“Khai tử” Thép Sông Hồng, Tổng Công ty Sông Hồng có bị mất vốn không?

Quang Dân Thứ tư, ngày 23/02/2022 08:08 AM (GMT+7)
Trên báo cáo tài chính, Tổng Công ty Sông Hồng đã trích lập đầy đủ khoản vốn góp 102 tỷ đồng vào Công ty Thép Sông Hồng. Tài sản lớn nhất của Công ty Thép Sông Hồng hiện là Quyền sử dụng đất hơn 10 ha, có vị trí “đắc địa” tại phố Đoàn Kết, P. Bạch Hạc, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Bình luận 0

Dữ liệu Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho biết, CTCP Thép Sông Hồng, một thành viên của Tổng CTCP Sông Hồng (UpCOM: SHG) đang tiến hành các thủ tục giải thể công ty. Điều này đồng nghĩa sau hơn 15 năm "sống lay lắt" và "chết lâm sàng", Thép Sông Hồng sẽ chính thức được "khai tử".

Báo cáo tài chính của Tổng Công ty Sông Hồng cho biết, Tổng Công ty Sông Hồng đã đầu tư và đã trích lập dự phòng đầy đủ khoản vốn góp 102 tỷ đồng vào Công ty Thép Sông Hồng từ nhiều năm trước. Vậy nếu Thép Sông Hồng được giải thể thành công, Tổng Công ty Sông Hồng có bị mất vốn không?

Theo tài liệu của Tổng Công ty Sông Hồng, cuối quý II/2020, tổng tài sản của Thép Sông Hồng hơn 344 tỷ đồng; vay nợ quá hạn khoảng 420 tỷ đồng được thế chấp bởi hàng hóa (thép và sản phẩm thép).

Bản công bố thông tin của Thép Sông Hồng cho thấy, tài sản lớn nhất của Công ty Thép Sông Hồng hiện là Quyền sử dụng đất hơn 10 ha, có vị trí "đắc địa" tại phố Đoàn Kết, P. Bạch Hạc, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Theo giới thiệu của Thép Sông Hồng, nhà máy của công ty tọa lạc ngay trên Quốc lộ 2, nằm ngay bên bờ Sông Hồng, cách cảng sông Việt Trì chưa đầy 4km. Thép Sông Hồng từng kỳ vọng nếu nhà máy phát triển sản xuất lớn, Công ty có thể đầu tư xây dựng cảng sông ngay tại nhà máy.

“Khai tử” Thép Sông Hồng, Tổng Công ty Sông Hồng có bị mất vốn không? - Ảnh 1.

Phía ngoài nhà máy của Thép Sông Hồng. Ảnh: Quang Dân.

Thép Sông Hồng bị "rút ruột" ngay khi có sản phẩm ra thị trường

Nhà máy cán thép Sông Hồng được đầu tư mới tại P. Bạch Hạc, TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ theo quyết định của UBND tỉnh Phú Thọ cấp tháng 5/2002, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Công nghệ cao AT (Công ty AT). Dự án Nhà máy cán thép Sông Hồng được xây dựng theo phương thức tổng thầu EPC, bên nhận tổng thầu là Tổng Công ty Xây dựng Sông Hồng (nay là Tổng CTCP Sông Hồng).

Năm 2005, được sự đồng ý của Bộ Xây dựng, CTCP THS ra đời có nhiệm vụ tiếp nhận và thực hiện Dự án Nhà máy cán thép Sông Hồng tại P. Bạch Hạc, TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, tổ chức sản xuất kinh doanh; quản lý và phát triển vốn đầu tư có hiệu quả.

Chủ đầu tư dự án cũng được chuyển đổi hợp pháp từ Công ty AT sang Công ty THS. Ở thời điểm thành lập THS có vốn điều lệ 80 tỷ đồng, với 3 cổ đông sáng lập gồm: Tổng Công ty HUD (giữ 72% vốn), Tổng Công ty Sông Hồng (20%) và Công ty AT (8%).

Tuy nhiên, trong suốt thời gian từ năm 2005 đến tháng 7/2008, qua một số lần thay đổi cơ cấu vốn điều lệ và cổ đông, việc hoàn thành dự án nhà máy cán thép Sông Hồng vẫn chưa được thực hiện. Không có tài chính và nhân lực vận hành được cho là lý do chính.

Tháng 7/2008, được sự đồng ý của Bộ Xây dựng, Đại hội đồng cổ đông của THS đã họp và quyết định điều chỉnh cơ cấu vốn điều lệ, thay đổi sanh sách cổ đông và đổi tên doanh nghiệp thành CTCP Thép Sông Hồng. Vốn điều lệ được tăng lên 120 tỷ đồng do 4 cổ đông nắm giữ gồm Tổng Công ty Sông Hồng, CTCP Sông Hồng 22 (CTCP Sông Hồng Thăng Long), CTCP Xây dựng Sông Hồng 25 (CTCP Sông Hồng số 6) và Công ty AT. Trong đó, Tổng Công ty Sông Hồng nắm quyền chi phối 85% vốn của Thép Sông Hồng.

Đến thời điểm 31/03/2012, hai cổ đông sáng lập là CTCP Sông Hồng Thăng Long và CTCP Sông Hồng 6 chưa tham gia góp vốn. Vốn điều lệ thực góp ở thời điểm này là 116,4 tỷ đồng, trong đó Tổng công ty Sông Hồng nắm 87,63% vốn, Công ty AT nắm 12,37%.

Năm 2009, Thép Sông Hồng ghi nhận sản lượng sản xuất 81.500 tấn, tiêu thu 66.500 tấn, doanh thu 724 tỷ đồng. Sản lượng sản xuất, tiêu thụ nhảy vọt vào năm 2010, qua đó ghi nhận doanh thu 1.439 tỷ đồng. Dù vậy, ở thời điểm cuối năm 2010, Thép Sông Hồng ghi nhận lỗ sau thuế kỷ lục 132,5 tỷ đồng.

“Khai tử” Thép Sông Hồng, Tổng Công ty Sông Hồng có bị mất vốn không? - Ảnh 2.

Biểu đồ: Quang Dân.

Từ tháng 11/2010 giá thép bắt đầu tăng mạnh, tuy nhiên sản lượng sản xuất của Thép Sông Hồng sụt giảm mạnh trong năm 2011 xuống thấp hơn mức đạt được của năm 2009. Thép Sông Hồng tiếp tục ghi nhận lỗ trong kinh doanh bất chấp giá thép tăng đến 40% - 50%. Tháng 10/2011, những sai phạm kinh tế ở Thép Sông Hồng được phát hiện. Một loạt sếp lớn của Thép Sông Hồng bị khởi tố sau đó.

Tổng Công ty Sông Hồng muốn thoái vốn, tái cơ cấu Thép Sông Hồng "bất thành"

Tháng 5/2012, Tổng công ty Sông Hồng cho biết, Tổng công ty đang tiến hành các thủ tục bán toàn bộ cổ phần của mình tại Thép Sông Hồng để tập trung nguồn vốn vào các lĩnh vực thế mạnh. Nhà máy Thép Sông Hồng giảm công suất hoạt động và sau đó tạm dừng hoạt động. Đến năm 2013, phương án tái cơ cấu Công ty Thép Sông Hồng được công bố.

Theo đó, vốn điều lệ sẽ được tăng lên 350 tỷ đồng (lần 1) và lên 450 tỷ đồng (lần 2). Giá trị vốn góp của Tổng công ty Sông Hồng không thay đổi, qua đó tỷ lệ sở hữu của Tổng Công ty Sông Hồng sẽ được giảm xuống còng 29,14% (lần 1) và 22,67% (lần 2).

Ở thời điểm cuối năm 2013, Tổng Công ty Sông Hồng dự kiến tháng 10/2014 Thép Sông Hồng sẽ hoạt động trở lại và đến năm 2015 Thép Sông Hồng bắt đầu hoạt động có lãi. Tuy nhiên, từ khi hoạt động trở lại, Thép Sông Hồng chưa có năm lãi, lỗ tiếp tục chồng lỗ, âm vốn chủ sở hữu từ năm 2011.

Năm 2015, xuất hiện trên báo cáo của Tổng Công ty Sông Hồng, Thép Sông Hồng đã tăng vốn điều lệ từ 120 tỷ đồng lên 310 tỷ đồng, qua đó, giảm tỷ lệ nắm giữ của Tổng Công ty Sông Hồng tại đây xuống 32,9%. Vốn điều lệ 310 tỷ đồng của Thép Sông Hồng và tỷ lệ sở hữu của Tổng Công ty Sông Hồng không thay đổi cho đến thời điểm hiện tại. Các dữ liệu cho thấy, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Việt Thành (Việt Thành) đã tham gia vào tái cấu trúc Thép Sông Hồng và đã cho ra đời sản phẩm mới là thép Shinkanto.

Ngày 17/11/2017, HĐQT của Tổng Công ty Sông Hồng có quyết nghị thông qua việc đầu tư dây chuyền luyện phôi thép công suất 250.000 tấn/năm của CTCP Thép Sông Hồng.

Từ tháng 1/2018, bà Trần Thị Huệ Chi (15/04/21975) – người có duyên trong "khai tử" các công ty thép, thành viên chủ chốt của Việt Thành, giữ vai trò chủ tịch Hội đồng quản trị cũng là đại diện pháp luật của Công ty Thép Sông Hồng.

Thế nhưng, từ 2017 đến 2019 hoạt động sản xuất kinh doanh của Thép Sông Hồng không có chuyển biến tích cực, năm 2019 báo cáo Tổng Công ty Sông Hồng cho thấy Thép Sông Hồng tiếp tục ghi nhận lỗ.

Bài 2: Toan tính của Việt Thành ở Thép Sông Hồng - Thép hay là Đất?


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem