Khi nông dân ngồi nghe bán hàng... quốc tế

Chủ nhật, ngày 04/06/2017 15:30 PM (GMT+7)
Làm sao bán hàng cho các siêu thị lớn? Đề tài quá hấp dẫn khiến ông bạn nông dân trồng cacao ở Bến Tre của tôi chịu bỏ buổi sáng theo tôi đi họp* (ổng kêu, hễ họp là phải ngủ ngồi, chán chết). Ổng nghe tụi “dụ”, ông muốn bán hàng cho siêu thị quốc tế, phải nghe để hiểu cách họ “uýnh giá” hàng của mình, mần cho trúng mới bán hàng được. Ừ, thì đi.
Bình luận 0

Nông dân thứ thiệt nghe chủ siêu thị toàn cầu…

Có một ông Tây (Albin Bertrand, giám đốc thu mua thực phẩm chuỗi bán lẻ Auchan) và hai ông Á (ông Nishitoghe Yasuo, tổng giám đốc Aeon Việt Nam và Lee Yong Ho, giám đốc nhãn hàng riêng của siêu thị Lotte) lên nói. Nghe rất chăm chú, về, bạn tôi bắt đầu chất vấn:

img

Hàng Việt bầm giập khi vào các kênh phân phối của nước ngoài ở ngay tại sân nhà, vì nông dân ít hiểu luật chơi.

– Có thấy chỉ dẫn tiêu chuẩn quốc tế gì đâu, toàn mấy cái chữ viết tắt thần bí, Hát xáp, Ai xô hai hai ngàn, Bi a xi, cốt cần đắc… làm sao hiểu?

– Ông nội ơi, đúng là mấy thứ đó. Có đầy trong sách, trên mạng, trên tài liệu. Mấy thứ đó gọi là “tiêu chuẩn quốc tế” Tôi sẽ tặng ông một tờ sớ dài để ông “tụng niệm”.

– Bà có nghe ông giám đốc của Lotte nói gì không? Tiêu chuẩn thì giống nhau, quy trình quản lý chất lượng các nước cũng đều giống nhau. Giống nhau rồi thì cần gì phải làm theo từng nước?

– Giống là để dù phương trời nào, người ta đều biết và kiểm tra được chất lượng sản phẩm nhập khẩu. Đó là “chuẩn mực quốc tế”, tôi nhấn mạnh với anh. Nhưng quy trình hay chuyện chất cấm không cấm, mỗi nước một khác. Chưa kể, anh nghe ông giám đốc của Lotte nói thẳng không: nhiều doanh nghiệp Việt tới đưa ra giấy chứng nhận “Hát xáp” (HACCP) là giả, là bỏ tiền ra mua, chúng tôi không xài.

Ông chủ Nhật của Aeon có nói tới bí quyết bán hàng cho chuỗi siêu thị của ông là phải thoả được cuộc kiểm tra hai yếu tố cơ bản là “cốt cần đắc” (COC) và kiểm toán xưởng máy, thì siêu thị mới bắt đầu ngồi xuống đàm phán việc mua hàng. Nhưng ông nhấn mạnh nhất là các cố gắng làm công tác xã hội chăm lo cho người tiêu dùng. Bạn tôi hỏi:

– Mấy ông này “nịnh” người tiêu dùng dữ há?

– Không, nịnh gì đâu, họ đang thực hành một tiêu chuẩn nữa là: trách nhiệm xã hội. Làm tốt tiêu chuẩn này thì hàng bán chạy hơn.

– Nhưng làm từ thiện thì làm sao thiên hạ biết mà chịu mua cao giá hơn?

– Thì đã nói là hễ thành tiêu chuẩn quốc tế rồi, anh làm gì, cái tiêu chuẩn đó cũng ghi nhận công khai cho thiên hạ đều biết. Anh có nhớ, phát biểu của anh Vương, Việt kiều, ở Mỹ lâu năm, nói bí quyết anh bán hàng Việt giá cao bên Mỹ là: mở nhà máy, lập kho, mở văn phòng giao dịch ngay bên Mỹ. Thì nhiều người hùn, mỗi người một chút rồi thuê người Mỹ đi bán hàng cho người Mỹ. Và muốn bán hàng tốt, sản phẩm phải có câu chuyện hay, và phải nói về thiện chí đóng góp cho cộng đồng của chủ nhãn hàng.

Bạn tôi cười ha hả, gì chứ kể những câu chuyện hấp dẫn thì ai qua bác Ba Phi, Cà Mau? Còn chuyện công tác xã hội thì sửa cầu, dựng nhà trong xóm, cất cầu tiêu cho trường học con nít trong xã, tôi làm hà rầm, cần gì tiêu chuẩn?

Tôi phải tìm cách thuyết phục:

– Thì chuyện nhân nghĩa ở đời đâu cũng vậy thôi. Nhưng cái hay là họ có tiêu chuẩn ghi nhận, khuyến khích và minh bạch cho xã hội biết.

Nỗi khổ đời thường, rất xa chuẩn mực quốc tế

Bạn tôi trầm ngâm. Cái tui cần chị giúp là nói tui nghe làm sao cho hàng đừng bị cấm bán. Thuốc sâu thứ nào cấm xài, kịch độc? Mấy ông Việt Nam vi phạm, thường dính cái gì, làm sao tránh?

Chuyện nhân nghĩa ở đời ở đâu cũng vậy, cái hay là họ có tiêu chuẩn ghi nhận, khuyến khích và minh bạch cho xã hội biết.

Vâng, tại cuộc họp, có anh chủ trang trại thanh long ở Bình Thuận kinh doanh mặt hàng này gần 20 năm mà nay than muốn bỏ nghề. Vì hàng thật bị trộn hàng giả, hàng bẩn khiến anh trở tay không kịp, mất mối luôn. Anh yêu cầu bộ Công thương hãy làm như cục Quản lý thực phẩm – dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) là làm cái trang web, đưa công khai “danh sách đen” những ông vi phạm lên cho ai nấy đều biết. Anh bán thanh long này uất ức vì kẻ xấu cứ giấu măt, gây hại vô biên, còn người làm ăn tử tế, bị hại lây không ai cứu. Quả thật, cái danh sách đen nằm phơi mình trên mạng của FDA nói lên bao điều mà tới giờ, phải chăng doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cũng chưa theo dõi thường xuyên, các nhà chức trách thì lại càng lơ là.

Sáng chủ nhật tôi có mấy đứa cháu làm ruộng ở Gò Công Tây ghé thăm. Một đứa kể năm nay nhà trồng lúa thơm Nàng Hoa 9, bán được 5.800 đồng/ký cho công ty lương thực Tiền Giang xuất qua Mỹ, nhưng rồi cuối cùng, gạo qua tới Mỹ bị trả về, công ty trả sụt giá thấy thương. Vì sao họ không mua, tôi hỏi. Không biết. Ngay cả công ty lương thực chắc cũng không biết. Công ty nói, mùa tới phải làm lại hết, phải có kỷ luật, làm đúng theo mô hình, có ghi chép mỗi ngày, phun xịt thuốc phải đúng loại, đúng công thức. Anh nông dân trẻ giọng vẫn còn nuối tiếc, thuốc họ cho toa, gọi là thuốc sinh học, nhẹ hều, xịt sâu nó nhìn mình nó cười, đâu có bằng mấy cái ống xirô của Trung Quốc, xịt cái sâu nó lăn quay chết tốt. Mà làm theo cách của họ, năng suất cũng thấp. Tôi cãi, năng suất thấp nhưng giá bán cao và không bị dìm giá tới chết. Cháu tôi làm thinh, có vẻ… còn nghi hoặc.

Câu chuyện của tôi bỏ lửng ở đó. Nó chưa tin mà chắc không tiện hỏi, còn tôi thì…không dám nói tiếp. Vì tôi biết mình chỉ nói đúng nguyên lý, chứ nói tiếp, mấy đứa cháu hỏi, vậy tìm danh mục thuốc không cấm, công thức sử dụng, hiểu quy trình canh tác…thì thím biểu tụi cháu đi hỏi ai? Biết hỏi ai, đó mới chính là nỗi khổ thực sự của người nông dân. Họ đang lúng túng không biết làm gì, xoay trở ra sao giữa thời buổi bẩn sạch, thực giả lẫn lộn lung tung. Nói họ lên đọc thông tin trên mạng (hầu hết là tiếng Anh) đầy dẫy, thì họ mắng cho chết.

Đối thủ cạnh tranh ở các nước, các nhà nhập khẩu và kiểm định hàng nhập đã đi đến một chặng rất xa rồi, đã không mấy khi nhắc tới các tiêu chuẩn, quy trình quản lý chất lượng cơ bản nữa (vì phải hiểu và làm đúng là chuyện hiển nhiên), họ đã đến cái đoạn truy xuất được nguồn gốc, kiểm tra rủi ro trên toàn hệ thống, quy trình, đã quan tâm xem xét những đóng góp cho xã hội mà nông dân của mình ngay những ngày này, xuất khẩu bị trả hàng thì muốn mếu mà cũng vẫn không biết vì sao, không biết làm sao. Tức là họ vẫn đang đứng ở tuốt đầu chặng bắt đầu bên này, vô cùng xa xôi với những chặng cuối con đường cạnh tranh hội nhập.

Bảo sao nông sản, thực phẩm Việt Nam kém sức cạnh tranh. Các cơ quan quản lý ở đâu? Mà chỉ thấy người nông dân đang tự loay hoay trên cánh đồng?

*Buổi họp triển khai đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài” do Vụ châu Âu, bộ Công thương tổ chức tại TP.HCM, ngày 26.5.2017.

Kim Hạnh (Thế Giới Tiếp Thị)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem