Kế hoạch lợi nhuận 12.500 tỷ của BIDV chưa tính đến tác động của Covid-19

Huyền Anh Thứ bảy, ngày 07/03/2020 11:00 AM (GMT+7)
Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2020 (ĐHĐCĐ), ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV, cho biết trong bối cảnh Hà Nội có ca dương tính với Covid-19 do virus corona đầu tiên nhưng ĐHĐCĐ của BIDV vẫn phải diễn ra theo luật định.
Bình luận 0

Hôm nay (7/3), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chính thức tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2020.

Đây cũng là ngân hàng "nổ phát súng" đầu tiên tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020. Đại hội diễn ra sau khi Hà Nội công bố ca dương tính đầu tiên với Covid-19 do virus corona.

img

BIDV tổ chức ĐHĐCĐ ngay sau khi Hà Nội phát hiện ca dương tính đầu tiên với Covid-19

Tại ĐHĐCĐ, ông Phan Đức Tú cho biết, trong bối cảnh Hà Nội có một ca dương tính đầu tiênvới Covid-19 nhưng ĐHĐCĐ của BIDV vẫn phải diễn ra theo luật định.

"Các cổ đông đến tham dự ĐHĐCĐ hôm nay là sự cố gắng trong bối cảnh dịch Covid-19 do virus corona vừa phát hiện ca nhiễm đầu tiên tối hôm qua. BIDV cũng đã có những biện pháp phù hợp để đảm bảo an toàn cho cổ đông tham dự đại hội cũng như đảm bảo an toàn cho cộng đồng", ông Tú nhấn mạnh.

Chỉ tiêu  Mục tiêu năm 2020
Lợi nhuận trước thuế 12.500 tỷ đồng
Tỷ lệ nợ xấu Dưới 1,7%
Tăng trưởng huy động 9%
Tăng trưởng tín dụng 9%
Tỷ lệ cổ tức 7%

Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020, ông Phan Đức Tú thông tin, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gần đây đã phê duyệt lại phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng của BIDV theo hướng tích cực hơn theo đề nghị của BIDV. Quyết định này ban hành ngày 27/2/2020.

Về mục tiêu kinh doanh trong năm 2020, theo vị lãnh đạo của ngân hàng này, hoạt động của ngân hàng nói chung và BIDV nói riêng trong năm 2020 sẽ cũng chịu ảnh hưởng từ Covid-19 do virus corona. 

Năm 2020, BIDV dự kiến tăng trưởng huy động vốn phù hợp với sử dụng vốn, dự kiến tăng trưởng 9%; Tín dụng tăng trưởng theo kế hoạch của Ngân hàng Nhà nước, hiện nay là 9%; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 12.500 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát thấp hơn 1,7%.

Tỷ lệ cổ tức dự kiến năm 2020 ở mức 7%. Tại đại hội lần này, BIDV cũng trình phương án chia cổ tức năm 2019 ở mức 7%, bằng cổ phiếu.

Đáng chú ý, trong giai đoạn 2020 – 2021, BIDV dự kiến sẽ phát hành riêng lẻ hơn 251 triệu cổ phiếu bằng hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ. Lượng cổ phiếu này dự kiến tương đương 6,25% số cổ phần đang lưu hành tại thời điểm 31/12/2019 và có quy mô tối đa 6% vốn điều lệ sau khi phát hành.

Người đứng đầu BIDV nhấn mạnh thêm, kế hoạch kinh doanh năm 2020 mà ban lãnh đạo trình cổ đông thông qua lần này là kịch bản tích cực nhất. Trong bối cảnh dịch Covid-19 do virus corona diễn biến phức tạp như hiện nay, BIDV sẽ cố gắng hết sức hoàn thành kế hoạch được đại hội giao nhưng theo hướng linh hoạt, có thể sẽ điều chỉnh các chỉ tiêu trong trường hợp cần thiết và báo cáo với cổ đông.

BIDV cũng sẽ duy trì tăng trưởng bền vững, có chất lượng; củng cố vị trí dẫn đầu trên các phân khúc thị trường chủ đạo, chú trọng khách hàng bán lẻ, khách hàng SME; triển khai mạnh mẽ chiến lược ngân hàng số, phát triển kênh bán hàng điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt; đẩy mạnh mô hình kinh doanh đa dịch vụ, nâng cao năng lực quản trị theo các tiêu chuẩn quốc tế...

img

BIDV đặt kế hoạch lợi nhuận 12.500 tỷ cho kịch bản chưa tính đến tác động của Covid-19

Trong năm 2019, tổng tài sản BIDV đạt 1.489.957 tỷ đồng, tăng trưởng 13,5% so với năm 2018, tiếp tục là ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô tài sản lớn nhất Việt Nam. Nguồn vốn huy động đa dạng, phù hợp với nhu cầu sử dụng vốn, đảm bảo cân đối an toàn, hiệu quả; tổng nguồn vốn huy động năm 2019 đạt 1.374.765 tỷ đồng, tăng trưởng 12,1% so với năm 2018. Tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đạt 1.325.737 tỷ đồng; trong đó, dư nợ tín dụng đạt 1.134.503 tỷ đồng, tăng trưởng 12,2% so với năm 2018, chiếm 13,8% thị phần tín dụng toàn ngành.

Về hiệu quả hoạt động, thu dịch vụ ròng của BIDV đạt 6.038 tỷ đồng, tăng trưởng 14,2% so với năm 2018, trong đó ghi nhận mức tăng tốt từ các dòng dịch vụ bán lẻ, ngân hàng hiện đại như thu dịch vụ thẻ, dịch vụ bảo hiểm, ngân hàng điện tử…

Năm 2019, BIDV có chênh lệch thu chi tiếp tục dẫn đầu khối ngân hàng thương mại, đạt 30.864 tỷ đồng, tăng trưởng 9,3% so với năm trước; Lợi nhuận trước thuế hợp nhất toàn hệ thống đạt 10.732 tỷ đồng, hoàn thành 104% kế hoạch ĐHĐCĐ giao,... ROA đạt 0,6%, ROE đạt 13,7%. BIDV thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với Ngân sách nhà nước, năm 2019 nộp 8.550 tỷ đồng; đảm bảo lợi ích tối đa của cổ đông, thực hiện chi trả cổ tức 2 năm 2017-2018 bằng tiền mặt với tổng giá trị 4.560 tỷ đồng, tỷ lệ chi trả đạt 7%/năm.

Năm 2019 với việc chính thức hoàn tất thương vụ hợp tác với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài (KEB Hana Bank), BIDV đã tăng quy mô vốn điều lệ lên 40.220 tỷ đồng, trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất trong khối ngân hàng ở Việt Nam.  BIDV cũng được Ngân hàng Nhà nước công nhận đạt chuẩn Basell II trước thời hạn (áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN kể từ ngày 01/12/2019).

Đến cuối năm 2019, thị giá cổ phiếu BID tăng trưởng 42,5% so với đầu năm; tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại BIDV tăng lên 18,03%. Giá trị vốn hóa thị trường của BID cuối năm 2019 đạt 186.000 tỷ đồng, đứng thứ 6 trên thị trường chứng khoán Việt Nam, phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư vào tiềm năng phát triển của BIDV.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem