Khi lính học làm... nông dân

Thứ tư, ngày 24/10/2012 18:28 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trên đỉnh núi Koon Toer, nơi Trung đoàn H73 (Binh đoàn Tây Nguyên) đóng quân, xung quanh là những vườn cà phê, vườn tiêu xanh tốt... Những người lính nơi đây vừa chắc tay súng, vừa giỏi học... làm nông dân để tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống.
Bình luận 0

Đưa hồ tiêu, cà phê lên núi

H73 về vùng đất này đóng quân từ đầu năm 2005. Núi cao, đất cằn, mùa khô chỉ hun hút những cơn gió man dại cuốn lên bụi đỏ; mùa đông hơi lạnh và sương mù bao phủ. Cơ sở vật chất còn thiếu thốn, nghèo nàn… Trung tá Nguyễn Văn Thanh - Phó Chủ nhiệm Chính trị cùng cán bộ chiến sĩ hạ quyết tâm phải biến vùng đất chết này thành của cải vật chất để cải thiện đời sống cho đơn vị…

img
Vườn tiêu của Trung đoàn H73 trên đỉnh Koon Toer.

Phương án được chọn là trồng hồ tiêu. Tuy nhiên nhiều người tỏ ra không mấy tin tưởng bởi dân địa phương ở đây đã trồng loại cây này nhưng chưa đem lại hiệu quả. Qua quá trình nghiên cứu, chỉ huy đơn vị đã nhận thấy yếu tố quyết định phải là khâu cải tạo đất. Đơn vị đã huy động cán bộ, chiến sĩ san ủi trên 1.500m3 đất, đá để tạo mặt bằng trồng trọt. Trụ tiêu bằng xi măng thì đơn vị triển khai cho bộ đội tự đúc.

Tuy hạ quyết tâm cao nhưng ban đầu đơn vị vẫn chỉ trồng hơn trăm trụ làm thí điểm. Vừa làm vừa học tập rút kinh nghiệm - từ việc lấy rơm rạ tủ gốc, tạo ẩm trong mùa khô đến chế độ bón phân, tưới nước, vun gốc… tất cả đều tuân theo một quy trình bài bản, đúng kỹ thuật.

Niềm tin ban đầu đã trở thành sự thật. Vườn hồ tiêu không những đứng vững qua mùa khô khắc nghiệt mà còn phát triển rất nhanh; cho hạt nhiều, chắc… Trung tá Thanh cho biết, tin tưởng vào “tay nghề” và những kinh nghiệm tích lũy được, đơn vị cho triển khai nhân rộng. Từ hơn trăm trụ ban đầu, đến nay đơn vị đã trồng được 2.500 trụ tiêu, trong đó hơn 400 trụ đã cho thu hoạch…

Từ thành công của cây hồ tiêu, chỉ huy đơn vị chủ trương phát triển sang cây cà phê. Đến nay H73 đã có 7,7ha cà phê – trong đó có 5,2ha đi vào chu kỳ kinh doanh. Năm 2011, cà phê thu hoạch được 300 triệu đồng; hồ tiêu mới mùa đầu nhưng cũng thu được trên 150 triệu đồng. Năm nay, khi cả hồ tiêu và cà phê đều vào thời kỳ kinh doanh chính thức, đơn vị dự tính sẽ có nguồn thu ngót tỷ đồng... Thấy bộ đội trồng hồ tiêu, cà phê đều thành công, nhiều người dân địa phương đã đến xin “tư vấn” kỹ thuật để làm.

Để mai này làm… nông dân

Chăm sóc những vườn cà phê, hồ tiêu xanh tốt này là cán bộ, chiến sĩ đơn vị. Những chàng lính mới được học kỹ thuật một cách bài bản, từ việc làm đất, bón phân cho hồ tiêu, cà phê đến trồng rau, chăn nuôi…, sau đó mới bắt tay vào thực hành. Đơn vị đúng là một “trường dạy nghề” rất chính quy và bài bản.

Không chỉ thành công với hồ tiêu, cà phê, cán bộ chiến sĩ Trung đoàn H73 còn biến vùng đất trơ cằn sỏi đã thành những vườn rau mướt mắt, mùa nào thức ấy; trong chuồng luôn có từ 200 - 250 con heo, 30 con bò, 40 con dê và trên 800 con gà…

Trung tá Nguyễn Văn Thanh chia sẻ, những người lính sau thời gian hoàn thành nghĩa vụ sẽ được xuất ngũ. Trong số họ, rất có thể nhiều người sẽ làm nghề nông. Do vậy, tham gia tăng gia cũng là một cách học nghề nông hiệu quả. Kết quả của việc tăng gia sản xuất cho thấy các chiến sĩ đơn vị đều đã là những nhà nông thật sự...

Trung sĩ Huỳnh Hữu Vinh (Đại đội 9, Tiểu đoàn 3) hào hứng nói: “Em và anh em đơn vị ai cũng đã thành thạo kỹ thuật trồng tiêu, cà phê. Ra quân, những kiến thức học được này sẽ giúp chúng em bước thẳng vào nghề nông, khỏi phải đi học nghề đâu nữa…”.

Chỉ huy đơn vị cho biết, tiền thu được từ bán hàng hóa được trích một phần đầu tư tái sản xuất, số còn lại đơn vị đầu tư xây dựng cảnh quan môi trường, mua sắm các trang thiết bị vật chất huấn luyện, sửa chữa doanh trại, đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem