Khai bút đầu xuân: Nét đẹp hồn tết Việt

Thứ hai, ngày 10/02/2014 11:29 AM (GMT+7)
Tục khai bút đầu xuân từ lâu đã được coi là nét đẹp văn hóa thể hiện truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam. Từ một tập tục xuất hiện từ thời phong kiến và gắn liền với giới học giả, đến nay đã trở thành nét truyền thống của mọi người, mọi nhà.
Bình luận 0
Dấu ấn xuyên thời gian

Theo các tài liệu lịch sử, tục khai bút và xin chữ đầu xuân xuất hiện vào khoảng thế kỷ XIII, gắn liền với hình ảnh người thầy giáo Chu Văn An về Chí Linh (Hải Dương) mở lớp dạy học. Vào những dịp tết, học trò đến thăm thầy, khi về thường được thầy tự tay viết tặng người đó một chữ ứng với ý nhắn gửi lẽ sống cho người đó. Ai được tặng đều coi những chữ đó như báu vật, mang về treo ở nơi trang trọng nhất để chiêm nghiệm. Về sau, tục khai bút còn thể hiện truyền thống tôn sự trọng đạo, sự thành kính của người học tưởng nhớ đến thầy và tiếp thu, trân trọng những lời dạy.

“Phố chữ” Văn Miếu tấp nập những ngày giáp Tết Nguyên đán.
“Phố chữ” Văn Miếu tấp nập những ngày giáp Tết Nguyên đán.

Qua bao thăng trầm thời gian, tục khai bút cũng đã có nhiều biến đổi, gần với nhịp sống đương đại. Xưa, kẻ sĩ đốt lư trầm bên bàn viết, lấy cây bút mới, mài mực tàu và hạ bút viết trên giấy hoa tiên (giấy có in hoa) hoặc giấy hồng điều (giấy đỏ). Không gian khi khai bút phải yên tĩnh, người viết phải trang nghiêm, tĩnh tại... quan niệm của người Phương Đông đặc biệt coi trọng ngày lễ, tết, đặc biệt là ngày khởi đầu của năm mới. Với ý nghĩa, một năm chỉ có một lần khai bút - lần viết đầu tiên trong năm nên khai bút là giây phút thiêng liêng, phải thực hiện với tất cả sự trịnh trọng, tâm thành.

Tục khai bút ngày nay dù không còn phổ biến và cầu kỳ như xưa nhưng vẫn được nhiều người coi trọng. Đặc biệt là những gia đình có truyền thống hiếu học. Trò chuyện với chúng tôi, GS Ngô Đức Thịnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Việt Nam đã chia sẻ về những thời khắc đáng quý gắn với tục khai bút đầu xuân. “Thế hệ chúng tôi sinh ra trong thời kỳ chiến tranh, nên không có điều kiện như bây giờ. Thời ấy, cha mẹ vẫn luôn nhớ và cho chúng tôi viết chữ đầu xuân” - GS Thịnh nhớ lại.

Theo GS Thịnh, người Việt Nam rất trọng đạo học, nên dù điều kiện eo hẹp, người dân vẫn luôn tạo điều kiện để cho con em có được nền tảng và tâm lý tốt nhất bước vào năm mới. Với người Việt, bút là công cụ gắn bó với đời sống trí tuệ và tâm hồn, trở thành một biểu tượng thiêng liêng. Khai bút là khai chữ, khai tâm, khai trí, khai nghề, khai nghiệp… Cũng là để tự nhắc nhủ mình, nhắc nhủ người, mong muốn, hy vọng… Tất cả đều hướng đến cái đẹp, sự mạnh khỏe, thành đạt cho mọi người...

“Sự cầu thị này sẽ mãi vững bền và góp phần thúc đẩy hơn nữa sự học của người dân” - GS Thịnh tin tưởng.

Khai bút viết chữ gì?


