dd/mm/yyyy

Khai thác thế mạnh nông nghiệp - cách làm của Mường Chà

Mường Chà là huyện miền núi, điều kiện kinh tế khó khăn, người dân chủ yếu sống dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Để nâng cao đời sống người dân, huyện Mường Chà (Điện Biên) đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Căn cứ vào Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ huyện lần thứ 19, nhiệm kỳ 2015 - 2020, UBND huyện Mường Chà tập trung chỉ đạo và thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; vận động nhân dân đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, nâng cao sản lượng lương thực, chú trọng mở rộng, khai hoang diện tích lúa nước; tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa.

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh được nhân dân huyện Mường Chà khai thác để vươn lên thoát nghèo.
Chăn nuôi là một trong những thế mạnh được nhân dân huyện Mường Chà khai thác để vươn lên thoát nghèo.

Bộ mặt nông thôn của xã Pa Ham đã đổi thay rất nhiều khi người dân chuyển đổi từ đất nương bạc màu sang trồng cây dong giềng.

Chị Lò Thị Hoa, bản Mường Anh 1 chia sẻ: “Ngôi nhà tôi mới xây trị giá hơn 300 triệu đồng là từ tiền bán dong giềng đấy. Nhà tôi có hơn 2 ha nương, những năm trước trồng ngô, lúa chẳng đủ ăn. Hai năm nay, theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, tôi chuyển sang trồng dong giềng, mỗi năm thu nhập trên 200 triệu đồng, vừa có tiền làm nhà, vừa nuôi 2 con ăn học”.

So sánh hiệu quả kinh tế giữa trồng cây dong giềng với cây ngô, lúa nương, ông Màng Văn Nơm - Chủ tịch UBND xã Pa Ham khẳng định: “Cây dong giềng thực sự đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân trong xã, nhiều gia đình đã thoát nghèo nhờ cây này. Với giá bán 2.500 - 3.000 đồng/kg, trung bình 1 ha cho thu nhập 180 triệu đồng, trừ chi phí người dân thu lãi 120 triệu đồng/ha”.

Dứa là cây trồng chủ lực của người dân Mường Chà, hiện toàn huyện có hơn 100 ha dưa, cho thu nhập trung bình 200 triệu đồng/ha/năm.
Dứa là cây trồng chủ lực của người dân Mường Chà, hiện toàn huyện có hơn 100 ha dưa, cho thu nhập trung bình 200 triệu đồng/ha/năm.

Mục tiêu nghị quyết Đảng bộ huyện Mường Chà lần thứ 19 xác định đến năm 2020, thu nhập bình quân của huyện đạt 25 triệu đồng/người, tuy nhiên, đến hết năm 2017 mới chỉ đạt 18 triệu đồng/người/năm. Do vậy, huyện Mường Chà đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể để nâng cao thu nhập cho người dân. Từ đó, giảm dần số hộ tái nghèo và cận nghèo, góp phần thực hiện được mục tiêu mỗi năm giảm từ 3 - 5% hộ nghèo.

Đánh giá về công tác xóa đói, giảm nghèo của huyện, ông Nguyễn Minh Phú - Chủ tịch UBND huyện Mường Chà nhận định. “Chúng tôi xác định phát triển nông - lâm nghiệp bền vững là giải pháp căn cơ hàng đầu đối với một huyện khó khăn như Mường Chà. Đồng thời với việc đó, chúng tôi thực hiện tốt tái cơ cấu nông nghiệp, khuyến khích động viên nhân dân phát triển cây trồng có giá trị kinh tế cao”.

Theo ông Nguyễn Minh Phú, huyện đã quy hoạch từng vùng phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện tự nhiên. Với các xã thuận lợi để phát triển nông nghiệp, huyện chỉ đạo thâm canh, tăng vụ gieo cấy các giống lúa lai có năng suất, chất lượng tốt để đảm bảo an ninh lương thực. Huyện đã quy hoạch các xã có điều kiện thuận lợi để mở rộng diện tích cây dứa; quy hoạch vùng trồng dong giềng tại khu vực các xã: Pa Ham, Nậm Nèn... để nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Bài, ảnh: Thanh Phong