Khi thầy giáo vào vai “mẹ hiền”

Khải Huyền Thứ ba, ngày 19/11/2019 07:03 AM (GMT+7)
“Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo. Khi đến trường, cô giáo như mẹ hiền”. Thế nhưng, cũng có lúc, “mẹ hiền” là không phải là cô giáo mà là thầy giáo - những người đàn ông vốn được cho là không quen với việc chăm sóc, dạy dỗ trẻ con.
Bình luận 0

Giải thưởng Võ Trường Toản do Sở GDĐT TP.HCM bình chọn năm nay có một người thầy rất đặc biệt: Thầy giáo mầm non Nguyễn Phương Bình (Trường Mầm non 1, quận 5, TP.HCM).

Không riêng thầy Bình, ngành giáo dục TP.HCM còn nhiều thầy giáo gắn bó với bậc mầm non, hằng ngày bên cạnh việc dạy chữ ,dạy nghĩa, các thầy còn chăm lo từ bữa cơm, giấc ngủ đến việc vệ sinh cá nhân cho trẻ.

Thầy giáo Nguyễn Phương Bình đến nay đã gắn bó với ngành giáo dục mầm non gần 15 năm. Tình yêu nghề trong anh bộc lộ khi anh còn ngồi trên ghế trường phổ thông, bắt đầu bằng việc anh rất thích trẻ con, thường xuyên vui đùa, trò chuyện.

Bạn bè cùng trang lứa thường chọc ghẹo chàng trai trẻ vì ngoài giờ học, lúc nào cũng có “một đám con nít” vây quanh. Sau khi tốt nghiệp THPT, thầy Bình được gia đình hướng theo ngành Sư phạm. Nhưng có lẽ, cha mẹ anh không thể ngờ được rằng, con trai chọn Sư phạm mầm non - một bậc học thường phù hợp cho các cô giáo hơn là thầy giáo.

Sau khi tốt nghiệp trung cấp sư phạm mầm non, lần đầu tiên anh được nhận lớp, lại là lớp nhà trẻ 24 - 36 tháng tuổi, cái tuổi mà các em đến việc vệ sinh cá nhân cũng chưa thể tự lập.

“Chỉ một tuần đứng lớp thôi mà mình muốn bỏ việc, nhưng về suy nghĩ lại thì lại thấy muốn tiếp tục, vì tụi trẻ con rất đáng yêu”, thầy Bình chia sẻ.

img

Thầy Bình trong một tiết học ở Trường Mầm non 1.

Với bậc mầm non, ngoài việc tỉ mỉ, chăm sóc các con thì việc dạy dỗ, chuyển tải các bài học cũng phải được thể hiện một cách sáng tạo, linh hoạt. Thầy Bình luôn được đánh giá là người có sáng tạo trong việc chọn đồ chơi, học cụ minh họa cho trẻ. Nhờ đó, những giờ học trở nên hào hứng và trẻ cũng dễ tiếp thu hơn.

Cô Huỳnh Thị Tường Anh - Phó hiệu trưởng Trường Mầm non 1 (quận 5, TP.HCM) - nhận xét, thầy Bình là thầy giáo rất đặc biệt của trường. Thầy yêu trẻ, yêu nghề và rất sáng tạo trong các hoạt động giáo dục mầm non.

14 năm gắn bó với giáo dục mầm non, thầy Bình nhiều lần khiến chính các đồng nghiệp nữ cũng ngỡ ngàng vì khả năng “dụ dỗ” học trò và biến các giờ học trở nên sinh động.

Nhờ đó, thầy Bình từng đạt nhiều giải thưởng như giải Ba cấp thành phố trong hội thi triển lãm đồ dùng đồ chơi sáng tạo khối mầm non; giải Nhất giáo viên giỏi cấp thành phố…

Còn theo bà Lương Thị Hồng Điệp - Trưởng phòng Giáo dục mầm non Sở GDĐT TP.HCM, hiện ngành giáo dục TP.HCM có khoảng 5 thầy giáo mầm non. Riêng thầy Bình, năm nay được bình chọn trao giải Võ Trường Toản là một trường hợp đặc biệt và rất xứng đáng.

Hay như câu chuyện chọn nghề nghiệp của thầy giáo trẻ Thái Hồng Duy (Trường Mầm non 19/5, quận 1, TP.HCM) cũng khiến bạn bè đồng trang lứa ngỡ ngàng. Lúc học THPT, thầy Duy có thế mạnh thiên về các môn khối B, thế nhưng, đến khi làm hồ sơ thi đại học, thầy Duy chọn ngành sư phạm mầm non khiến thầy cô và bạn bè đều ngạc nhiên.

img

Thầy giáo mầm non Thái Hồng Duy dạy trẻ phân biệt dấu hiệu nhà vệ sinh nam - nữ. 

Đến khi vào học đại học, lớp học thì đông nhưng số nam sinh chỉ đếm không đủ trên đầu ngón tay. Điều này đã có lúc khiến thầy giáo tương lai nghi ngờ về chọn lựa của mình. Cũng có lúc nam sinh viên muốn bỏ cuộc.

Thế nhưng, “đã chọn lựa bằng cả tình yêu và lý trí thì phải làm được, phải theo đuổi đến cùng”. Những lúc mềm lòng, muốn bỏ cuộc, thầy giáo trẻ lại tự an ủi mình như vậy. Cùng với tình yêu trẻ, việc mỗi ngày còn được đến lớp, được học tập, vui đùa với con trẻ khiến thầy càng có thêm động lực để phấn đấu.

Thầy giáo Thái Hồng Duy kể, lần đầu nhận lớp cũng là lớp trẻ 24 – 36 tháng tuổi. Bước vào lớp thấy các cháu quấy khóc nhiều, trong lòng tự dưng trào lên nỗi lo lắng khôn tả. Thế nhưng, sau khi trấn an bản thân, thầy giáo bắt đầu bế trẻ rồi dỗ các bé. Lần lượt, cả lớp im lặng, giữ trật tự và bắt đầu vào giờ học nghiêm túc, thầy Duy cũng mất hẳn cảm giác lo lắng lúc đầu.

“Ban đầu, khó nhất là việc chăm sóc các bé gái, một số động tác như tết tóc cho bé là mình không biết, phải học các cô giáo khác. Dần dà mình cũng làm được hết”, thầy Duy chia sẻ.

Hiện tại, mỗi ngày của thầy Thái Hồng Duy cũng giống như các cô giáo mầm non khác: Đến trường đón trẻ lúc 6h30, cho bé ăn sáng, tập thể dục và bắt đầu các tiết học trong ngày. Rồi cho con ăn trưa, ngủ trưa, ăn xế…

Chị Nguyễn Thị Minh - một phụ huynh có con gái theo học lớp của thầy Duy tâm sự, lúc đầu gởi con thấy “mẹ hiền” không phải là cô giáo mà là một thầy giáo, lại còn rất trẻ, chị cũng có cảm giác nghi ngờ. Thế nhưng, thấy con gái không có phản ứng tiêu cực, lại vui vẻ mỗi ngày đi học, đồng thời, qua quan sát, thấy thầy Duy rất mực yêu trẻ, tỉ mỉ, tận tình với các con nên chị đã yên tâm hẳn.

Cô Hồ Thu Thảo - Hiệu trưởng Trường Mầm non 19/5 cho biết, thầy Duy là thầy giáo duy nhất của trường. Là đàn ông nhưng thầy Duy hát rất hay, sẵn sàng làm MC, múa minh họa hay vào các vai như cảnh sát giao thông, ông già Noel… vừa khiến các con yêu thích vừa đỡ cho các cô giáo rất nhiều.

“Thầy Duy dù còn trẻ nhưng rất năng nổ, tỉ mỉ, tận tụy trong công việc. Thầy cũng được các con và phụ huynh quý mến”, cô Thảo nhận xét.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem