Kể chuyện làng: Mùa vải quê tôi

Trịnh Trúc Quỳnh Thứ tư, ngày 03/05/2023 07:00 AM (GMT+7)
Một sáng đầu hạ, dạo quanh khu chợ gần nhà, thấy những chùm vải căng tròn mọng nước trên quang gánh của các cô bán hàng, thấy lòng miên man nhớ về một miền quê xa thăm thẳm trong ký ức. Những mùa vải chín ở quê nhà trong phút chốc chợt ùa về trong nỗi nhớ xa xăm.
Bình luận 0

Như bất kỳ đứa trẻ nông thôn nào, tôi đã trải qua một khoảng đời ấu thơ vô cùng khó khăn. Ngày đó, đời sống thiếu thốn trăm bề, bọn trẻ ăn cái gì cũng thấy ngon, dù chỉ là một búp bàng non đắng chát. Chắc cũng vì lý do đó mà mùa vải chín rộ luôn là gợi lên biết bao niềm háo hức đặc biệt với chúng tôi.

Kể chuyện làng: Mùa vải quê tôi - Ảnh 1.

Quả vải. Ảnh: Tác giả cung cấp

Theo bà tôi kể lại thì vải ở quê tôi có rất nhiều loại: vải sớm, vải lai, vải thiều... nhưng thơm ngon nhất vẫn là vải thiều. Có lẽ, do đặc trưng của vùng đồng bằng châu thổ, đất đai màu mỡ, phì nhiêu kết hợp nhiều sông ngòi chằng chịt với lượng phù sa bồi đắp cho làng mạc, ruộng đồng từ nhiều năm nên cây vải đặc biệt sinh trưởng tốt. Chắc cũng vì lẽ đó mà ở quê tôi, nhà ai cũng trồng vải. Nhà neo người thì chỉ vài gốc vải, những nhà có điều kiện thì trồng vải đến tận vài mẫu.

Năm nào cũng vậy, chẳng ai hò hẹn cứ mỗi khi hè đến, mang chút nắng vàng óng ánh tràn ngập khắp các khoảng không, phủ đầy những vườn cây lá, cũng là thời điểm khi vải bắt đầu, bừng nở những bông hoa đầu mùa. Những ngày còn thơ, tôi hay ngẩn ngơ đứng ngắm khoảng sông uốn khúc ở góc vườn, thấy thăm thẳm một màu xanh cây trái bao phủ bằng màu trắng ngà của hoa vải, nom sum suê đến thích mắt. Cây vải kết trái rất nhanh, mới hôm trước còn là hoa nhỏ chỉ sau vài ngày đã kết thành những chùm quả non, lúc lỉu trên cành như những viên pha lê.

Trái vải lúc ban đầu chỉ nhỏ bằng hạt mây, vỏ sần sùi, nhiều kẽ, nhờ công người chăm sóc sẽ to bằng đầu đũa, rồi lớn dần. Khi lúa ngoài đồng bắt đầu trỗ bông cũng là lúc quả chuyển sang màu vàng nhạt. Người dân chỉ cần chờ đúng mùa thu hoạch lúa chiêm cũng là thời điểm vải bắt đầu chín. Bọn trẻ con như chúng tôi khi ấy thích nhất là những ngày này, khi thỏa thuê ngắm nhìn vườn vải nhất loạt từ vàng nhạt chuyển hẳn sang sắc đỏ. Những chùm vải nặng trĩu, lấp ló trong vòm lá biếc xanh xanh, nồng sực mùi thơm, khiến bất kỳ ai cũng phải choáng ngợp trước thứ hương thơm được kết tinh qua mùa mưa nắng của loại cây đặc sản.

Kể chuyện làng: Mùa vải quê tôi - Ảnh 2.

Vải quê tôi. Ảnh: Tác giả cung cấp

Lại nhớ thời còn bé, khi nghe bà ngoại giải thích tên gọi của quả vải là lệ chi có nghĩa là giọt nước mắt, tôi đã băn khoăn suốt một thời gian dài. Tên gọi này có lẽ xuất phát từ lớp vỏ gai đỏ xù xì, ẩn hiện màng bọc trắng tinh của thịt vải, nhìn tương tự như giọt nước mắt thương cảm. Tuy nhiên, giọt nước mắt này lại mang đến vị ngọt ngào vô hạn cho người thưởng thức, cảm tưởng như kết tinh đủ đầy mọi tinh hoa của đất trời. Những mùa vải chín, đặt quả vải căng mọng trên tay, lòng ai cũng lâng lâng hạnh phúc vì cảm giác được hồi đáp sau biết bao vất vả, gian nan trong vụ mùa. Dẫu vải thiều được ví như một cô gái đẹp nhưng chóng tàn bởi mùa vải chín rộ trong thời gian rất ngắn, chỉ dao động trong khoảng nửa tháng, từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5 Âm lịch. Tuy vậy, mỗi mùa vải lại là một hoài niệm khó quên của mỗi người dân quê tôi.

Mỗi khi vải vào mùa, bố mẹ tôi theo thói quen đều dựng trước chòi nhỏ giữa vườn, rồi cứ thế cả đêm thao thức trò chuyện cùng gió trời, tiếng dế kêu, tiếng ve sầu kêu rả rích. Lắm lúc mỏi mệt, bố mẹ cũng ngủ thiếp đi nhưng chỉ cần tiếng lạo xạo của đàn chim về ăn quả là mẹ lại tỉnh giấc, giật giật chiếc dây bên mình gắn với mấy ống bơ treo lủng lẳng trên cây. Đó là cách khiến đàn chim sợ hãi ùa té đi. Tuy nhiên, vui sướng nhất vẫn là khi thu hoạch vải. Nhớ khi còn nhỏ, bố mẹ thường dắt theo chị em chúng tôi đi bán vải ở chợ huyện. Dẫu vải bày bán ở chợ huyện không ít nhưng may mắn thay, mớ vải vườn nhà tôi hiếm khi bị ế. Vui nhất vẫn là lúc bán được hàng, mẹ lại vui vẻ tìm mua cho chị em chúng tôi tấm bánh hay mảnh vải may quần áo.

Tuy nhiên, những ngày tháng tươi vui không kéo dài được lâu, khi mẹ tôi đột ngột qua đời vì bạo bệnh. Kể từ đó, mỗi lần vải vào mùa, bố lại thay mẹ làm tất cả từ chăm bón và trông nom đến thu hoạch. Nhiều đêm bố tôi thức trắng ngồi cô đơn trông chừng vải, những lúc ấy cũng là khoảng thời gian bố nhớ về người quá cố. Để rồi sáng ra, nhìn thấy đôi mắt bố hoe hoe đỏ, lòng tôi lại chùng xuống đau xót khôn nguôi. 

Kể chuyện làng: Mùa vải quê tôi - Ảnh 3.

Cây vải. Ảnh: Tác giả cung cấp

Nhiều năm trôi qua, tôi kết hôn rồi định cư hẳn ở miền Nam xa xôi, chỉ tận dụng mùa hè để quay về quê thăm bố và vườn vải quê nhà. Con tôi vốn là một đứa trẻ thành thị chính hiệu, thụ động với đời sống nay được trải nghiệm hái vải. Nhìn gương mặt các con hân hoan, thỉnh thoảng lại bóc một quả ăn, nước vải ngọt ngập ngụa trong miệng thỏa thuê cơn thèm, khiến tôi cũng cảm thấy vui lây. Tiếng nô đùa hòa cùng tiếng gió. Những chùm vải to được đặt trong chiếc bao, rồi theo dây thả xuống đất. Tôi khẽ khàng chọn chùm vải to nhất đặt lên bàn thờ mẹ, rồi thắp một nén hương trầm, đứng lặng lẽ hồi lâu. Có lẽ ở miền mây trắng, mẹ tôi đang vui lắm khi thấy vải được mùa, đời sống của người dân quê cũng khấm khá hơn.

Năm nào bố tôi cũng dành cả một cây ngon nhất để phần con gái nhỏ. Hết kỳ nghỉ, trở lại với nhịp sống thường ngày, tôi mang về đôi ba bao tải vải nặng trĩu. Vợ chồng tôi biếu người thân họ hàng mỗi người một túm vải to. Ai ăn cũng tấm tắc khen ngon. Quả vải quê tôi nhìn đơn thuần nhưng lại gắn kết tình thân, tình làng nghĩa xóm thêm đậm ngọt.

Chiều nay, trời Sài Gòn như dịu hơn bởi cơn mưa rào xối xả. Mưa khiến lòng người chợt da diết nhiều nỗi niềm. Tôi bỗng nhớ thương bố mẹ và vườn vải quê nhà nhiều hơn. Mùa vải năm nay, chắc lại sắp về…

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem