Kể chuyện làng: Hơi sợ ở… làng mình

Quang Hưng Thứ bảy, ngày 02/05/2020 08:00 AM (GMT+7)
Hồi bé thì tôi luôn gọi là quê ngoại, vì rõ ràng là nơi sinh ra mẹ mình. Và nghĩ một cách khá rành mạch, thì đó là quê của mẹ, làng của mẹ, là nơi có nhà có vườn của ông bà ngoại với cậu, với các dì, khác với “quê” của bố là phố cổ Hà Nội, nơi có các cô. Một cách tự nhiên, tôi vẫn tự thấy mình gắn liền với “quê của mình” nhất: Thị xã Hà Đông, nay là quận Hà Đông của Hà Nội, nơi tôi được sinh ra, lớn lên, đi học, trở thành thanh niên, lập gia đình và vẫn gắn liền đến bây giờ.
Bình luận 0

img

Bác Hồ tát nước chống hạn tại Tả Thanh Oai năm 1958. Ảnh tư liệu

Vậy mà giờ, nghĩ đến quê ngoại - thôn Tả Thanh Oai, xã Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội, tôi lại cứ muốn nói: Làng mình! Kể dù mai này, mà có khi chả mấy nữa đâu, nếu quê ngoại có lên phường, thì tôi vẫn thích gọi như thế: Làng! Cái tiếng gọi làng và ý nghĩ làng ấy, nó như gợi ra cái chất của miền đất nhỏ lâu đời. Nó phác ra cái nền của địa bàn hiện tại, và có thể sau này thay đổi cách định danh, điều chỉnh địa giới hành chính, dù phường mới, phố mới, thì nơi đó vẫn mang cái nền của đời sống văn hóa làng quê với những lề thói, tập quán, nếp sống quý giá. Một cái chất, một cái nền không nên bỏ, và cũng không được bỏ.

Ngẫm qua thế chứ không nên phân tích dài dòng, vì mình không phải là nhà nghiên cứu, mà những gì là thực, là cụ thể, là trải nghiệm với làng thì trong tôi hôm nay vẫn sống, dù làng, hôm nay, đã khác đi nhiều rồi, với những cái đẹp cái hay khó lòng nguyên vẹn.

Nhưng, ký ức và trải nghiệm là mảnh gương trong trẻo mà người ta có thể giữ lâu dài để thương mến, để soi chiếu cho nhiều năm tháng sau của cuộc đời. Vẫn tươi nguyên con đường uốn theo dòng sông tôi ngồi sau xe đạp mẹ chở về quê mỗi lần. Sông nâu bạc, lấp lánh nắng hắt về từ phía cây đa đầu làng. Còn bé quá, tôi không tưởng tượng nổi và thấy thật thích thú khi gặp lại sông Nhuệ mà ban nãy tôi vừa tạm biệt “nó” trên Hà Đông của tôi. Nhuệ giang, mở từ trên Liên Mạc, qua Chèm, về Mỗ, đến Hà Đông rồi đi tiếp qua các làng cổ hai bên bờ những chục năm nay đã lên phường phố cả - Hà Trì, Đa Sĩ, Xa La, Mậu Lương, rồi gặp quê ngoại tôi - Tả Thanh Oai bên này bờ, còn gọi Tả Tó, bờ kia là Hữu Tó.

img

Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm và tham gia tát nước chống hạn tại xã Tả Thanh Oai. Ảnh: Đinh Luyện

Tôi đã được ngồi đò từ làng mình - Tả, sang bên kia - Hữu vài lần. Những ngày đó rợp hai bờ sông những lũy tre. Bằng đôi mắt nhỏ, tôi cứ tưởng tượng giữa đường làng với mép sông, trên chiều hơi thoai thoải xuống là cả một vệt rừng nhỏ chạy dài mãi những bụi tre to, khóm tre nhỏ, những cây bàng, sấu, xoan, chuối và nhiều loại, xen kẽ là chuỗi hố nước, vùng nước nhỏ. Bờ này cũng vậy, bờ bên kia xa xa cũng thế, um tùm, xanh đến thẫm lại, thấp thoáng có người đi bộ, đi xe đạp đường làng bên ấy, ẩn hiện sau rặng tre. Con đò cũng hiện ra như thế, từ dưới một tán lá rộng nhô ra mặt nước. Nhìn từ xa bên này sông, con đò xám bạc, thật là dài, và người lái đò đội nón cầm sào đẩy đứng cuối đò, nhìn chưa thể rõ mặt, trông cũng bàng bạc như thế, gợi một cảm giác bí ẩn, và tôi có hơi sờ sợ!

