Gánh nặng lớn
Anh Triệu Thái Thành (59 tuổi, trú tại Chi lăng, TP.Lạng Sơn) cho biết, anh đã phát hiện mình bị suy thận từ 6 năm nay. Trước đó, anh là một nhạc công, kiếm sống bằng việc tham gia nhóm nhạc phục vụ đám hiếu trên địa bàn. Dù thu nhập không cao nhưng ổn định, đủ để anh góp phần chăm lo cho vợ con và thỏa mãn thú vui được chơi nhạc của mình.
Bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện E. Ảnh: Đ.L
"Người dân nên sống lành mạnh: Sử dụng nước sạch, tập thể dục thường xuyên, hạn chế các tác nhân độc hại cho thận như thuốc lá, rượu bia, các hóa chất độc hại...”.
TS Nguyễn Vĩnh Hưng
|
Đến năm 2011, anh thấy trong người mệt mỏi, kém ăn, đi tiểu nhiều và sút cân… Đi khám ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn, anh chết lặng khi bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh suy thận độ 3. Không muốn tin đó là sự thật, anh khăn gói xuống Hà Nội, đến Bệnh viện Bạch Mai khám nhưng kết quả không có gì thay đổi. Từ đó đến giờ, anh phải chạy thận để duy trì sức khỏe. “Lúc mới bị bệnh, tôi phải thuê nhà để điều trị bệnh ở các bệnh viện tuyến T.Ư, chỉ 9 tháng đã tiêu tốn hết 500 triệu đồng do tôi không có bảo hiểm y tế. Vợ con đã phải bán hết tài sản, vay mượn họ hàng để trả viện phí cho tôi. Lúc đó, tôi buồn và tuyệt vọng lắm” – anh Thành tâm sự.
Hiện anh đang điều trị chạy thận tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn, mỗi tháng tốn 5-7 triệu đồng, tuy nhiên, nhờ có bảo hiểm y tế mà anh chỉ còn phải chi trả vài trăm nghìn đồng. “Nhờ có bảo hiểm y tế mà tôi mới sống được” - anh Thành nói.
Bệnh nhân N.T.V (ở Chương Mỹ, Hà Nội) chia sẻ, do mắc bệnh thận mãn tính từ nhiều năm nay, nên cứ 3 lần/tuần, bệnh nhân phải vào khoa Thận tiết niệu và lọc máu (Bệnh viện E, Hà Nội) chạy thận nhân tạo chu kỳ để duy trì sự sống.
Theo các bác sĩ, trung bình bệnh nhân chạy thận nhân tạo 1 năm tiêu tốn từ 100 - 150 triệu đồng. Tuy nhiên, tất cả các bệnh nhân suy thận đều tham gia bảo hiểm y tế và được bảo hiểm y tế chi trả phần lớn. Tuy nhiên, do cả đời phải gắn liền với bệnh viện (mỗi tuần lọc máu 3-4 lần, nếu chậm lọc là nguy hiểm đến tính mạng) nên nhiều người phải sống xa nhà, thuê trọ ở gần bệnh viện. Sức khỏe yếu nên họ cũng không tham gia lao động giúp gia đình được. Điều này tạo gánh nặng không nhỏ cho gia đình và toàn xã hội.
Đừng để thận quá mệt mỏi
Theo TS, bác sĩ Nguyễn Vĩnh Hưng – Trưởng khoa Thận tiết niệu và lọc máu (Bệnh viện E), Phó Chủ tịch Hội Thận học Hà Nội, số liệu thống kê của Hội Thận học thế giới, trên thế giới ước tính khoảng 500 triệu người đang có vấn đề về bệnh lý mãn tính ở thận. Khoảng 3 triệu người bệnh trên thế giới đang sống nhờ các biện pháp thay thế.
Hiện tại, Khoa Thận tiết niệu và lọc máu (Bệnh viện E) đang chạy thận nhân tạo cho khoảng 100 - 110 bệnh nhân bị suy thận mạn phải chạy thận nhân tạo chu kỳ để duy trì sự sống.
Theo TS Hưng, ngoài những đớn đau, mệt mỏi do bệnh tật gây ra phải chịu đựng hàng ngày, người bệnh suy thận còn phải đối diện với nguy cơ tử vong bất cứ lúc nào. Có đến trên 50% người bệnh chạy thận tử vong dưới 5 năm lọc máu, và số người sống từ 10 năm trở lên chỉ chiếm khoảng 15 - 20% tổng số người chạy thận chu kỳ.
“Nguyên nhân chủ yếu do các bệnh lý tại thận, tăng huyết áp và đái tháo đường. Tiến triển của bệnh thận mãn tính dẫn đến suy thận mãn tính, làm mất chức năng thận và phải dùng các biện pháp điều trị thay thế thận như lọc máu, ghép thận. Tuy nhiên, thận là một bệnh có thể kiểm soát được và bệnh nhân sẽ có cuộc sống bình thường nếu được điều trị, kiểm soát tốt” – TS Hưng cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.