Kết luận SEVEN.am "chỉ sửa chữa nhãn mác" là không đúng bản chất vụ việc?

02/12/2019 09:39 GMT+7
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, Công ty cổ phần MHA của ông Nguyễn Vũ Hải Anh đang có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng khi cắt mác Trung Quốc chứ không đơn thuần chỉ sửa chữa. Việc tẩy xóa, sửa chữa nhãn mác là không đúng với bản chất vụ việc!

Đầu tháng 11/2019, các tín đồ thương hiệu SEVEN.am không khỏi hoang mang khi báo chí đưa tin về một số sản phẩm của thương hiệu này có dấu hiệu dùng hàng Trung Quốc cắt mác, rồi dán nhãn SEVEN.am. Thừa nhận việc cắt mác, tuy nhiên ông Nguyễn Vũ Hải Anh phân trần rằng, “cắt mác vì khách hàng phản ánh ngứa ngáy, khó chịu”.

Đến ngày 11/11/2019, Đội Quản lý thị trường số 14 thuộc Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội đã tiến hành kiểm tra 5 điểm kinh doanh quần áo SEVEN.am tại Hà Nội. Sau đó, toàn bộ hệ thống SEVEN.am ở Hà Nội đóng cửa.

 
Kết luận SEVEN.am "chỉ sửa chữa nhãn mác" là không đúng bản chất vụ việc? - Ảnh 1.

Thương hiệu thời trang SEVEN.am ra mắt vào năm 2009 và hiện có 24 cửa hàng tại 18 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Mới đây, Tổng cục quản lý thị trường đã ra quyết định xử phạt hành chính với Công ty cổ phần MHA (đơn vị sở hữu thương hiệu SEVEN.am) của ông Nguyễn Vũ Hải Anh 110 triệu đồng và một công ty khác kinh doanh sản phẩm này 60 triệu đồng có những vi phạm như sản xuất, kinh doanh hàng hóa có nhãn bị sửa chữa làm sai lệch thông tin.

Tròn nửa tháng đóng cửa sau những lùm xùm này, hôm qua (1/12), SEVEN.am của ông Nguyễn Vũ Hải Anh chính thức hoạt động trở lại.

Quyết định xử phạt "chỉ sửa chữa nhãn mác" dành cho Công ty cổ phần MHA của ông Nguyễn Vũ Hải Anh khiến không ít người tiêu dùng bất bình và cho rằng có dấu hiệu "bảo kê" của Tổng cục Quản lý thị trường đối với công ty này. Xung quanh vấn đề này, Góc nhìn chuyên gia của Dân Việt đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương.

 
Kết luận SEVEN.am "chỉ sửa chữa nhãn mác" là không đúng bản chất vụ việc? - Ảnh 2.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, kết luận SEVEN.am chỉ sửa chữa nhãn mác là không đúng bản chất vụ việc

Liên quan đến thương hiệu SEVEN.am có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng, ông từng cho rằng, cách giải thích “cắt mác vì khách hàng kêu ngứa” của ông chủ SEVEN.am là thiếu thuyết phục, ngụy biện. Tuy nhiên, sau nửa tháng kiểm tra, Tổng cục Quản lý thị trường kết luận, chưa phát hiện dấu hiệu SEVEN.am cắt mác để gắn thương hiệu riêng. Công ty này chỉ bị xử phạt hành chính trong đó liên quan đến nhãn mác là kinh doanh hàng hóa có nhãn bị sửa chữa làm sai lệch thông tin về hàng hóa. Ông đánh giá thế nào về việc này?

Tôi phải khẳng định lại rằng, nhãn mác là thứ thể hiện về thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ và cũng là cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước quản lý đối với sản phẩm. Hàng hóa từ các nước khác được nhập về cần phải được tôn trọng về quyền xuất xứ, sở hữu trí tuệ, chứ không thể thích cắt là cắt hay thích tẩy xóa là được.

Vì thế, cách giải thích “cắt mác vì khách hàng kêu ngứa” là ngụy biện, thiếu thuyết phục. Rõ ràng ở đây đang có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng.

Còn việc sau một thời gian kiểm tra, SEVEN.am chỉ bị xử phạt vì kinh doanh hàng hóa có nhãn bị sửa chữa làm lệch thông tin về hàng hóa thì tôi không hiểu, việc sửa chữa thông tin ở nhãn mác với thương hiệu hiệu thời trang là hành vi gì? Việc sửa chữa, tẩy xóa để in đè lên hay nhằm mục đích gì? Rồi cắt mác để làm gì? Những băn khoăn này chúng ta cần có sự giải đáp thấu đáo từ Tổng cục Quản lý thị trường.

Những vụ việc tương tự như này đã xảy ra rất nhiều và nó ảnh hưởng rất lớn đến những doanh nghiệp làm ăn chân chính. Vì thế, chúng ta cần phải có một kết luận rõ ràng về bản chất của sự việc!

 
Kết luận SEVEN.am "chỉ sửa chữa nhãn mác" là không đúng bản chất vụ việc? - Ảnh 3.

Ngày 11/11, Đội QLTT số 14 thuộc Cục QLTT thành phố Hà Nội đã tiến hành kiểm tra 5 điểm kinh doanh quần áo SEVEN.am tại Hà Nội.

Vậy theo ông, đâu mới là bản chất của vụ việc này?

Công ty cổ phần MHA của ông Nguyễn Vũ Hải Anh đang có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng khi cắt mác Trung Quốc chứ không đơn thuần chỉ sửa chữa. Việc tẩy xóa, sửa chữa nhãn mác là không đúng với bản chất vụ việc. Những lùm xùm liên quan đến thương hiệu này, theo tôi bản chất rất giống với vụ Khaisilk.

Tôi chỉ băn khoăn rằng, những vụ việc này ngày càng nhiều và có dấu hiệu sai phạm khá nghiêm trọng. Nhưng tại sao một doanh nghiệp hoạt động lâu như thế và có quy mô không hề nhỏ mà chỉ đến khi báo chí, người tiêu dùng phản ánh thì các cơ quan quản lý thị trường mới vào cuộc? Vậy suốt thời gian qua, các cơ quan này đã kiểm tra doanh nghiệp bao nhiêu lần? Tại sao không phát hiện sai phạm? Các cơ quan này đã hoạt động thế nào?

Những câu hỏi này cần phải đặt ra và được trả lời xác đáng. Bởi hiện nay, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Hàng hóa Trung Quốc đang bị Mỹ áp thuế cao, chúng ta có thể bị lợi dụng trở thành nơi để Trung Quốc tránh thuế. Nếu không làm mạnh tay, chúng ta có nguy cơ bị trừng phạt thương mại trên diện rộng.

Nhiều người cho rằng, xử phạt hành chính với Công ty cổ phần MHA của ông Nguyễn Vũ Hải Anh như vậy là quá nhẹ tay, ông có ý kiến gì không?

Nếu đưa ra mức phạt cho các vi phạm như có nhãn không ghi đủ nội dung bắt buộc; Kinh doanh hàng hóa có nhãn bị sửa chữa làm sai lệch thông tin về hàng hóa theo quy định (năm sản xuất của mặt hàng túi, ví); Không thực hiện công bố hợp quy đối với sản phẩm hàng hóa thuộc đối tượng phải công bố hợp quy…thì cũng không phải nhẹ tay.

Nhưng nếu lừa dối khách hàng, gian lận thương mại mà chỉ xử phạt hành chính sẽ không đủ sức răn đe, không đủ mạnh để ngăn cản việc họ tái phạm.

Vì thế, như tôi nói ở trên, chúng ta cần phải làm rõ đúng bản chất vụ việc để có mức xử phạt hợp lý, đủ sức để làm bài học cho chính thương hiệu SEVEN.am của ông Nguyễn Vũ Hải Anh cũng như nhiều doanh nghiệp khác. Ngành thời trang của Việt Nam đang còn non trẻ, dấu ấn thương hiệu chưa nhiều, nếu cứ tiếp tục tái diễn giống như Khải Silk như vậy sẽ khiến người tiêu dùng mất niềm tin.

Việc này không chỉ khiến người tiêu dùng bị thiệt thòi mà còn làm ảnh hưởng đến uy tín của những thương hiệu Việt làm ăn nghiêm túc. Khi đứng trên trường quốc tế, chắc chắn sẽ có những nghi ngờ về thương hiệu gắn mác “”Made in Vietnam”, theo đó, sẽ có những quy định gây khó khăn cho việc xuất nhập khẩu, giao dịch của Việt Nam. Từ đó, các doanh nghiệp làm ăn chân chính sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi.

Vì thế, các cơ quan chức năng cần phải đề ra các tiêu chí hoạt động, phải thật sự nghiêm khắc, có trách nhiệm hơn nữa để những vụ tương tự sẽ không còn tái diễn.

"Việc cắt mác Trung Quốc rõ ràng nhằm gắn mác thương hiệu của mình để kiếm lời chứ không có chuyện do "khách hàng kêu ngứa". Đây là ngụy biện nhằm chống chế cho hành vi vi phạm đạo đức kinh doanh của mình. Vì thế chỉ xử phạt hành chính Công ty cổ phần MHA của ông Nguyễn Vũ Hải Anh về việc sửa chữa nhãn mác là quá nhẹ tay, dễ dẫn đến việc các công ty khác học theo.

Ở đây có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng, cảnh sát kinh tế cần vào cuộc điều tra làm rõ hơn. Cần phải mạnh tay để làm gương", Luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn luật sư TP.Hà Nội).

Ong Ly/Dân Việt
Cùng chuyên mục