Khai bút đầu xuân không nhất thiết phải khai bút vào ngay sau giao thừa, mà có thể chọn một ngày hay một giờ thích hợp nào đó để làm việc này, từ ngày mùng 1 Tết cho đến mùng 5 Tết. Về nội dung, theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ (giảng viên khoa văn học, Trường ĐH Khoa học, Xã hội và Nhân văn), khi khai bút đầu năm có 3 điều tối kỵ, đó là kỵ viết từ có ý nghĩa xấu; kỵ cây viết trục trặc và kỵ sao chép từ của người khác. Người viết phải chuẩn bị chu đáo, tươm tất các công đoạn và nên viết chữ do chính mình nghĩ ra. Đó có thể là dòng chữ ghi họ tên, tuổi, quê quán của người cầm bút hoặc một vài câu thơ được sáng tác ngẫu hứng. Đôi khi, nó cũng chỉ đơn giản là những xúc cảm hay những mong ước tốt đẹp về gia đình, bạn bè, công việc, học hành, thi cử…

Với những thời kỳ khác nhau, đối tượng khác nhau, tục khai bút cũng có phần khác biệt. Với những gia đình có con em đang học, chữ viết khai xuân thường đơn giản hơn, nhưng với các thi nhân, văn nhân, khai bút có thể là sáng tác cả một tác phẩm; người họa sĩ nâng cây vẽ họa một bức hình; các ông đồ viết đôi câu đối xuân rồi tặng cho người thân, bạn bè lấy lộc... Người học thì viết lên những mong muốn cho một năm mới nhiều thuận lợi, học hành được tiến bộ và tương lai nghề nghiệp tốt. Người đi làm thì mong cho công việc thuận buồm, xuôi gió và ngày càng phát đạt...

Trước đây, danh sĩ thường khai bút bằng cách làm một bài thơ đầu xuân bày tỏ nguyện vọng, ý chí của mình. Những bài thơ khai bút được viết lên giấy hồng điều hoặc trên giấy hoa tiên - giấy có vẽ hoa. Viết xong, danh sĩ treo bài thơ lên tường để thưởng xuân. Tầng lớp quan lại xưa thì có lệ khai ấn và khai triện. Đóng dấu vào những giấy tờ công văn cầu mong thiên hạ thái bình, dân chúng an cư lạc nghiệp. Ngày nay, những thói quen này vẫn không thay đổi là bao.

Với những hàng chữ đầu tiên trong năm, ai nấy đều đem ý nguyện lồng vào nét mực, trong đó, phổ biến nhất vẫn là những chữ: “Khai bút đại cát”, “Tân xuân đại cát”, “Vạn sự như ý”...

Để thể hiện sự thành kính, nối tiếp truyền thống hiếu học của quê hương, vào dịp tết đến, nhiều tỉnh, thành phố cũng tổ chức lễ khai bút đầu xuân như tại Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng... Tại lễ hội, chủ tịch Hội Thư pháp sẽ khai bút hai bức thư pháp có chữ Đức và Tài, sau đó, hai vật phẩm đó sẽ được tặng cho đại diện học sinh có thành tích cao trong năm.

Tại khu vực Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) những ngày sau tết, khung cảnh viết chữ, xin chữ đã diễn ra khá tập nập. Đủ thành phần, đủ lứa tuổi, tất cả đều mong muốn xin được những chữ giàu ý nghĩa để treo trong nhà dịp đầu năm mới. Vẫn mực tàu, giấy đỏ và những câu đối xuân thường được thể hiện đơn giản, hoặc cách điệu tùy theo sở nguyện của du khách.

Lễ hội khai bút đầu xuân độc đáo


Cứ mỗi dịp đầu xuân mọi người lại háo hức đổ về lễ khai bút đầu xuân tại khu tưởng niệm các vua nhà Mạc ở xã Thanh Sơn (xưa là Kinh Dương). Ông Đỗ Xuân Trịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy cho biết: “Tục khai bút đã trở thành nét đẹp truyền thống của vùng đất học, nơi đã sinh ra nhiều vị tiến sĩ, trạng nguyên. Xưa, khu tưởng niệm các vua nhà Mạc là một trường thi lớn của kinh đô Kinh Dương, thời kháng chiến bị bom đạn tàn phá, năm 2000 xã Thanh Sơn trùng tu lại để lưu giữ địa danh gắn với truyền thống hiếu học”. Cũng theo ông Trịnh, Lễ khai bút đầu năm được UBND thành phố coi là một trong những hoạt động chính trong lễ du xuân Hải Phòng, từ cuối năm 2012 huyện Kiến Thụy đã đề nghị Sở GDĐT tỉnh cho phép học sinh các trường học trên địa bàn thành phố đưa học sinh tham gia lễ hội khai bút để khuyến khích truyền thống hiếu học.

Nguyễn Thiêm


Bình Minh (Bình Minh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem