Kể chuyện làng: Những chiếc quán ở Bến Bù

Phi Tân Thứ bảy, ngày 25/04/2020 08:00 AM (GMT+7)
Làng Đại Lộc, xã Điền Lộc, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế quê tôi có sáu cái bến nước nối những khu dân cư của làng ra với sông Ô Lâu. Những cái bến không biết được hình thành từ bao giờ nhưng cư dân ở bến chủ yếu là dân ngụ cư, họ làm nghề chài lưới, rồi sau đó sắm chiếc đò để chở khách qua sông hoặc vận chuyển lúa mỗi khi mùa màng đến cho nông dân trong làng, sau này còn có thêm những chiếc quán làm dịch vụ.
Bình luận 0

img

Bến Đa hay còn gọi là bến Am bởi gần đó có cái am thờ mụ Bà có công lớn với làng tôi. Câu chuyện về mụ Bà lấy ruộng cho làng là một câu chuyện có thật dù nó có nét hơi tiếu lâm qua cách kể của dân làng. Xưa kia, làng tôi với làng dưới đặt một cục đá to làm ranh giới hạn điền của hai làng. Mụ Bà là con gái làng tôi về làm dâu làng dưới. Những buổi tan chợ trên đường từ làng mình về nhà chồng, mụ Bà lận cục đá vào lưng quần, dùng hết sức kéo đi một đoạn. Cứ như thế qua mấy lần, mụ Bà đã lần được cục đá đi khá dài để làng mình được thêm mấy chục mẫu ruộng. Nghe nói mụ Bà chấm dứt chuyện kéo đá là do bị đứt dây lưng quần không thì làng tôi đã có thêm nhiều ruộng nữa. Bây chừ, ngay ở chỗ mụ đứt dây lưng quần, làng tôi lập một cái am thờ mụ Bà hương khói quanh năm. Cái bến cạnh đó cũng được đặt tên là bến Am. Chỉ tiếc là cái cục đá to ngày xưa không biết ai đã mang đi đâu mất…

Bến Đình bởi bến nước  này gần với đình làng. Bến Chợ thì gần chợ. Bến Đồng Dạ cũng lấy tên của xóm Đồng Dạ, một xóm nghèo đất đai khô cằn. Bến ôn Minh lấy tên người đã lập nên bến. Riêng bến Bù thì không biết tên có gốc tích như thế nào? Có người nói hồi xưa bến này có trồng bù (bầu) nhiều. Chắc là suy đoán thôi chứ nghe không thuyết phục mấy...

Nhưng cái bến Bù này lại là địa điểm ghi dấu hai sự lạ của làng tôi những năm 1980 của thế kỷ trước.  Thứ nhất, đó là chuyện cái quán cắt tóc, gội đầu "Lệ Tình" đặt tại bến Bù. Đó là cái quán cắt tóc có thợ cắt tóc là nữ đầu tiên của làng tôi. Chủ quán là một phụ nữ xinh đẹp từ Huế về có tên Lệ Tình. Cô ấy đẹp, vẻ đẹp sang chảnh, lộng lẫy của phụ nữ chốn đô hội khác xa với vẻ đẹp mặn mòi thôn dã của những cô gái quê.

Quán Lệ Tình nhanh chóng thành điểm đến của nhiều người, nhất là cánh mày râu trong làng. Quán tấp nập từ sáng đến đêm, có những người đàn ông trong làng cứ mong râu tóc mau dài ra để đến quán Lệ Tình. Một cái quán lạ như rứa ở một vùng quê hẻo lánh thì khó mà tồn tại lâu được. Đã có những cuộc đụng độ giữa những vị khách với nhau, rồi cũng đã có cảnh đánh ghen của mấy phụ nữ trong làng có mấy ông chồng say sưa với quán Lệ Tình mà bỏ bê vườn ruộng. Chỉ mấy tháng hoạt động, quán Lệ Tình đã phải đóng cửa trong vui buồn hai nửa của người làng tôi...

Quán Lệ Tình đóng cửa chừng một năm thì tại bến Bù mọc lên quán nhậu lẩu cá lóc ông Đồng. Ông Đồng là người có căn nhà xây đẹp nhất bến Bù, mặt tiền của nhà ông là quốc lộ 49B. Đó cũng là quán nhậu chuyên nghiệp đầu tiên của làng tôi. Đàn ông trong làng và cả khu vực 5 xã Ngũ Điền bên kia phá Tam Giang lần đầu biết đến món lẩu cá lóc hình như có xuất xứ từ Nam Bộ. Quán đông khách, mồi nhậu ngoài lẩu cá lóc đồng còn có thêm mấy món đồng quê khác như cá dét um, ếch đồng bóp... Những món ăn dân dã nhưng qua cách chế biến của ông Đồng đã thành những món nhậu hấp dẫn cho nhiều người. Bây chừ thì quán nhậu ở nông thôn nhiều rồi, chứ hồi đó cả vùng 5 xã Ngũ Điền quán ông Đồng gần như là duy nhất nên khi nào quán cũng tấp nập từ chiều đến khuya...

img

Nhưng ở một làng quê nghèo thì không phải ai cũng có tiền để đi quán ông Đồng. Khách nhậu chủ yếu là mấy người ở phố về quê chơi hoặc cánh thợ vàng ở quê lên phố làm ăn về thăm nhà hay mấy thầy giáo nhận lương đầu tháng. Tôi ngồi quán ông Đồng lần đầu tiên là sau đám cưới đứa bạn gái học cùng lớp lấy chồng sớm. Bữa đó mấy thằng con trai học chung lớp 9 cũ năm nào góp nhau đủ kêu một cái lẩu cá lóc với một chai rượu gạo.

Sau này tôi còn ngồi quán lẩu ông Đồng mấy lần nữa. Lần cuối cùng là tết năm thứ ba đại học. Tôi ngồi với một nhóm bạn có thêm hai thằng choai choai là em của bạn. Cái lẩu mới dọn lên, bia Huda mới khui lượt đầu tiên thì thằng Tuấn cũng là bạn học cũ của tôi đang là thợ may ở Sài Gòn về quê ăn tết từ bàn bên cạnh qua chào bàn. Không hiểu khi cụng ly với thằng Châu ở bàn tôi vốn nhỏ hơn Tuấn, lời qua tiếng lại răng đó nên 2 đứa choảng nhau, rứa là bàn bên cạnh xông qua đánh bàn tôi đang ngồi. Bia với lẩu tung toé. Mà nhìn lại thì cũng là người làng biết nhau cả, thậm chí người bà con hay  trong họ  hàng với nhau.

Sau lần đó tôi  không ghé quán ông Đồng nữa. Quán ông Đồng cũng chỉ tồn tại hơn 2 năm rồi nghe đâu ông đóng quán rồi bán nhà vô Nam làm ăn. Về làng ngang qua  Bù xưa, thấy bây giờ nhà cửa đã nhiều hơn. Cạnh cái quán cũ của ông Đồng bây chừ là một hồ sen trắng...

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem