Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt gần 4,9 triệu lượt

Thứ sáu, ngày 08/08/2014 07:48 AM (GMT+7)
 7 tháng đầu của năm nay, mặc dù chịu ảnh hưởng do tình hình kinh tế khó khăn nhưng ngành du lịch đã tranh thủ, tận dụng mọi điều kiện để tiếp tục tăng trưởng, nâng cao chất lượng dịch vụ.
Bình luận 0
Báo cáo từ Tổng cục Du lịch cho thấy: đến hết tháng Bảy vừa qua, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt trên 4,85 triệu lượt, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2013 nhưng diễn biến thị trường đã phản ánh thực tế tác động tiêu cực đến kết quả hoạt động du lịch.

img

Khách quốc tế đến Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN) 

Hầu hết các thị trường khách nói tiếng Hoa đều suy giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách Malaysia giảm 36,2%; Indonesia giảm 35,8%; Trung Quốc giảm 28,8%; Hong Kong giảm 27,4%; Đài Loan giảm 15,7%...

Để ứng phó với tình hình suy giảm khách, nhất là khách từ thị trường nói tiếng Hoa, Tổng cục Du lịch đã chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp khẩn trương thực hiện các biện pháp đồng bộ trong đó tập trung mở rộng thị trường, kích cầu du lịch nội địa. Do đó đã bù đắp một phần lượng suy giảm, duy trì tăng trưởng du lịch nội địa, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2013, ước đạt 27,2 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2013, đạt 142.400 tỷ đồng. Kết quả này cho thấy sự nỗ lực của toàn ngành du lịch vượt qua khó khăn, thử thách, đóng góp cho xây dựng đất nước.

Cũng trong 7 tháng, nhiều sự kiện lớn tầm khu vực, quốc gia, liên vùng đã được tổ chức ở nhiều địa phương, trong đó có Hội chợ du lịch quốc tế VITM 2014 tại Hà Nội; hội nghị phát triển du lịch vùng Tây Bắc, Festival đờn ca tài tử (Bạc Liêu), Festival Huế 2014, Festival nho - vang quốc tế lần đầu tiên ở Ninh Thuận... đã góp phần thúc đẩy du lịch phát triển.

Nhiều địa danh du lịch, danh lam thắng cảnh, sản phẩm đặc trưng vùng miền được các tổ chức, báo chí quốc tế bình chọn, góp phần tô đậm thêm hình ảnh của du lịch Việt Nam, thu hút khách du lịch quốc tế.

Gần đây nhất, trang du lịch Canadian Travellers đã bình chọn 11 bãi biển đẹp nhất châu Á, trong đó có Mũi Né của Việt Nam. Theo danh sách, Mũi Né xếp thứ hai, chỉ sau bãi biển Ko Lipe hoang sơ của Thái Lan...

Nhiều địa phương đã kịp thời triển khai các biện pháp hạn chế tác động tiêu cực đến hoạt động du lịch, nhờ đó, ở nhiều địa phương trọng điểm du lịch vẫn tăng trưởng khách du lịch quốc tế. Trong đó, Khánh Hòa, trọng điểm du lịch của miền Nam Trung Bộ trong 7 tháng của năm nay đã đón hơn 2 triệu lượt khách, tăng 24% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế tăng gần 33% so với cùng kỳ 2013. Tổng lượt khách tham quan tại các điểm du lịch ước đạt hơn 6,4 triệu lượt.

Số liệu thống kê tử Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Kiên Giang cũng cho biết từ đầu năm đến nay, Kiên Giang đón hơn 2,4 triệu lượt du khách trong nước và quốc tế, đạt 60% kế hoạch năm. Các điểm du lịch như Hà Tiên, Kiên Lương và Phú Quốc thu hút lượng lớn du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.

Đặc biệt, lượng du khách Phú Quốc tăng đột biến vào dịp lễ, Tết và nghỉ Hè. Lượng khách du lịch đến đảo Phú Quốc được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những tháng cuối năm, nhất là dịp lễ 2/9, Giáng sinh, Tết Dương lịch 2015.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, tổng lượng khách quốc tế đến trong7 tháng đầu năm đã đạt gần 2,4 triệu lượt, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng doanh thu từ du lịch ước đạt gần 52.000 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ 2013.

Ngoại trừ tháng Năm vừa qua tốc độ tăng khách quốc tế chậm lại, chỉ tăng 1,4% do tác động trực tiếp của tình hình căng thẳng trên biển Đông, các tháng còn lại, đặc biệt là tháng Sáu và tháng Bảy vừa qua đều có mức tăng từ 10 đến 10,5% so cùng kỳ.

Khách đến từ các thị trường khác, trong đó có khách châu Âu tăng; khách tiếng Hoa sụt giảm mạnh vào tháng Năm đã dần hồi phục trong tháng Sáu và Bảy (đạt khoảng 50% so cùng kỳ năm ngoái). Tổng lượng khách du lịch đến Quảng Ninh từ đầu năm đến hết tháng Bảy vừa qua đã đạt hơn 5,2 triệu lượt, trong đó khách quốc tế chiếm 1,464 triệu lượt, tổng doanh thu từ du lịch tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái...

Tổng cục Du lịch đánh giá: Hoạt động liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương trong vùng, liên vùng đã được chú trọng khai thác. Xu hướng liên kết không chỉ kết nối giữa các địa phương lân cận hoặc trong vùng mà đã phát triển đa dạng, nhiều cấp độ như liên kết vùng Duyên hải miền Trung với Tây Nguyên, Thành phố Hồ Chí Minh với Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Tây Bắc mở rộng...

Qua đó, nhiều giải pháp thu hút đầu tư, xây dựng sản phẩm, quảng bá, xúc tiến... đã được thực hiện đồng bộ tại các trọng điểm du lịch, góp phần hình thành rõ nét các vùng động lực phát triển của du lịch Việt Nam...
(Theo TTXVN/Vietnam+)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem