Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Liên tiếp các vụ cháy chung cư xảy ra gần đây, điển hình như vụ cháy chung cư Carina Plaza không chỉ cướp đi sinh mạng của nhiều người, mà còn gây hoang mang cho nhiều hộ dân đang sống trong các tòa chung cư. Thực tế, những vụ hỏa hoạn và cháy nổ xảy ra bên cạnh nguyên nhân từ phía chủ đầu tư thiếu trách nhiệm trong việc trang bị hệ thống PCCC… thì chính sự lơ là, bất cẩn, thiếu kiến thức PCCC của người dân cũng khiến thiệt hại do hỏa hoạn thảm khốc hơn. Nhằm tìm ra các giải pháp trong phòng ngừa, ngăn chặn, giảm thiểu các vụ cháy nổ trong khu dân cư, đặc biệt là các khu chung cư cao tầng, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm hay, cách làm tốt trong công tác PCCC và cứu hộ, cứu nạn, kỹ năng thoát nạn cho cư dân… Ban biên tập báo điện tử Dân Việt (danviet.vn) tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Cháy chung cư cao tầng: Làm gì để sống sót?” Khách mời tham gia chương trình gồm: PGS. TS Ngô Văn Xiêm, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học PCCC; Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC số 2, Cảnh sát PCCC TP Hà Nội; cùng một số chuyên gia trong lĩnh vực PCCC… Ban Biên tập Báo điện tử Dân Việt (danviet.vn) kính mời quý độc giả theo dõi chương trình và đặt câu hỏi ngay từ thời điểm này cho các vị khách mời bằng cách bình luận phía dưới hoặc gửi về địa chỉ: baodanviet@gmail.com |
Mở đầu buổi giao lưu là câu hỏi độc giả từ hộp thư hoanghuutuyen@gmail.com gửi tới đại tá Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC số 2, Cảnh sát PCCC TP Hà Nội. Thưa ông, đa số người dân đang sống tại chung cư, nhà cao tầng khi thấy đám cháy đều bị hoảng loạn, không tìm được lối thoát. Điều đầu tiên cần làm là gì để bảo đảm an toàn cho mình?
Đại tá Nguyễn Trường Sơn: Khoảng hơn 10 năm nay mới có khái niệm chung cư. Với kinh nghiệm 30 năm làm công tác PCCC, tôi khuyên bạn khi xảy ra cháy phải xác định đám cháy ở khu vực nào. Nếu đám cháy không lan tới khu vực bạn sinh sống thì nên chuẩn bị chăn, khăn mặt ướt, dán băng dính chống cháy để chống khói độc lan vào. Như vậy đã là một cách bảo đảm an toàn cho ngôi nhà, bản thân và gia đình mình. Một người có thể thở từ 6 - 8 lít không khí mỗi phút.
Vậy nên, không nhất thiết phải sử dụng thang dây bởi nhiều trường hợp cư dân sợ độ cao, khó có thể di chuyển xuống dưới qua con đường này. Còn trong trường hợp phải thoát ra ngoài khi đám cháy lan tới, hãy chuẩn bị kĩ khăn mặt, chăn ướt để bảo đảm an toàn. Nếu không hít phải khói độc sẽ tử vong, hoặc không nếu sống cũng bị nhiều tật.
Vậy còn quan điểm PGS. TS Ngô Văn Xiêm?
PGS. TS Ngô Văn Xiêm: Với kinh nghiệm của tôi thì yếu tố nguy hiểm theo nghiên cứu là khói, khí độc thoát ra từ đám cháy. Thành phần của khói khí độc là nhiều độc tố khi người hít vào thì bị dẫn đến choáng, ảnh hưởng quá trình hô hấp của con người, tuần hoàn máu trong não, tê liệt, không vận động, thoát ra ngoài được.
Điều đầu tiên đảm bảo an toàn trong điều kiện có đám cháy là tránh được tác động của khói đến con người. Ở Anh, họ có tiêu chuẩn quy định khi cháy thoát ra. Sau này họ đưa ra tiêu chuẩn khi kết cấu xây dựng tòa nhà đảm bảo yêu cầu an toàn hơn, khuyến cáo khi cháy thì người ở lại trong phòng nhưng có biện pháp đảm bảo an toàn. Lúc này con người bình tĩnh xử lý và chờ lực lượng chức năng tới hỗ trợ. Đây là cách làm tốt nhất.
Đã có quy định, tiêu chuẩn chống cháy cho các cửa thuộc hệ thống chung cư chưa, thưa ông?
Đại tá Nguyễn Trường Sơn: Cửa chống cháy có gioăng ngăn khói, chịu nhiệt độ cao khoảng 2h. Còn phổ thông thì mình có băng dính chống cháy dán vào để bảo đảm thêm. Đây là biện pháp sử dụng ở các chung cư xã hội, nhà ở tái định cư. Còn nhà nào có điều kiện nên thay cửa chống cháy. Còn gia đình nào có điều kiện thì nên sơn sơn chống cháy nên cửa gỗ, có thể tăng thời gian chịu nhiệt từ 30 lên 45 phút.
Một phần nữa là khói có thể lan lên từ quạt thông gió ở các phòng vệ sinh, qua hệ thống ống kỹ thuật. Nên dùng chăn ướt để chèn vào làm cho khói không lan ra được.
Ngoài ra, để chống cháy thì cửa chống cháy, khung cửa đều phải vật liệu chịu nhiệt. Có thể chịu được tới 2 giờ đồng hồ, trong thời gian đó cư dân có thể di tản sang các phòng khác, khu vực khác, gõ cửa nhà hàng xóm, lên cao hơn để tìm đường thoát thân.
Ở TP.HCM, tòa nhà Carina vừa rồi nếu cư dân được tập huấn PCCC đầy đủ tôi tin là sẽ không xảy ra thảm họa đau lòng như vậy. Nhiều trường hợp chúng tôi đi hướng dẫn kiến thức PCCC cho người dân, số lượng người dân tham gia tập huấn cũng chỉ đông bằng số cán bộ của chúng tôi.
Nhiều chỗ chỉ có người già, trẻ em dù có tới 450 hộ dân. Có chung cư chúng tôi kêu gọi tới 250 hộ dân nhưng rút cuộc thì có gần 20 hộ tham gia, cũng toàn chỉ thấy người già và trẻ em. Trong khi đó đối tượng cần tập huấn và nắm bắt kiến thức PCCC nhất là người trưởng thành thì không có mặt vì "bận đi làm" hoặc cả trăm lý do khác...
Nhiều người đáng lẽ phải chịu trách nhiệm PCCC như chủ hộ, chủ DN lại không tham gia. Việc PCCC phải có sự chuẩn bị, lo cho tính mạng mình chứ không ai lo được. Phải đấu tranh với BQL tòa nhà để họ bảo đảm công tác PCCC.
Nếu chúng ta lờ đi thì làm sao có chuyện họ lo cho chúng ta được.Mua một chiếc mặt nạ chống cháy chỉ có 300.000 đồng dùng một lần nhưng dùng trong 10 - 15 phút là đã có thể giúp chúng ta thoát khỏi đám cháy.Theo khuyến cáo của nhà sản xuất là mặt nạ chống cháy có thể chịu được tới 30 phút, nhưng chỉ cần 5 - 7 phút là đủ để thoát rồi.
Độc giả Hoàng Văn Mạnh hỏi, thưa PGS.TS Ngô Văn Xiêm, trong trường PCCC lâu nay có đào tạo các chiến sĩ PCCC kỹ năng, tập huấn kỹ năng sinh tồn cho người dân hay không?
PGS.TS Ngô Văn Xiêm: Trước hết hiện nay ngoài đào tạo nghiệp vụ về PCCC thì còn đào tạo thêm về nghiệp vụ cứu nạn cứu hộ, xảy ra trong các tình huống tai nạn khác nhau. Ngoài kiến thức cơ bản, chúng tôi huấn luyện, có bộ phận, rèn kỹ năng sống thoát nạn an toàn trong điều kiện xảy ra tai nạn cháy nổ, sập công trình,… chúng tôi đã và đang tiến hành triển khai chương tình bồi dưỡng kiến thức này cho người dân, học sinh…
Thưa ông, các vụ hỏa hoạn ở chung cư cao tầng, hiện nay cảnh sát PCCC Hà Nội có xe thang lên được tầng bao nhiêu là cao nhất? Ví dụ cháy ở khu Trung Hòa - Nhân Chính thì chúng ta lên được tầng bao nhiêu? Phương án chữa cháy bằng trực thăng có hiệu quả không? (Hoang@gmail.com)
Đại tá Nguyễn Trường Sơn: Xe thang hiện nay của chúng ta lên được cao nhất là 52 mét, xe thang lên được tầng 16 là cao nhất. Cao hơn thì không thể tiếp cận được. Ở nước ngoài nhiều tòa nhà xây cao tới hàng trăm mét, không một loại xe thang nào có thể phát triển theo kịp được. Nếu bạn sống ở chung cư cao tầng, thì phải tham gia học, tập huấn PCCC để có kĩ năng sinh tồn, thoát nạn cho mình. Xe thang đó cũng không dùng chuyên để cứu người, mà còn dùng cho nhiều công tác khác. Còn trong TP.HCM xe thang vươn cao nhất được 72 mét, nhưng chuyển xe từ trong TP.HCM ra thì đã muộn rồi.
Quan trọng vẫn là ý thức con người, một hành động của một người có thể gây ảnh hưởng tới toàn tòa nhà. Quan trọng là phải bảo nhau đảm bảo quy định an toàn chung. Trực thăng chỉ phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn, chữa cháy rừng. Trường hợp có người chạy lên tầng thượng, nóc tum thì có thể thả thang dây để cứu hộ, nhưng là việc trong tương lai.
Việc đầu tư, bảo dưỡng cho trực thăng cứu hộ rất lớn, để bảo đảm không hề đơn giản. Nên phải tận dụng lực lượng sẵn có như quân đội hay một số lực lượng địa phương.Còn nếu mua được trực thăng chuyên dụng để cứu hộ, chữa cháy thì rất tốt nhưng đó là chuyện của nhiều năm sau. Chúng tôi cũng rất mong muốn nhà nước đầu tư nhiều hơn nữa cho lực lượng PCCC.
Hiện nay nhiều hộ chung cư sử dụng các bếp ga nấu ăn, bình ga rất nguy hiểm, đặc biệt khu chung cư. Có khu dùng ga tập trung có đảm bảo an toàn cho khu chung cư, liệu có thành bom nổ chậm?
PGS.TS Ngô Văn Xiêm: Theo tôi khí ga được sử dụng rất rộng rãi trong công nghiệp và đời sống. Các hộ gia đình có chai chứa 10, 12 lít…Thực ra sử dụng khí ga rất nguy hiểm về cháy nổ nếu không biết quản lý đúng, an toàn.Kể cả ở chung cư sử dụng hệ thống chung, tôi thấy ở nước ngoài người ta cũng dùng hệ thống ga chung, nhưng quan trọng nhất là biết cách sử dụng an toàn. Tôi thấy nhiều hộ gia đình sử dụng thường xuyên nhưng không xảy ra vấn đề.
Thứ nhất một số vụ nổ khí ga: là nổ do khí ga thoát ra khỏi chai chứa, trộn lẫn oxi và không khí tạo hỗn hợp nổ, cái này chỉ cần 1 tia lửa nhỏ phát ra cũng có thể kích nổ, có những trường hợp nổ kéo theo cháy. Vụ xảy ra ở phường Bách Khoa cách đây mấy năm, 2 cháu chết cũng do gia đình sử dụng bếp ga không an toàn, trước khi đi ngủ không khóa chặt van lại, do các nguyên nhân khác nhau, khí ga thoát ra từ bình chứa, nổ một phòng có khối tích 60 mét khối hỗn hợp khí ga. Tia lửa phát ra từ công tắc bóng đèn chiếu sáng, nổ, sập luôn cả nhà 3 tầng.
Cho nên cái quan trọng là sử dụng như thế nào. Làm thế nào không để khí ga thoát ra. Phải quản lý chặt chẽ chấy cháy, quản lý chặt nguồn điệ; thứ 3 là hành vi của con người. Quản lý chặt 3 yếu tố này thì sẽ an toàn.
Thưa các chuyên gia, trong chung cư nếu không may gặp cháy, gặp khói những vật dụng gia đình nào sẽ giúp ta an toàn thoát ra khỏi đám cháy, ngoài các vật dụng như băng dính chống cháy, khăn mặt, chăn ướt? Nhiều người lên mạng bày cách dựng đệm gia đình nghiêng góc 45 độ, đặt ngoài ban công để bảo đảm an toàn?
Đại tá Nguyễn Trường Sơn: Tôi cũng cảm thấy việc này vô lý. Đặt ra tình huống khó xử, khiến người khác khó hiểu, khó làm theo. Khói di chuyển từ dưới lên trên, ở đây chúng ta lại mở cửa ban công để khói có điều kiện lan vào. Tôi thấy điều này vô lý cả về kỹ thuật và thực tế. Nếu cháy mà lại bê nguyên cả đệm ra ban công để trú ẩn chống cháy thì cũng khó hiểu.
PGS,TS Ngô Văn Xiêm: Việc xả nước trong bồn tắm thực ra là 1 giải pháp tức thời, trong vòng 5, 10 phút. Sau thời gian này đám cháy lớn thì nhiều yếu tố nguy hiểm. Tiêu biểu là vụ cháy quán karaoke ở 68 Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội).Giải pháp ngắn khi xảy ra cháy là: Khăn ướt nhúng nước che miệng tránh hít khói, chỉ vài phút thôi, không thể kéo dài được.Vụ cháy karaoke ở Nguyễn Khang, cư dân mạng thấy 1 chị trong quán thoát ra an toàn nhưng trên mặt là áo con nhúng nước bịt để che tránh hít khói.
Đấy là một kỹ năng sống khi gặp tình huống nguy hiểm. Xử lý trong thời gian ngắn dưới tác động không ghê gớm lắm của các mối nguy hiểm. Muốn thoát ra khỏi đám cháy, trước mặt là vùng cháy thì có thể dùng áo trùm kín nước chùm qua người và chạy qua vùng cháy với thời gian 1, 2, 3 phút vẫn an toan.Chăn chiên, phải nhúng nước, có cái thu nhiệt, bảo vệ chúng ta. Khi có nước chặn khói độc, chúng ta hạn chế tiếp xúc với khói hơn. Đây là những biện pháp tức thời.
Đại tá Nguyễn Trường Sơn: Tâm lý chung của mọi người là nghĩ nhà tắm có nước, nước lại dập được cháy nhưng nó chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn thôi. Năm 2014, có một vụ cháy ở trong ngõ sâu, cháy ở tầng 1, nạn nhân chạy lên vệ sinh trên tầng 3 trú ẩn. Nhưng vào đó phải đóng kín cửa, dùng mọi biện pháp để khói độc không tràn vào được. Nếu không chỉ nửa phút thôi là nạn nhân đã nhiễm độc, bất tỉnh rồi. Quan trọng là phải học, tự trang bị cho mình kỹ năng PCCC, như vậy mới có thể thoát nạn khi cần.
Theo các chuyên gia, một số sai lầm phổ biến trong công tác PCCC ở các khu chung cư là gì?
Đại tá Nguyễn Trường Sơn: Trước hết là do không bảo dưỡng hệ thống PCCC ở các chung cư, đây là lỗi ở BQL tòa nhà. Thứ hai, do bảo vệ chèn cửa chữa cháy. Thứ ba, không ai giám sát, quản lý ai trong vấn đề này. Nhiều nơi còn làm hỏng chuông báo cháy, tháo ắc quy để nó đỡ kêu, điếc tai. Tiền cho quỹ bảo trì đôi khi các khu dân cư không có, hoặc chủ đầu tư nợ rồi bỏ đi nên không có quỹ bảo trì.
Nhiều nơi ụ chữa cháy hoen rỉ, vòi nước hư hỏng, không bảo đảm tiêu chuẩn. Nhưng nhiều nơi xuống, chúng tôi phạt theo tiêu chuẩn chỉ có 800.000 đồng. Còn lỗi cao nhất là không nghiệm thu công trình vẫn đi vào hoạt động thì cao nhất là 80 triệu đồng.
Vừa rồi, kiểm tra toàn thành phố còn 17 chung cư chưa bảo đảm tiêu chuẩn PCCC. Nhưng giờ nếu bảo đình chỉ làm sao khi hàng trăm hộ dân đã vào đó ở. Còn nếu phạt đình chỉ, cắt điện cắt nước điển hình 1, 2 trường hợp thì Luật sẽ mất đi tính nghiêm minh.
Thêm vào đó, điện và nước lại do một cơ quan khác quản lý. Nhưng quan trọng nhất là ý thức người dân. Phải đi học nâng cao kiến thức, có khóa học nên đi. Có một thực tế là sau này khi xảy ra cháy, chúng ta phải tận dụng cơ hội. Ví dụ sau vụ cháy ở Xa La (Hà Đông), mời người dân đi học PCCC rất đông người theo học, 170 - 180 người theo học.
Nhiều khi, cán bộ của chúng tôi phải dành thời gian buổi tối, tới các khu dân cư để phổ biến kiến thức PCCC cho người dân. Ngoài ra, chúng tôi còn phải treo cả băng rôn to ngay trước trụ sở PCCC: Chữa cháy không mất tiền, để người dân yên tâm khi có cháy sẽ gọi ngay số 114. Nhiều người dân tưởng chữa cháy mất tiền, nên khi có cháy họ chữa, không chữa được mới gọi cảnh sát PCCC. Thậm chí hàng xóm cũng ngại gọi cảnh sát PCCC vì ngại bị nói.
Đa phần nguyên nhân cháy là do các thiết bị điện không đủ tiêu chuẩn, ngoài nguyên nhân này còn nguyên nhân nào, có lời khuyên sử dụng các thiết bị điện?
PGS.TS Ngô Văn Xiêm: Nguyên nhân gây cháy trước hết qua thống kê chiếm hơn 50% là do sự cố các thiết bị điện. Hệ thống lúc đầu an toàn nhưng lúc sử dụng lại vi phạm các quy định dẫn đến không an toàn, đây là chiếm đa số các vụ cháy.Hệ thống điện trước hết để đảm bảo an toàn chúng ta phải thiết kế mang điện an toàn.Ở trường PCCC có một môn học là an toàn PCCC các thiết bị điện. Chúng tôi dạy rất kỹ nguyên nhân từ đâu, lựa chọn thiết bị như thế nào, các vùng khác nhau lựa chọn thiết bị bảo vệ như thế nào.
Thực ra khi thiết kế, thi công công trình xây dựng nói chung, hệ thống này được cơ quan nhà nước thẩm duyệt.Thực tế quá trình sử dụng hay xảy ra lỗi này: tự đấu nối thêm vào các mạng điện, dẫn đến công suất tiêu thụ quá tải, quá tải thì lâu dài dẫn đến hệ thống điện không an toàn, dẫn đến sự cố.Thường là do lỗi của người dùng, tùy tiện, thiếu hiểu biết khi sử dụng các thiết bị điện.
Hệ thống kỹ thuật đòi hỏi phải chuẩn theo quy chuẩn, chúng ta không chấp hành đúng thì dẫn đến sai phạm, sinh ra quá tải, là nguyên nhân phát sinh ra nguòn nhiệt. Nhiệt này là một trong những yếu tố dẫn đến cháy nổ. Do vậy khuyến cáo người dân, đối với từng gia đình, có những gia đình tôi biết hệ thống điện 10 năm nay vẫn thế, nhưng đồ điện thì tăng lên nhiều, công suất tiêu thụ tăng lên nhiều.Những điều kiện này thì chắc chắn dẫn đến lỗi.
Làm cách nào để bảo đảm an toàn ở bãi gửi xe, không để lặp lại thảm họa Carina, thưa các chuyên gia?
Đại tá Nguyễn Trường Sơn: Có nhiều nguyên nhân gây cháy, trong đó có xe máy. Từ xe đạp điện tới xe máy thông thường đều sử dụng ắc quy cả.Nếu xe cũ nát quá, không nên đưa vào trông trong đó, không nên nhận trông. Trong trường hợp xảy ra cháy, ở trong chung cư có hệ thống báo và chữa cháy tự động. Khi xảy ra cháy, hệ thống báo sẽ thông báo để hệ thống chữa cháy tự động vận hành.Nhưng đã là hệ thống tiêu chuẩn thì phải bảo dưỡng, kiểm tra thường xuyên mới bao đảm hoạt động. Nếu không dễ dẫn tới báo cháy giả, chán quá lại tắt chuông báo cháy. Còn không phải thành lập đội PCCC tại chỗ, được tập huấn kĩ năng đầy đủ.
Ví dụ khu vực này xảy ra cháy dễ cháy lan thì phải trang bị nhiều mặt nạ phòng độc. Khi xảy ra cháy, phải kiểm tra, đóng ngay cửa tầng hầm, không để khói lan. Vì khói lan lên tầng trên rất lâu, còn phần lớn khói chỉ thoát ra ở đường ra vào.
Nhưng ở chung cư phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định, bởi một người có thể gây ảnh hưởng tới nhiều người, trang bị cho mình kĩ năng chống cháy.Tới gần 100% các vụ tử vong trong cháy là do hít phải khí độc, trừ tự tử bằng xăng. Phải bảo vệ hệ hô hấp của mình, phải trang bị thiết bị trước, chuẩn bị trước. Tôi khuyên bạn đọc là dù ở chung cư hay nhà ống là quan tâm việc vận hành, sử dụng thiết bị điện. Một điểm yếu của người dân là không quan tâm cách sử dụng, bảo dưỡng thiết bị trước khi dùng.
Trả lời câu hỏi của độc giả muốn biết về kinh nghiệm tự PCCC tại hộ gia đình, nhất là đối với miếng dán tự dập cháy được sử dụng cho các thiết bị điện, đại diện Công ty Pydrovia Việt Nam, anh Đỗ Thành Văn đã chia sẻ:
Anh Đỗ Thành Văn: Hiện nay miếng dán dập lửa là một thiết bị mới. Nguyên nhân phần cháy, thống kê của cục phòng cháy cho thấy 70% nguồn cháy phát sinh do yếu tố về điện. Tại công ty có một sản phẩm hoạt động trên nguyên lý cơ chế rất độc đáo. Hạt có khả năng dập cháy, áp dụng cho diện tích hẹp.
Công nghệ ACT là công nghệ dập cháy tự động sử dụng kỹ thuật microencapsulation nén khí dập cháy vào những viên nang siêu nhỏ. Khi được kích hoạt bởi nhiệt độ cao, những viên nang sẽ phóng ra các khí dập cháy, các khí này vừa hút nhiệt từ vật cháy, vừa đẩy khí oxy ra khỏi vùng cháy, giúp dập cháy triệt để ngay những giây đầu tiên xảy ra cháy. Khi có lửa phát ra, những hạt này bung ra, hút năng lượng từ nguồn nhiệt, triệt tiêu đi nguồn lửa.
Cách sử dụng dán vào ổ điện, khu vực tủ điện (công trình lớn, thể tích khối lên đến 1000 khối).Mỗi một miếng nhỏ (kích thuước 15x15) đảm nhiệm 15 đề xi mét khối, 0,15. Giá 1 miếng là 200 nghìn,Một dây dùng cho tủ điện, buộc vào đó, khi cháy xả khí, triệt tiêu nguồn lửa. cái này được dùng ở Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc và các nước tiên tiến.Bảo hành trong vòng 5 năm.
Sau gần 90 phút giao lưu với độc giả, đã có gần 30 câu hỏi được gửi tới các chuyên gia và đã được giải đáp thấu đáo. Ban Biên Tập xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm đặt câu hỏi của độc giả và những chia sẻ, giải đáp của các chuyên gia. |
Vui lòng nhập nội dung bình luận.