Kể chuyện làng: Về “làng ăn mày” ăn Tết lại

Nguyễn Hồng Huế Thứ tư, ngày 22/04/2020 08:00 AM (GMT+7)
Từ lâu lắm rồi làng Đồn Điền, xã Quảng Thái, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa đã nổi tiếng với biệt danh “ làng ăn mày”, ngay đến cả bố tôi, ông nội tôi cũng không rõ thời gian cụ thể, chỉ nghe người dân từ đời này qua đời khác kể lại.
Bình luận 0

img

Bánh mật

Có hôm vào ngày hè rảnh rỗi, tôi nghe ông nội nói, ngày xưa làng mình nghèo lắm, nghề chính là đi biển và trồng lúa. Nghề lúa thì mất mùa quanh năm, đất ven biển pha cát thiếu dinh dưỡng nên không thu hoạch được nhiều, sống gắn liền với biển thì hôm nào trời thương cho biển lặng đánh bắt nhiều tôm cá, hôm nào biển động thì thuyền không trở về. Có lẽ vì thế mà nhiều người không chịu nổi mảnh đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi” này để đi xin ăn ở nơi khác.

Thế là tên “làng ăn mày” xuất hiện từ đó với nhiều giai thoại, thêu dệt khác nhau, lan ra khắp các xã xung quanh rồi cả tỉnh, thậm chí cả nước. Nhiều lần tôi thầm nghĩ liệu người ta khi nghe đến làng ăn mày thì có thấu hiểu nỗi khổ của người dân làng tôi không hay là những suy nghĩ, lời cợt đùa ác ý đồn thổi nhiều người đi ăn mày về xây nhà lầu, mua sắm tivi xe máy.

Tôi đã từng được nghe các cụ làng nói chuyện, làng Đồn Điền xưa kia là vùng đất ven biển hoang vu, chỉ có cát và cây dại. Trong một lần sắp tới Tết Nguyên Đán chánh sứ Tô Chính Đạo và Uông Ngọc Châu dưới thời vua Lê Thánh Tông dẫn quân đi đánh giặc Chiêm Thành. Sau khi chiến thắng trở về, lúc này đã qua Tết cổ truyền, để mừng thắng trận, 2 ông đã mở hội khao quân và cho người dân ăn Tết lại vào ngày 1-2 âm lịch. Từ đó tập tục ăn Tết lại của người dân Quảng Thái được duy trì đến nay chứ không phải là do đi ăn xin như bao lời đồn thổi. Về Quảng Thái, Quảng Xương, Thanh Hóa bạn sẽ thấy được ngôi đền thờ hai vị tướng quân gần bờ biển để tưởng nhớ công ơn chứ không phải thờ người ăn mày như thêu dệt ác ý.

img

Mâm cơm ngày Tết lại

Trước ngày đó bố mẹ và ông bà sẽ chuẩn bị rất nhiều đồ đạc, bánh trái, lau dọn bàn thờ tổ tiên. Mâm cơm cúng cũng rất đầy đủ gồm có gà luộc, bánh chưng xanh, đĩa hành muối, bát thịt đông,... tất cả đều thơm ngon, hấp dẫn. Tôi thích nhất là món bánh mật ông nội làm, từng cái bánh tròn dẹp, mềm dẻo, trắng nuột làm từ bột gạo nếp được nhúng đẫm mật mía vàng ruộm sóng sánh kích thích vị giác, nhìn thôi đã chảy nước miếng rồi.

Nói là ăn Tết lại không có nghĩa không nhộn nhịp, sung túc. Vào ngày này nhiều nhà trong xã đi chúc tết, thăm hàng xóm, anh em, bạn bè. Người dân vẫn đến nhà ăn bánh kẹo, trò chuyện, nâng chén rượu chúc nhau sức khỏe, tình cảm láng giềng thêm bền chặt.

Vào ngày này đám trẻ chúng tôi vẫn phải đi học theo lịch nhà trường, thế nên những đứa nào nhà ở Quảng Thái đều mời cả lớp về nhà mình ăn cỗ, xem như một cơ hội để giới thiệu nhà nhau, tình cảm bạn bè thêm thắm thiết. Có chăng vì thế mà tục lệ ăn Tết lại được nhiều người biết đến và duy trì đến tận ngày nay. Đến bây giờ, khi đã trưởng thành, đi học xa nhà tôi vẫn nhớ lắm những trưa vào 1-2 âm lịch, lũ bạn kéo đến nhà ăn uống, vui chơi đến tận chiều tối mới về. Tất cả giờ là kí ức, kỉ niệm đẹp của tuổi thơ mà mỗi khi nhớ lại không khỏi bồi hồi.

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem