có người đàn ông mái đầu đã điểm bạc, ông đã xa quê nhiều năm, nay tìm lại cố hương. Dừng chân bên giếng làng, người ấy bâng khuâng nhớ về mối tình thời trai trẻ. Những lời yêu thương ngân lên như những nốt nhạc êm đềm ru lòng ông êm ái. Ông rưng rưng tự hỏi lòng mình người xưa giờ đang ở nơi đâu? Cúi đầu soi mình vào mặt nước trong xanh in bóng mây trời, người đàn ông thấy khuôn mặt mình trẻ lại như hồi mới đôi mươi! Những kỷ niệm như vẫn lưu lại đây, nơi giếng làng, lòng ông dâng lên một nỗi niềm ấm áp, bình yên.

Mặc cho mọi thứ xung quanh ngày một đổi thay, nhưng giếng làng vẫn vậy, cứ đứng đó để cho vết thời gian phủ lên mình dày thêm những lớp rêu phong. Giếng làng như một người cũ lặng thầm là nhân chứng cho bao câu chuyện của làng, làm nên một phần hồn làng, nét quê cho dù người đời có dửng dưng quên lãng. Với tôi, giếng làng luôn đẹp đẽ thân thương, mang trong mình dòng nước mát lành trong vắt, ngọt ngào những lời yêu!

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem