Khi nào ông Triệu Tài Vinh sẽ thôi Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang?

PV Thứ năm, ngày 11/07/2019 10:59 AM (GMT+7)
Tại buổi bàn giao nhiệm vụ Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, ông Triệu Tài Vinh đã đề nghị tỉnh có văn bản trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kiện toàn chức danh Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH).
Bình luận 0

img

Ông Triệu Tài Vinh và ông Đặng Quốc Khánh tại buổi bàn giao nhiệm vụ Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang (ảnh báo Hà Giang).

Sau khi ông Đặng Quốc Khánh, Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương được Bộ Chính trị điều động, phân công tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, người tiền nhiệm là ông Triệu Tài Vinh hiện đang là Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đã bàn giao nhiệm vụ Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015 -2020 cho ông Khánh (bàn giao ngày 8/7).

Còn chức danh Trưởng đoàn ĐBQH Hà Giang của ông Triệu Tài Vinh sẽ thế nào khi ông đã chuyển về Trung ương công tác?

Trao đổi với PV Dân Việt, một vị lãnh đạo của Ban Công tác đại biểu (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) cho biết: Đối với một người đang là Trưởng đoàn ĐBQH của một địa phương khi được luân chuyển về Trung ương công tác, người đó vẫn sinh hoạt ở Đoàn ĐBQH của địa phương nhưng sẽ không còn nhiệm vụ trưởng đoàn nữa.

Chức danh trưởng đoàn sẽ được Đoàn ĐBQH ở địa phương đó bầu lại và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phê chuẩn kết quả bầu.

Trao đổi với PV, ĐBQH Mai Sĩ Diến, Phó trưởng Đoàn ĐBQH Thanh Hóa cho biết: Đoàn ĐBQH có trưởng đoàn hoặc phó trưởng đoàn là ĐBQH hoạt động chuyên trách. Trưởng đoàn do đoàn bầu trong số những ĐBQH của đoàn, thông thường ĐBQH đó là Bí thư Tỉnh ủy; Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy; Phó Bí thư –Chủ tịch UBND tỉnh, trường hợp này thuộc diện trưởng đoàn là đại biểu hoạt động kiêm nhiệm.

Trong trường hợp trong đoàn ĐBQH không có người giữ những chức danh như nêu trên hoặc những chức danh lãnh đạo nêu trên của địa phương được luân chuyển, điều động đi nơi khác nhận công tác, người được luân chuyển về thay thế không phải là ĐBQH thì sẽ giới thiệu một ĐBQH là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy để bầu làm trưởng đoàn.

Trường hợp thứ hai trưởng đoàn là ĐBQH hoạt động chuyên trách, phó trưởng đoàn là ĐBQH kiêm nhiệm, ví dụ như tỉnh Quảng Trị, Trưởng đoàn là ông Hoàng Đức Thắng- ĐBQH hoạt động chuyên trách, còn Phó trưởng đoàn là ông Hà Sĩ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh– ĐBQH hoạt động kiêm nhiệm.

“Trưởng đoàn là ĐBQH hoạt động chuyên trách thì phó trưởng sẽ là ĐBQH hoạt động kiêm nhiệm và ngược lại trưởng đoàn là ĐBQH hoạt động kiêm nhiệm thì phó trưởng đoàn là ĐBQH hoạt động chuyên trách. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ căn cứ vào nguồn nhân cụ thể để phân công”, ĐBQH Mai Sĩ Diến nói và cho biết thêm, trưởng đoàn ĐBQH là người có nhiệm vụ tổ chức và điều hành các hoạt động của đoàn.

Về trường hợp của ông Đặng Quốc Khánh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh, theo quy định của Luật tổ chức Quốc hội, sau khi chuyển công tác lên Hà Giang, ông sẽ chuyển sinh hoạt đến đoàn ĐBQH Hà Giang và không còn làm nhiệm vụ Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh nữa.

Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, có trường hợp ông Nguyễn Hoàng Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, khi đang trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng, ông được luân chuyển về Trung ương và được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, ông vẫn sinh hoạt tại Đoàn ĐBQH Cao Bằng, nhưng thôi làm nhiệm vụ trưởng đoàn.

Ông Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, ĐBQH khóa XIV- người được Bộ Chính trị điều động làm Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng thay ông Nguyễn Hoàng Anh đã chuyển sinh hoạt từ Đoàn ĐBQH Bạc Liêu (nơi ông Môn ứng cử và trúng cử) về Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng và được bầu làm Trưởng Đoàn ĐBQH Cao Bằng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem