Khẳng định vị thế lụa tơ tằm Bảo Lộc trên trường quốc tế

01/12/2019 07:08 GMT+7
Sau nhiều thời gian thăng trầm, lên xuống, nghề trồng dâu, nuôi tằm của TP. Bảo Lộc (Lâm Đồng) đã dần khẳng định được vị thế, vai trò trong phát triển kinh tế của địa phương, tơ lụa Bảo Lộc được lựa chọn để xây dựng trở thành sản phẩm OCOP cấp tỉnh với nhiều lợi thế.

Thủ phủ tơ lụa

Trò chuyện với phóng viên Báo Nông thôn ngày nay, ông Nguyễn Thanh Phong – Phó Phòng Kinh tế TP. Bảo Lộc cho biết, địa phương có nghề trồng dâu, nuôi tằm, phát triển sớm nhờ vào điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi quanh năm. Từ năm 1995, thành phố được mệnh danh là “thủ phủ” của tơ lụa Việt Nam. Thời điểm hưng thịnh, ở Bảo Lộc có đến trên 3.000 ha dâu, 8 - 10 nhà máy dệt lụa và rất nhiều nông trường trồng dâu nằm rải rác ở khắp các huyện xung quanh.

“Sau một thời gian phát triển mạnh mẽ, nghề trồng dâu, nuôi tằm ở địa phương đã dần đi xuống. Các sản phẩm xuất khẩu khó khăn do mẫu mã không được đa dạng, nhà nước thực hiện chính sách mở cửa nền kinh tế nên không thể cạnh tranh với mặt hành cùng loại của nước ngoài. Tuy nhiên, trong thời gian 4 năm trở lại đây, nghề này lại có dấu hiệu phục hồi. Đặc biệt, vừa qua sản phẩm tơ lụa Bảo Lộc được nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh sử dụng để thiết kế trang phục cả trong nước và nước ngoài nên ảnh hưởng lớn đến ngành này tại địa phương”, ông Phong thông tin.

Khẳng định vị thế lụa tơ tằm Bảo Lộc trên trường quốc tế - Ảnh 1.

Sản xuất tơ lụa tại TP. Bảo Lộc, một sản phẩm nổi tiếng trong và ngoài nước của tỉnh Lâm Đồng.

Bên cạnh đó, năm 2011, Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông lâm nghiệp Lâm Đồng đã thực hiện dự án xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao công nghệ để “tái sinh” và phát triển bền vững nghề trồng dâu nuôi tằm cho nông dân Bảo Lộc. Hai giống dâu S7 – CB và VA – 201 cho năng suất hơn hơn gấp đôi các giống khác được chuyển giao đến người nông dân.

Vừa qua, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng có quyết định phê duyệt triển khai đề án phát triển bền vững ngành dâu tằm tơ giai đoạn 2019 - 2023. Chính vì vậy, sản phẩm tơ lụa ở Lâm Đồng sẽ có cơ hội để phát triển mạnh hơn nữa. Hiện nay, giá kén tằm khá cao nên đã khuyến khích người dân tập trung chăm sóc, mở rộng diện tích gieo trồng. Đến nay, diện tích dâu tại TP. Bảo Lộc có khoảng 658ha, các đề án liên quan triển khai tại thành phố chủ yếu nhằm mục đích nâng cao chất lượng giống dâu tằm có năng suất tốt.

Thu hút đầu tư ngành dâu tằm

Nói về mục tiêu phát triển sản phẩm lụa Bảo Lộc, ông Phong cho biết, hiện nay tỉnh đã có chủ trương thu hút đầu tư các doanh nghiệp về lĩnh vực tơ lụa. Vừa qua, đã có một doanh nghiệp xin phép đầu tư xây dựng nhà máy nghiên cứu, thực nghiệm sản xuất trứng tằm, nuôi tằm giống và phát triển vùng trồng dâu, nuôi tằm tại địa phương.

“Trong năm 2019, TP. Bảo Lộc được hỗ trợ gần 900 triệu đồng để phát triển các sản phẩm OCOP của địa phương, đặc biệt là sản phẩm tơ lụa. Đối với chương trình mỗi xã một sản phẩm, chúng tôi đang hỗ trợ các chủ thể đăng kí tham gia hoàn tất hồ sơ, hỗ trợ máy móc, bao bì, quảng bá thương hiệu, nhãn hiệu của sản phẩm để nâng cao giá trị các mặt hàng đặc trưng của thành phố. Ngoài sản phẩm lụa, chúng tôi cũng có thêm một nông sản hướng đến xây dựng thành sản phẩm OCOP đó là quả măng cụt”, ông Phong cho biết.

Trong năm 2018, sản lượng tơ lụa của Bảo Lộc đạt 950 tấn, sản lượng lụa đạt trên 3 triệu m2. Tại Bảo Lộc, có 23 doanh nghiệp ươm tơ và dệt vải (trên tổng số 28 doanh nghiệp của toàn tỉnh), trong đó có 7 doanh nghiệp ươm tơ cơ khí, 8 doanh nghiệp ươm tơ tự động, 8 doanh nghiệp dệt lụa.

Để đảm bảo phát triển ngành tơ lụa, UBND thành phố Bảo Lộc đã xây dựng nhãn hiệu chứng nhận tơ lụa Bảo Lộc và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Hiện đã có 7 doanh nghiệp được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu tơ lụa.

Theo Dân Việt
Cùng chuyên mục