Kể chuyện làng: Thàng mảy lua khua lẻ lẻ

Trần Chiến Thứ tư, ngày 24/05/2023 07:10 AM (GMT+7)
Nhiều năm trước tôi lên Thúy Loa, một trong năm xã của huyện Nà Hang sắp phải đi nhẵn nhụi, dành chỗ cho hồ thủy điện Tuyên Quang, nơi đây với cảnh đẹp đến mê hồn.
Bình luận 0

Dòng Gâm bên Hà Giang hùng vĩ là thế, luồn qua núi đá chảy vào đây êm ả hẳn. Thuyền chài lấp lánh. Cữ rằm tháng Giêng, vườn còn đôi cánh hoa đào, mặt người ưng ửng men rượu ngô, lây phây thôi vì uống canh mắm cá ruộng chua vào không thể say. Nà Hang nghĩa là ruộng sâu, nằm cuối cùng, hay bị người xuôi quen gọi "Na Hang". Một vùng văn hóa Tày – Dao, dù Kinh hóa đã nhiều vẫn giữ được bản sắc trong lời nói, miếng ăn và ngút ngát câu ca, thần tích.

Kể chuyện làng: Thàng mảy lua khua lẻ lẻ - Ảnh 1.

Vùng hồ thủy điện Nà Hang Tuyên Quang "chôn giấu" nhiều thần tích, huyền thoại. Ảnh: Tác giả cung cấp

Nhưng mà ngổn ngang, thịt lợn muối cả tạ, trâu giết xẻ thịt hong khói hối hả. Nhà gỗ nghiến mười hàng chân cột lợp xương lá cọ dỡ đem đi. Còn mồ mả ông bà thì chịu. Lại có người buồn chẳng động chân tay, ông Nguyễn Văn Đức tiếc đồi quế sáu trăm gốc, chảy nước mắt bảo "chết ở đây thôi". Người Tày họ Nguyễn thế nào cũng pha máu xuôi, tức là cắm sào mới đôi ba trăm năm, mà nhổ vẫn khó. Khó, rồi vẫn đi biệt, để lại bếp lửa, điệu then. Hồ thủy điện nước dâng trung bình 36 mét, chôn báu vật bao đời người cả nhìn thấy lẫn không thấy.

Xã Lang Quán huyện Yên Sơn có 20 thôn, giờ thêm thứ 21, là chòm 36 hộ Tày từ thôn Nà Múng – Thúy Loa về. Nhà sàn dựng lại khá nhiều, bên dưới để xe máy, máy xát, cửa sổ thò ăng ten chảo, chắc tiện nghi nhiều hơn đất cũ. Không có bếp lửa ngún suốt ngày đêm, nơi "ta say thuốc lào ngã ngửa", vì ấm hơn và cũng chẳng lấy đâu ra củi. Cây lưu niên mới thấp thoáng, nhiều gốc trên kia đánh về. Hành, cải, cây lá đỏ để nhuộm gạo làm xôi ngũ sắc trồng trong vườn có rào chắn gà, còn lúa cum (nếp cái) đang chín ngoài ruộng, đàn bà mang về từng ôm một. Quang cảnh không đến nỗi như khu định cư Tân Lập bên Sơn La – toàn nhà bê tông. Giữa thôn là con gò có trạm nước, chảy về nhà theo đường ống. Sở tại, đa phần người Kinh và một chòm Dao trong núi xa, được nhờ dân tờ đờ cờ (tái định cư) khá nhiều khoản điện đường trường trạm. Nhưng vì ở trước và khôn ngoan hơn, họ còn lấy được tiền tờ đờ cờ nhờ nấu rượu, bán gói mì chính, miếng thịt. "Người Tày tử tế, đến tôi xát gạo thì xẻ gạo lại, ngày rằm ngày một cho bún, xôi, bánh dầy, cưới xin nhất định mời, cũng tốn kém mà không thể từ", ông chủ tạp hóa người Kinh kể. Ông này từ Ninh Bình lên năm 1963, lúc đất đang tốt mà không biết thâm canh, một sào chỉ cho dăm chục cân thóc. Nay thì con trai, con dâu ông không làm ruộng nữa, xoay sang cân xăng, mở quán bi a, bán đủ thứ người cũ người mới cần.

"Và họ cũng lười, hay uống rượu…", một nhận xét khác.

Hoàng Đình Thảo là người trong số "họ". 54 tuổi ta, tóc đen như quạ, khỏe, lấy vợ "hơn tuổi hơn cả chức vụ đảng", ông cán bộ thôn 21 này không dựng nhà sàn. Mỗi hộ 400 mét vuông đất, ông để phần lớn cho ngôi một tầng vách gỗ trần gỗ lợp ngói, vốn là cái nhà sàn thênh thang trăm rưỡi mét vuông trên Thúy Loa về. Bên trong có bếp ga, xí bệt, bếp lửa đun xong dội nước kẻo tốn củi. Nghĩa là không có chuyện dãi thẻ khề khà ăn uống bập bùng nữa, càng không vườn trên ao dưới khách đến ra quăng chài. Mà Thảo ham vui, thích tụ tập đông người, rất nhớ những tết Lồng Tồng (Xuống đồng) mùa xuân, trai bản đẽo gỗ chai làm quay ra bãi rộng đánh. "Không thi, không tổ chức gì nữa vì không có thưởng. Còn then với tính tẩu đã hết từ trên Thúy Loa khi ông Lương Văn Phủng chết", ông Thảo kể. "Trên ấy chơi còn đã kém rồi, ngày Tết ném mãi không thủng giấy điều trên ngọn tre, dân quân đem súng trường ra đòm phát để được nghỉ. Thế mà về đây đi huyện hát cọi thi tôi còn được giải. Toàn câu cũ thôi: Mời anh lên Nà Hang xứ lạ/ xem núi cao Pắc Tạ cánh tiên/ ngồi thuyền xem phặc phiền hoa nở/ nghe chuyện Tài Ngào lấp biển…"

Rượu tầm gửi nghiến chát thum thủm, câu chuyện ròn, người cười tươi nhưng đôi lúc nhãng đi thế nào. Như là mắt ngấn ngấn nước. Đến đoạn làm ăn thì phải quay sang đàn bà. Bà vợ kể: "Tôi về sau Tết linh ba, ăn mồng ba tháng ba dưới này. Trên Thúy Loa nhà có 13 bung (một bung hơn hai sào) lúa, 3 ha nương, hơn 6 ha vừa chè bốn tuổi vừa rừng cây chỉ bẻ, chẹo, bồ đề, quế, muồng, xoan. Nhà tôi phải gương mẫu, không đẵn thêm gỗ chở về nữa nên thiệt hơn người khác, chỉ còn bộ phản đinh hương là quý nhất. Xuống đây được sáu sào ruộng nhưng một sào tinh cát không trồng được. Vì sao à, là sở tại họ dựng bờ làm ruộng trả lấy tiền thanh toán với bên tái định cư mà cán bộ ban này không hay hoặc hay mà thế nào đó nên không bắt đền họ. Dù chẳng dư giả và tức, nhưng cũng thôi, ngần ấy đất là không lo đói rồi. Tôi muốn xoay cách làm ăn lại thiếu vốn, đất mới cấp chưa có sổ đỏ không thể thế chấp ngân hàng mà vay. Đoạn dịch lợn tôi mất gần sáu triệu, có nhà mấy ba bốn chục triệu. Rồi nhà lún nứt phải sửa lại, coi như tiền đền bù tái định cư không sắm được cái gì".

"À, những tivi, bếp ga, tủ đứng, nồi cơm điện này là đồ mới đấy nhưng vẫn kém người khác. Trong thôn nhà Tiêu chạy máy xát, nhà Thư làm kem, nhà Thắng có Công nông cho con chạy, mình chỉ được cái vui, đông khách, cũng hao chè".

"Thế thanh niên thì sao", tôi hỏi. "Chúng nó còn nói tiếng Tày nữa không chị?".

"Thằng này lớp ba chỉ nghe không nói được", bà Niên chỉ đứa cháu nội. "Thằng Mẫn con trai làm thủ tục vay vốn để đi tỉnh học cao đẳng sư phạm một năm rồi, xã bảo chưa có chỉ tiêu. Con gái thứ tư học ngành tin không có máy tính phải bỏ rồi đi công nhân cọc cạch. Lấy chồng thì thôi chứ còn làm gì, tiếc lắm. Mấy năm rồi, cả thôn chưa đứa nào đỗ đại học, đỗ chưa chắc theo được. Kể ra thì dở dang, cứ đồng rừng chằn chặn như trên Thúy Loa là yên tâm không "tiến lên" đâu sất. Có hôm định chặt cái tay tre, bập dao vào rồi biết không phải của mình ứa nước mắt ra. Nhà chật ra đụng vào chạm, vợ chồng đâm bẳn gắt. Hôm cưới cháu tôi phải lên Nà Hang mua thớt nghiến…".

Bà vợ ông Thảo họ Nguyễn, từ đây lại "nối" sang một Nguyễn khác. Ở Nà Hang, Nguyễn Thế sang cả nhất trong các dòng Tày Nguyễn. Thúy Loa không có họ ấy, bèn gả cô gái sắc nước nhất cho trai Nguyễn Thế nơi khác, bắt ở rể, trồng cây xương cá đánh dấu quyền uy. Cái cây biểu tượng ấy, nhằm đúng lúc đàn người phải xẻ ra tái định cư năm bảy nơi mà đổ xuống. Nguyễn Thế tộc gieo xuống đất mới cũng lìa mỗi anh mỗi mảnh, giờ nằm những nơi nao?

Chưa ai trả lời, và chắc chả ai định "bảo tồn" cái biểu tượng đã thành quá khứ ấy, dù trà tuổi như bà Niên không thể quên. Thì ông chồng lại lôi câu chuyện về miếng ăn, tất nhiên tiếc nuối là "âm hưởng chủ đạo".

 "Là vì tôi ham vui, thích liên hoan", ông Thảo tươi tắn mở đầu. "Từ ngày về đây tôi đi chủ hôn 33 cặp, có cả người Thúy Loa lấy người gốc, rượu ngô uống cả can nhưng làm men bánh ngoài chợ thôi. Lối chân truyền phải ngô núi đá ủ men lá mới thơm. Rau bò khai, mắm cá ruộng mất hẳn rồi. Thịt chua còn nhưng trời không lạnh, nước khác vị cũng khác. Mà con lợn "tham pi thí nạo" chỗ cũ nuôi ba năm bốn yến ngọt thịt, đâu có bã nát như giống tăng trọng dưới này. Tiếc nhất là bếp lửa. Người Tày đi nương về không còn được xẻo thịt khô hong trên bếp nấu rau cải hay nhá với cây kiệu còn cả lá cả củ nữa rồi. Các anh dưới xuôi, trên cao không biết cái tiếc ấy đâu, bọn trẻ cũng thế".

"Thàng mảy lua khua lẻ lẻ!", ông Thảo bỗng cất tràng tiếng Tày, miệng cười mà mắt buồn. "Nghĩa là "lửa cháy đầu cười khúc khích". Rít thuốc lào đấy, say ngã ngửa ra tóc bê bết tro than mới sướng chứ".

Những tâm trạng trào ra không dừng được. Nhà ta thênh thang bếp rộng, xuống sàn là có rau có cá cả lá nhuộm cho chõ xôi đủ năm màu. Thúy Loa quê ta gái trai tắm sông trắng lóa, cá dầm xanh lách giữa đùi. Và huyện quê ta Nà Hang, hỏi trong tỉnh nơi nào nhiều thần thoại bằng, câu nào cũng gắn với tên sông tên núi cả. Này là đèo Ái Au, đôi trai gái yêu nhau không lấy được, chết đi để lại tiếng ái au gọi nhau. Này là núi Ái Cao, dốc Pù Loòng Nào, đồi Ông Đi Qua Bà Đi Lại chất chứa sự tích đực cái, thác Mưa rơi chôn nỗi buồn người chồng lấy phải vợ tiên, vợ lên giời chờ mãi hóa thành thác. Này hòn đá lớn ở Giáng Bát có ba vết nứt dở dang mà sắc ngọt như dao chém, là do các thần thi nhau chém xuống, hễ đứt thì được cai quản cả ba cõi Trần, Trời, Âm… Chân người bước đến đâu cũng chạm phải Tài Ngào, ông khổng lồ đầu gối đỉnh Mã Pì Lèng chân gác núi Pác Tạ, ngồi xuống hòn dái lõm thành thung Thượng Lâm. Tài Ngào dồn đá đắp đập chống hạn để lại cánh đồng đá, nghe tin mẹ ốm chạy về chăm, bóp trán khỏe quá làm bà chết thật. Khổng lồ khóc trôi xác mẹ, còn lại chiếc quan tài đá bên bờ sông Gâm… Tất thảy đều chìm trong hồ thủy điện, cái núi đá dựng ông ấy buộc trâu cao ngất giờ hủm một nửa rồi".

"Ơi Tài Ngào, mặt nước đã phủ hết chuyện về ông. Đêm nào ta cũng mơ thấy đánh cá chăn trâu, ngửa cổ ngắm hoa phặc phiền đỏ rực vách đá. Giờ mà được trở lại sông cũ núi xưa, đang đêm ta cũng đốt đuốc đi ngay.

"Giờ ông định trồng cấy, nuôi con gì cho ổn định lâu dài ở chỗ mới?", tôi lại "quan tâm" kiểu cán bộ.

"Thàng mảy lua khua lẻ lẻ". Ông Thảo không trả lời, chỉ thốt vậy. Đã đến cái tuổi chỉ ngoái về sau rồi, nên mắt người đang vui thoắt thảng đi. Thàng mảy lua khua lẻ lẻ, ít người biết đấy…

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

                           

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem