Kể chuyện làng: Tản mạn chuyện tảo mộ

Trần Lộc Trung Thứ bảy, ngày 04/04/2020 11:03 AM (GMT+7)
Hôm nay là tiết thanh minh. Người viết xin gửi đến bạn đọc câu chuyện dở khóc dở cười khi đi tảo mộ trong họ của mình.
Bình luận 0

img

Quê tôi là vùng trũng bên đầm Thị Nại. Mỗi mùa mưa về, nước lũ trên nguồn đổ xuống, có khi cả làng, cả xã, cả vùng ngâm trong nước lũ nửa tháng đến hai mươi ngày một đợt. Có lẽ vì sợ mồ mả ngâm trong nước lâu ngày, sợ mùa lũ không đi chôn người chết được nên người ta đã đào đất ruộng, đắp thành những cái gò lớn bé để từ đó, cánh đồng bằng phẳng “cò bay thẳng cánh, chó chạy ngay đuôi” nổi dần lên ngày một nhiều những cái gò, chỉ dùng để chôn người chết. Mỗi gò đều có một tên gọi riêng: Gò nào mọc nhiều cây dứa dại thì gọi Gò Dứa, có cây thị thì gọi Gò Thị, gò đắp cao để tránh nước ngập thì gọi Gò Cao... Mỗi một gò như thế là một người đàn ông lớn tuổi, am hiểu chuyện trong họ dẫn đầu, theo sau là năm, bảy, mười, thậm chí mười lăm trai tráng khỏe mạnh - tùy vào gò lớn gò bé, tùy vào gò ít mả hay nhiều mả để tổ chức dẫy mả (chạp mả).

Đến trước mỗi ngôi mộ, “trưởng đoàn” bày đĩa bánh gồm bánh cốm, bánh in, bánh thuẫn... (năm nào khó khăn thì không có bánh mà chỉ thắp nén hương). Ông thành kính thắp hương khấn vái. Đám thanh niên chống cuốc nghiêm trang đứng quanh, nghe lời ông khấn thì biết đây là mộ của cụ nào, có quan hệ gì trong họ, học vấn đến đâu, có đóng góp gì cho họ tộc, làng mạc, đất nước... Năm nào cũng vậy, đến mức đám thanh niên và đám trẻ trâu chúng tôi đi theo thuộc từng ngôi mộ, nhưng vẫn đứng im nghe ông khấn vái, như một lời nhắc nhở về truyền thống dòng tộc, lời truyền dạy của thế hệ trước với thế hệ sau... Sau khi khấn xong là tiến hành “dẫy mả”.

...

Quanh chuyện tảo mộ của họ tôi, xảy ra một câu chuyện... dở khóc dở cười: Năm đó, đám trai làng vác cuốc theo cụ ông ra gò dẫy mả. Ơ hay, bước lên gò, đã thấy nhiều ngôi mộ trong họ đã được dẫy cỏ, dọn dẹp sạch sẽ, nén hương sắp tàn nghi ngút khói. Cái lạ là điều này chỉ xảy ra với những ngôi mộ thuộc hàng cụ kỵ từ năm đến sáu thế hệ trước.

Năm sau nữa, “Hội đồng Trưởng tộc” gồm những cao niên trong họ tổ chức một cuộc họp quan trọng, quyết định bắt quả tang kẻ đã... “dẫy trộm” mả của họ mình: Ngay từ tờ mờ sáng, khi sương mai chưa tan, khi nắng xuân chưa lên, đám trai đinh trong họ đã lầm lũi theo các cụ ông tỏa đi các gò, trên tay với cuốc xẻng, dao rựa, tất cả nằm phục quanh mỗi gò. Chẳng lâu sau đó, trên mỗi gò xuất hiện một nhóm người lạ, họ đến làm thủ tục khấn vái, sau đó tiến hành dẫy mả, vẫn chỉ là những ngôi mộ thuộc từ nhiều thế hệ trước. Chỉ chờ có vậy, đám trai làng họ nhà tôi lao ra: Ban đầu là hỏi han, rồi cãi vã, thậm chí dao rựa cuốc xẻng sắp “mọc cánh” bay về phía đối phương... Cũng may là trưởng đoàn của mỗi gò (cả hai phía) đều là những con người minh triết, mẫn tiệp nên dao rựa cuốc xẻng được “thu cánh”. Rồi, cả hai phía tập trung về Từ đường họ nhà tôi. Sau nhiều giờ hỏi han trò chuyện, rồi mở gia phả xem lại thì hóa ra, cả hai phía đều... có cùng ông Tổ.

img

Chuyện là, ông Tổ bốn đời họ nhà tôi, năm đó, chẳng hiểu thế nào lại cưỡi ngựa đi về phía Tây (thuộc xã Phước An, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định ngày nay). Có lẽ ông là người đào hoa nên đã “tòm tem” được với một phụ nữ ở đây. Vậy là, họ Trần ở xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước nhà tôi lại có thêm một nhánh mới ở xã Phước An. Nghe họ Trần bên phía Phước An kể rằng: Trước khi ông Tổ bốn đời của họ Trần chúng tôi về trời, ông gọi con cháu lại căn dặn nhiều điều, nhưng có hai điều phải ghi tâm khắc cốt: Một là, con cháu phải về thôn Lộc Trung (xã Phước Sơn) thắp hương, dẫy mả ở gò này gò kia; hai là, con cháu họ Trần ở Phước An tuyệt đối không được lấy con cháu họ Trần ở Phước Sơn.

Vậy là từ năm đó, ngày Tảo mộ của họ Trần chúng tôi được đông vui hơn.  

...

Quay lại chuyện tảo mộ: Khi tất cả các ngôi mộ trong họ đã được dọn dẹp ngăn nắp sạch sẽ, cánh đàn ông vác cuốc trở về Từ đường, cũng là lúc mâm cỗ đã được bày trang trọng trên bàn thờ tổ tiên. Vị Trưởng tộc nghiêm trang khấn vái, con cháu sắp hàng quỳ phía sau theo thứ tự thế hệ trước đến thế hệ sau. Vị Trưởng tộc khấn xong, từng người được trao một nén hương, lần lượt dâng lên ông bà tiên tổ. Rồi sau đó, là... phá cỗ.

Cũng liên quan đến câu chuyện họ Trần hai xã Phước An và Phước Sơn: Thời còn là ông giáo làng ở Phước Sơn, tôi có yêu một cô giáo cùng trường. Oái oăm thay, nàng lại là... con cháu họ Trần ở Phước An. Sau khi biết chuyện, chúng tôi đành ngậm ngùi chia tay - mặc dù chúng tôi đã thuộc thế hệ thứ... lâu lắm rồi!

Nay - mặc dù đi làm ăn xa, tôi vẫn đưa con trai về quê dẫy mả. Chả biết, ông con trai họ Trần của tôi, sau này rồi có yêu một cô gái họ Trần ở Phước An - như cha nó?...  

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem