Cụ thể, tại BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư, trong thời gian qua đã khám và chẩn đoán SXH cho gần 5.000 trường hợp, cho nhập viện 1.028 bệnh nhân, trong đó có 64 bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo biến chứng, 47 ca bị sốc, nặng. Trong 1 tháng trở lại đây, mỗi ngày có hàng trăm người đến khám SXH và hàng chục người nhập viện.
Hiện BV đã phải huy động nhiều khoa, phòng để làm nơi đặt giường bệnh cho bệnh nhân SXH tuy nhiên vẫn thiếu giường. Có nhiều bệnh nhân phải nằm ghép 2-3 người/giường. Do quá tải bệnh nhân, BV đã phải sàng lọc chặt chẽ, ai bệnh nặng mới giữ lại, ai nhẹ chuyển tuyến dưới hoặc cho về nhà điều trị. Tuy nhiên, đã có bệnh nhân đã sừng cồ, đe doạ bác sĩ, đòi nhập viện.
Bệnh nhân sốt xuất huyết phải nằm ghép 2-3 người/giường tại BV Bệnh Nhiệt đới TƯ. Ảnh Việt Linh
85% bệnh nhân SXH điều trị nội trú tại BV Bệnh nhiệt đới T.Ư thuộc Hà Nội. Qua kiểm tra Hồ sơ bệnh án và kiểm tra thực tế, Cục Quản lý khám chữa bệnh đánh giá: Theo phân tuyến điều trị, trong số các ca nhập viện có nhiều ca bệnh thuộc tuyến điều trị tại BV tuyến quận, huyện, BV thành phố.
Cục Quản lý Khám chữa bệnh yêu cầu BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, tiếp tục củng cố, sắp xếp lại các khoa, phòng trong BV cho phù hợp, ngăn nắp, gọn gàng thuận tiện cho người bệnh khi đến khám, điều trị; Xem xét, điều chỉnh lại các quy trình tiếp nhận, tiêu chí phân loại cụ thể đối với từng ca bệnh để sàng lọc, sắp xếp bệnh nhân điều trị ngoại trú, nội trú theo đúng phân tuyến điều trị bảo đảm tiếp nhận, điều trị người bệnh SXH nặng kịp thời, giảm tử vong.
BV cũng cần tăng cường công tác tư vấn, giải thích cho người bệnh hiểu để an tâm điều trị đúng tuyến, hạn chế quá tải, cố gắng không để nằm ghép. Đối với người bệnh đã ổn định tư vấn, giải thích để người bệnh ra viện hoặc chuyển người bệnh về tuyến dưới để theo dõi, chăm sóc; Thiết lập đường dây nóng hỗ trợ tuyến dưới trong công tác chẩn đoán, điều trị bệnh SXH. Sẵn sàng hỗ trợ tại chỗ cho tuyến dưới khi có yêu cầu, khi chuyển viện không an toàn.
Bệnh nhân sốt xuất huyết nằm ghép tại BV E
Đối với Sở Y tế Hà Nội, Cục Quản lý Khám chữa bệnh yêu cầu Sở chỉ đạo, tổ chức phổ biến, tập huấn, tập huấn lại "Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết Dengue" đối với bác sĩ và điều dưỡng tham gia công tác khám, điều trị SXH tại khoa Khám bệnh, khoa Hồi sức cấp cứu, khoa Nhi, khoa Truyền nhiễm, ... của tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Sở Y tế quản lý.
Tăng cường công tác truyền thông để học sinh, sinh viên, công chức, viên chức, người lao động thuộc các trường, các cơ quan, ban, ngành đoàn thể và người dân trên địa bàn Hà Nội biết được BV nào thuộc Sở Y tế có nhiệm vụ khám, điều trị SXH.; Phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng BV trong hệ thống khám, chữa bệnh SXH. Chỉ đạo các BV này bố trí khu vực dành cho điều trị SXH, bảm đảm về nhân lực, trang thiết bị, thuốc dịch truyền theo dự báo tình hình dịch.
BV E phải kê thêm giường gấp để cho bệnh nhân SXH nằm
Sở Y tế Hà Nội cũng cần chỉ đạo các BV xem xét, điều chỉnh lại các quy trình tiếp nhận, sàng lọc, tiêu chí phân loại cụ thể đối với từng ca bệnh SXH. Bố trí từng ca bệnh SXH nội trú tại khoa phù hợp với tình hình bệnh. Bảo đảm việc tiếp nhận, sàng lọc, phân loại, điều trị, chuyển tuyến đúng, kịp thời để giảm tai biến và giảm tử vong. Đối với các trường hợp vượt khả năng của BV khi chuyển tuyến phải thông tin trước cho BV chuyển người bệnh đến để hội chẩn trước khi chuyển tuyến, bảo đảm việc chuyển tuyến an toàn.
Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tính đến hết tuần 28, cả nước ghi nhận gần 59.000 trường hợp mắc SXH, trong đó có 17 trường hợp tử vong. Năm 2016 cả nước có hơn 110.000 ca mắc SXH (36 ca tử vong), năm 2015 có gần 95.000 ca (58 ca tử vong), năm 2014 chỉ có gần 32.000 ca (20 ca tử vong), năm 2013 có 66.000 ca (42 ca tử vong).
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.