Khẩn trương tổ chức giao thông khu vực Bến xe Miền Đông mới

01/12/2019 07:16 GMT+7
Sở GTVT TP HCM để nghệ các đơn vị khẩn trương tổ chức giao thông khu vực Bến xe Miền Đông mới để chuẩn bị đưa vào bến xe vào quá trình hoạt động.
Khẩn trương tổ chức giao thông khu vực Bến xe Miền Đông mới - Ảnh 1.

Toàn cảnh khu phức hợp Bến xe miền Đông mới sắp hoạt động

Sở GTVT TP HCM cho hay, để chuẩn bị cho công tác đưa Bến xe Miền Đông mới đi vào hoạt động, Sở đã thống nhất với các đơn vị tổ chức phương án giao thông xung quanh khu vực bến.

Tại đường số 400 (đoạn từ đường Hoàng Hữu Nam đến QL1), Q.9: Tổ chức cho các loại xe 2 và 3 bánh lưu thông vào phần đường bên trong hàng trụ điện hiện hữu của đường số 400 (bề rộng trung bình 3m), theo hướng lưu thông từ đường Hoàng Hữu Nam đến QL1.

Sở sẽ cho lắp đặt dải phân cách bê tông xung quanh hàng trụ điện (có dán tấm phản quang) để ngăn giữa phần đường ô tô và phần đường dành cho xe 2 và 3 bánh.

Song song với dải phân cách sẽ lắp thêm hệ thống biển báo chỉ hướng lưu thông tại 10 giao lộ trên các tuyến đường thuộc lộ trình kết nối với bến xe và xung quanh khu vực Bến xe Miền Đông mới.

Trên đường số 13, Q.9, lắp biển cấm dừng xe và đỗ xe trên đường số 13 (đoạn từ QL1 đến đường Hoàng Hữu Nam) theo cả hai hướng lưu thông. Lắp đặt đèn chớp vàng trên tuyến QL1 tại giao lộ QL1 - đường số 13, tổ chức giao thông trên đường số 400.

Các đơn vị liên quan sẽ bổ sung hệ thống chiếu sáng công cộng trên QL1, đường Hoàng Hữu Nam, đường số 400 (trước khu vực Bến xe Miền Đông mới) nhằm đảm bảo ANTT, ATGT tại khu vực.

Cũng theo đề nghị của Sở GTVT, Ban Quản lý đường sắt đô thị thay thế hàng rào tôn phục vụ thi công dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) tại giao lộ QL1 - đường số 13, bằng hàng rào lưới B40.

Bến xe Miền Đông mới khởi công từ tháng 4/2017. Bến xe này có tổng diện tích 16 ha với tổng vốn đầu tư khoảng 4.000 tỉ đồng. Theo kế hoạch, di dời các tuyến vận tải hành khách cố định từ Bến xe Miền Đông hiện hữu (quận Bình Thạnh) ra Bến xe Miền Đông mới, trong giai đoạn 1 sẽ có 29 tuyến vận tải hành khách cố định có cự ly từ 1.100 km trở lên (từ Quảng Trị trở ra các tỉnh phía Bắc).

Tại đây, trung bình có khoảng 40 chuyến/ngày xe khách hoạt động. Ngoài ra, nhiều tuyến xe buýt trợ giá (số 55, 76, 150) và không trợ giá (số 602, 611) được bố trí để phục vụ hành khách. Dự kiến có khoảng 80 chuyến xe buýt/ngày phục vụ khách ra vào bến xe.

Giai đoạn 2, di dời tiếp 85 tuyến xe khách cố định từ Huế trở vào miền Trung, Đồng Nai, Lâm Đồng, khu vực miền Tây và các tuyến liên vận quốc tế.

Phương Thảo
Cùng chuyên mục