May tôi đứng cùng các anh chị họ mình, tất cả một lũ trẻ lau nhau đứng đợi đò sang và tôi là bé nhất, ở thị xã về. Nghĩ lại thì hồi đấy cũng liều, vì cả đám nhí nháu rủ nhau xuống đò sang sông mà không sợ. Hồi đó cả lũ trẻ ấy, cả người lái đò lẫn nhiều người khác ở làng, đâu đã có khái niệm phòng hộ, chỉ bước lên đò rồi ngồi thụp xuống cho khỏi chòng chành chứ làm gì có áo phao. Người ta có vẻ yên tâm rằng trẻ con ở quê thì hầu như đứa nào chả biết bơi, qua một con sông nhỏ như thế thì cũng không có gì phải ngại! Tất nhiên lúc qua sông chơi, trở lại bên này rồi, về đến nhà ông bà ngoại thì tôi bị mẹ vụt cho mấy cái, bởi tôi đâu biết gì về sông nước, bơi lặn, tôi đi chơi thế, về kể lại cũng làm cho bố mẹ hoảng hồn!

img

Cổng một ngôi nhà thôn Tả Thanh Oai. Ảnh: Quang Hưng

Nhưng lúc ngồi trên đò thì đâu đã lo xa biết đến lúc bị ăn roi. Một cảm giác thật lạ lẫm, thật sung sướng, hơi ngợp, hơi lo lắng. Lòng con thuyền thật rộng, tôi tưởng nó có thể chứa được hết cả một lớp mấy chục đứa học sinh lớp một lớp hai của tôi dạo ấy. Chúng tôi ngồi lọt vào trong lòng thuyền, cạnh một vài người lớn mang thúng, mẹt, ô doa hay cuộn thừng gì đó, chân đi đất lấm láp bùn, chắc họ sang bên này mua bán cái gì. Con đò đi chéo mặt sông nên cảm giác như mặt nước rộng ra, càng xa rời bên này và vẫn xa chưa tới bên kia, gió nắng xòa mái tóc, càng dâng lên những lạ lùng với suy nghĩ viển vông. Tôi nghĩ mình đang bước vào cuộc phiêu lưu, bắt đầu xa gia đình để đón những gì đó kỳ lạ, ghê gớm. Tiếng cười đùa của các anh chị họ tôi ở quê, những đứa trẻ đang học cấp một vang lên khanh khách, và khi tôi bắt chước, quài tay qua mạn đò xuống nước để té nhau thì bị người lái đò mắng cho mấy câu sợ phát khiếp! Hóa ra người ta cũng sợ trẻ con ngã xuống sông. Sợ chứ!

Những gì nhớ được về việc đi chơi ở bên làng Hữu thì không rõ ràng, tôi chỉ biết cả lũ “dắt díu” nhau đi trên đường gạch ven sông, dưới bóng cây, hình như có đến chợ nhìn ngó hàng họ một lúc rồi về. Trong một lần sang sông về sau, hai anh em tôi được bố dắt đi cùng, đến cái chợ ấy, ngồi ăn bánh rán mật, bánh to, mật phủ nâu quánh, ngọt lịm cả người! Hình ảnh ngôi chợ ngày ấy, tức là cách nay khoảng hơn 30 năm, tôi nhớ, cũng không khác nhiều so với những hình ảnh chợ búa từ thời trước để lại, cũng la liệt người ngồi, thúng, mẹt, quang gánh, những quầy hàng dọn trên chõng thấp thấp, mái ngói thấp chạy dài trên những gian chợ, tất cả như sẫm lại một sắc nâu.

Đấy là chợ bên làng Hữu, còn trở lại “làng mình Tả Tó”, tôi nhớ một ấn tượng về những ngõ dài nối đi sâu hút về phía trong tính từ mặt đường làng, cũng như bên kia. Người ta gọi đấy là kiểu răng lược mà sống lược là đường chính. Những ngõ sâu nếu đi hết sẽ ra cánh đồng, những ngõ chia thành các xóm với các khối nhà có cổng mở ra mặt ngõ. Các cổng tôi nhớ là thường so le nhau, ít khi đối diện. Có những ngõ đi vào không thẳng hoặc không chỉ hơi uốn mà lượn cong hẳn đi một đoạn rồi được “chẻ” ra thành hai nhánh ngõ. Có những ngõ về đến gần cuối thì hết đường gạch, trở nên đường đất với các hàng rào găng, những bụi cây um tùm, ít ánh nắng. Đi đến những chỗ đó kể cũng hãi. Nhất là hầu như nhà nào cũng nuôi chó, ít thì một con, không thì đến hai, ba con. Chúng cứ lừ lừ nằm ở ngay cổng, hoặc quẩn quanh đùa nhau ngay giữa ngõ, nhìn thấy chúng tôi - đương nhiên là những đứa mặt lạ mò mẫm đến, chúng sủa inh ỏi đầy dữ tợn, có con chực lao ra đuổi. Có những lần, đi nữa thì không dám mà chạy thì càng chết, chó sẽ đuổi theo! Chân cứ líu ríu cả lại, giật lùi đề phòng.

Sau những chuyến đi chơi khá nguy hiểm lọt khỏi tầm kiểm soát của người lớn như thế, tôi vẫn thường ăn mắng, mặc dù không phải đi một mình mà do những “đứa” lớn hơn rủ. Dù có thể sợ, nhưng cứ đi lang thang như thế thì rất là thú và lạ, và càng thêm tò mò. Tôi cứ nhìn ngắm những cái cổng cũ trầy tróc vữa, đắp nổi hoa văn là những hình hoa, lá cách điệu, hình những nút dây buộc. Lại những ngôi đền, ngôi nhà thờ to, rộng, cột trụ có hình con nghê mắt thật to, trông rất là oai mà tôi sợ như nó sắp… làm gì mình. Sau này biết được, đó đều là những di tích “mở mày mở mặt” của làng, nào là nhà thờ Ngô gia văn phái, nơi đến nay họ Ngô con cháu trong làng vẫn chăm nom, hương khói; nào là Minh ngự lâu, nơi thờ tự và tương truyền xưa kia vua Lê Hoàn trên đường dẫn binh dẹp giặc đã dừng ở đây xem hát; hay là chùa Thắm, chùa Tiêu, và những cái cổng rất uyển chuyển đến nay đã mất đi nhiều. Có nơi trên bậc thềm đắp hai ông phỗng quỳ, dưới là hai con chó đá. Có nơi khác tôi thấy con nghê, rồi thân con rồng uốn từ hai bên cổng xuống bức tường. Có chỗ là cả một ngôi nhà to xây kiểu giao thoa Pháp - Việt, im lìm, bí ẩn. Phía ngoài kia, khi đã ra đến đồng ruộng rồi, những năm sau này người ta xây dựng một đài tưởng niệm để nhớ ngày 12/1/1958, Bác Hồ về thăm, ra cánh đồng Quai Chảo cùng bà con xã Tả Thanh Oai, khi đó là xã Đại Thanh, tát nước chống hạn. Bức phù điêu lớn tại đây khắc theo bức ảnh chụp hồi xưa Bác đứng ở bờ ruộng tay cầm dây gầu, cùng một người nữa đang tát nước, đằng sau và hai bên là bao nhiêu người đứng hân hoan.  

img

Một góc bình yên thôn Tả Thanh Oai. Ảnh: Quang Hưng

Ngoài cánh đồng ngút ngát gió, và những thân phi lao xa xa lúc nào trông cũng hơi nghiêng vì gió thổi lồng lộng như suốt đêm ngày. Cánh đồng thật lớn, và khi chúng tôi đã đi ra đến con mương, nhìn lại thấy các mái nhà đã lúp xúp ở phía sau một đoạn dài, thì hiểu rằng mình đã đi khá xa nhà ông bà ngoại, xa bố mẹ, xa các bác, các dì, mà nếu không có một hai “đứa” anh họ lúc ấy thì tôi hiểu rằng mình sẽ lạc đường. Tôi còn nhớ ấn tượng mở sáng ra và chói bừng lên của bầu trời quê trên cánh đồng thuở ấy, một cảm giác mà trong phố với nhiều nhà nhiều xe thì không thể có được. Trên là những tảng mây cao, dưới chỉ có lúa xanh đổi màu qua các mùa, con mương chạy dài với xa xa rặng cây. Cánh đồng rộng đến mức khi bé thì mình tưởng nó sẽ nối với chân trời. Thật lạ! Thật hoang đường! Thật hơi e ngại như mình có thể bị biến mất đi vậy!

Những hình ảnh to lớn và hoa văn phai bạc cứ lấp loáng trong tôi về những buổi ngày rực nắng mỗi lần về quê, rủ nhau đi tha thẩn đường làng ngõ xóm, trên tay cầm một cái que, hay nhặt được cái que rơi, bẻ được cành tre, cành cây nhỏ gì đó lại vung vẩy. Và những tiếng chó sủa, tiếng ai đó trong sân nhà càu nhàu, tiếng những đứa trẻ ở làng cũng đang nhí nháu quỳ, bò, nhảy nhót chơi trên sân, dưới những hiên nhà, có khi đứng nhìn tôi lạ lẫm, rồi những ông nào đó ăn mặc sờn cũ vai đeo cày hay bừa, dắt con trâu hay đi sau con bò đang thong thả từ cuối ngõ tiến lại, từ đằng kia trên bờ mương đang đến gần. Những con vật to lớn ấy khiến tôi hay lo lo mà nép vào tường hay một bên đường vì các đường ngõ, đường mương vốn cũng không rộng rãi gì. Trong khi người chúng kềnh càng làm sao, con nào có sừng thì đầu cứ đưa qua đưa lại, cũng thấy ghê ghê!

Bây giờ, hồi ức về làng quê của mình những tháng ngày tuổi thơ đi “khám phá”, hóa ra lại hay gắn với những cảm xúc hơi lo lo, sợ sợ. Bởi những lần đầu tiên được đến, được thấy, nghĩ mình thật bé nhỏ, mà phía trước mặt kia to, rộng, mông lung, bí hiểm, dậm dọa. Bởi những lần sau có khi đã biết rồi những vẫn quen cảm giác đề phòng, vì thực tình tôi cũng không được lớn lên ở làng, thỉnh thoảng được bố mẹ cho về chơi chứ đâu phải ở liền mãi như nhà mình trên thị xã. Vậy mà sao những cảm xúc ấy nó đi theo tôi bền thế, để trở thành một phần nuôi dưỡng ấu thơ và sở hữu ký ức trong mình. Khiến cho sau này lớn rồi về quê, mỗi khi đi trở lại những con đường cũ, gặp một hình ảnh quen quen, hay nhớ rằng ở chỗ đã phá bỏ, đã xây mới cái gì đó lên, trước kia từng có một cái ao, một bụi tre, một cái cổng cũ…, là đôi chút cảm giác văng vắng, là lạ, vừa tò mò vừa ngài ngại năm nào lại phảng phất bay về. Những cảm giác ấy, lẫn trong bao nhiêu ngày tháng thương yêu với quê nhà, họ hàng qua những chặng đời sum vầy rồi chia tay, rồi buồn đau, mất mát, rồi không ngừng chảy trôi, khiến cho tôi gọi làng của mẹ là làng của mình, bởi một phần mình đã sinh ra ở đấy.  

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem