Khẳng định trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam

Thứ năm, ngày 29/11/2012 11:46 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngày 28.11 tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng đã tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không - tầm cao trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam”.
Bình luận 0

Hội thảo nhận được gần 100 bài tham luận của các lãnh đạo Bộ Quốc phòng, các cựu chiến binh, nhà nghiên cứu lịch sử và các nhân chứng trong đợt B52 oanh tạc 12 ngày đêm trên bầu trời Hà Nội năm 1972.

img
Xác máy bay B52 trong Bảo tàng Phòng không - không quân (Hà Nội).

Tầm cao trí tuệ Việt

Các bài tham luận tại hội thảo hôm qua đều khẳng định tầm vóc và ý nghĩa của chiến thắng này, chỉ ra những nguyên nhân cơ bản dẫn đến chiến thắng và bài học kinh nghiệm quý báu về chỉ đạo chiến lược, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật chiến tranh nhân dân của ta.

Khẳng định tầm nhìn chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn kịp thời sáng tạo của T.Ư Đảng và Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Thành Cung - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phân tích: “Ngay từ năm 1966, Bác Hồ đã tiên đoán được Mỹ sớm muộn cũng sẽ đưa B52 ném bom ra Hà Nội rồi có thua mới chịu thua nên đã sớm giao nhiệm vụ cho Quân chủng Phòng không – Không quân phải tìm cách đánh cho được B52. Đó là sự tiên đoán rất tài tình”.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh – nguyên Cục phó Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu cho rằng: “Ngay từ những trận đầu tiên của chiến dịch, quân và dân ta đã thể hiện được bản lĩnh quật cường chống lại B52”. Thiếu tướng Ninh cũng cho biết: Trong trận đánh đêm 18 rạng ngày 19.12, địch sử dụng trên 400 lượt máy bay chiến thuật và 90 lượt B52, đánh trên 100 điểm. Ta bắn rơi 3 máy bay B52 Mỹ, 5 máy bay chiến thuật, bắt sống 7 giặc lái. “Đêm mở màn đã trở thành đêm chiến thắng của quân ta, đêm hãi hùng đối với bộ máy chiến tranh Hoa Kỳ” - Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh nói.

Nhiều bài tham luận còn nổi bật được ý nghĩa thực tiễn của chiến thắng này đối với công cuộc xây dựng lực lượng Phòng không – Không quân thời bình: “Nó là mảng đề tài khoa học hấp dẫn trong giảng dạy và nghiên cứu lịch sử, một nội dung quan trọng trong chương trình đào tạo của cán bộ Học viện Quốc phòng…” - đại tá PGS -TS Hoàng Quốc Trình - Chủ nhiệm khoa Quân chủng - Học viện Quốc phòng cho biết.

Oanh liệt, bi hùng

Với những nhân chứng dân sự - những người Hà Nội còn sống sót sau trận oanh tạc điên cuồng 12 ngày đêm có mặt tại Hội thảo “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” không chỉ là niềm tự hào của dân tộc, mà còn là một hồi ức về máu, nước mắt…

“Đêm mở màn chiến dịch đã trở thành đêm chiến thắng của quân ta, đêm hãi hùng đối với bộ máy chiến tranh Hoa Kỳ”.

Bà Tuấn Thị Vinh 73 tuổi (xã Kiên Trung, Hoài Đức, Hà Nội) vẫn không thể quên được nỗi đau mất 3 đứa con nhỏ chỉ trong vài ngày. Bà cho biết: “Lúc đó tôi đang là Chủ nhiệm Hợp tác xã Kiên Trung. Khi B52 bắt đầu giội bom xuống Hoài Đức, 2 con của tôi (một đứa 7 tuổi, một đứa 5 tuổi) đang trên đường đi học thì trúng bom...”.

Sau mất mát quá lớn, bà Vinh căm thù đến tận xương tuỷ bè lũ “cướp trời”. Trong nỗi đau tận cùng đó, bà đã gồng mình đứng dậy để gánh vác việc làng, xã thay những cán bộ chủ chốt vừa hy sinh vì bom Mỹ. “40 năm đi qua, nhưng mỗi lần nhắm mắt lại, hình ảnh bom đạn, các con lại hiện lên, ám ảnh tôi…” – bà Vinh nói.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên – tác giả của ca khúc “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” được viết ngay dưới hầm trú bom đêm 27.12 cũng xúc động khi nghĩ đến những ngày lửa đạn: “Điện Biên Phủ trên không” đúng thực sự là bản hùng ca bi tráng của dân tộc ta”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem