Khi xiếc hổ, sư tử dần thay bằng trâu, lợn

Thứ bảy, ngày 30/06/2018 07:10 AM (GMT+7)
Liên đoàn Xiếc Việt Nam đang chuyển đổi dần sang xu hướng thay thế xiếc động vật hoang dã bằng các loài vật gần gũi với đời sống con người. Việc chuyển đổi này đã được tính toán cách đây vài năm nhưng theo lãnh đạo Liên đoàn Xiếc thì “đây là một câu chuyện dài”.
Bình luận 0
Vừa qua, Liên minh châu Á vì động vật (Asia For Animals Coalition - AFA) đã có thư ngỏ gửi đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kêu gọi không dùng động vật hoang dã trong biểu diễn xiếc. Trong thư, tổ chức này viện dẫn báo cáo của Tổ chức Động vật châu Á công bố gần đây cho biết, hiện có 19 loài động vật khác nhau đang được sử dụng để biểu diễn tại các rạp xiếc, trong đó có cả những loài được xếp vào mức độ nguy cấp.
 
Theo đó, nhiều con vật sống trong điều kiện vô cùng nghèo nàn, nơi ở tồi tàn, chế độ huấn luyện mang tính ngược đãi động vật, bị khống chế bằng sự sợ hãi và đe dọa để ép buộc chúng phải thực hiện các hành vi phi tự nhiên trong trạng thái căng thẳng tột độ.
 
Bảo vệ quyền động vật
Vào đầu năm 2018, Hiệp hội Bảo vệ Động vật châu Á cũng đã đến tham quan Liên đoàn xiếc Việt Nam và họ đánh giá rất cao việc chăm sóc, tạo điều kiện sống tốt nhất cho các con thú ở Liên đoàn. Đối với các con thú được nuôi dưỡng, tập luyện và biểu diễn tại Liên đoàn xiếc Việt Nam, mùa hè có quạt mát, mùa đông có sưởi ấm.
 
NSƯT Tống Toàn Thắng, người được biết đến với biệt danh “chàng Thạch Sanh” với hơn 20 năm biểu diễn xiếc trăn cho biết thêm: “Chúng tôi có đội ngũ gồm 20 người làm công tác chăm sóc các con thú như: bác sĩ, đầu bếp, người tắm rửa vệ sinh... Ngoài ra, khi tập luyện, chúng tôi không dùng hình thức roi vọt, đánh đập các con thú. Hiệp hội Bảo vệ Động vật châu Á sau đó có cho rằng, điều kiện đời sống vật chất như vậy của các con thú là yên tâm”.
 
Tuy nhiên, cũng theo NSƯT Tống Toàn Thắng, Hiệp hội Bảo vệ Động vật châu Á có đặt ra câu hỏi: Các bạn có biết con vật thích biểu diễn xiếc hay không?
img
NSƯT Tống Toàn Thắng với diễn viên lợn tên Moon

 

“Điều đó có nhĩa là người ta bảo vệ cái quyền rất cơ bản của động vật. Mặc dù đây là một điều rất mới ở Việt Nam nhưng rất hợp lý. Về xu thế, trong tương lai, chúng tôi sẽ thay thế các động vật hoang dã bằng các vật nuôi gần gũi với con người trong biểu diễn. Chúng ta đã hội nhập rồi, chúng ta không thể tách rời ra khỏi xu thế chung đó của thế giới”, NSƯT Tống Toàn Thắng nói.
 
Thay thế bằng xiếc trâu, lợn
Trước lời kêu gọi của Liên minh châu Á vì động vật, NSND Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết: Việc chuyển xiếc thú, động vật hoang dã sang các loại hình xiếc khác đã được lãnh đạo Liên đoàn Xiếc Việt Nam tính toán từ cách đây vài năm. Nhưng đây là một câu chuyện dài.
 
NSND Tạ Duy Ánh cho biết, ngành Xiếc Việt Nam khởi đầu từ năm 1922 bằng đoàn xiếc thú rất lớn của cố NSND Tạ Duy Hiển. Đoàn xiếc này gồm nhiều loài động vật hoang dã như sư tử, hổ, báo, lạc đà, ngựa vằn... Năm 1956, ngành Xiếc Việt Nam chính thức ra đời với 2 nhóm xiếc người và xiếc thú do ông Phạm Xuân Thu làm đội trưởng với tên gọi Đội Xiếc Trung ương.
 
Hai năm sau, vào năm 1958, ông Tạ Duy Hiển đã sáp nhập gánh xiếc thú của mình cùng với Đội Xiếc Trung ương và lấy tên là Đoàn Xiếc Thống Nhất. Đoàn xiếc này do Tạ Huy Hiển dẫn dắt dưới sự quản lý của nhà nước với tổng số 47 người trong biên chế. Từ đó đến nay, việc biểu diễn xiếc người và xiếc thú vẫn song hành với nhau.
 
Hiện Liên đoàn Xiếc Việt Nam đang chuyển đổi dần sang xu hướng thay thế xiếc động vật hoang dã bằng các loài vật gần gũi với đời sống con người. Trong chương trình xiếc dịp Tết 2018 vừa qua, xiếc lợn đã được Liên đoàn đưa vào biểu diễn phục vụ khán giả.
 
Trong chương trình Thế giới hoạt hình trong khu rừng thần tiên được xây dựng để phục vụ dịp Quốc tế Thiếu nhi năm nay, Liên đoàn cũng có cơ cấu hợp lý giữa xiếc người và xiếc thú, trong đó chú trọng nhiều loại vật nuôi gần gũi với con người như lợn, chó, trâu... hơn là động vật hoang dã.
 
“Tôi nghĩ rằng, với mong muốn của Liên minh châu Á vì động vật, chúng tôi không thể không thực hiện nhưng cũng cần có lộ trình. Tất nhiên, sân khấu biểu diễn xiếc không thể không có biểu diễn xiếc thú bởi mỗi con vật đều gắn liền với ký ức tuổi thơ lẫn việc giáo dục cho trẻ em.
 
Bên cạnh đó, với xiếc thú, người nghệ sĩ phải là diễn viên, diễn cùng con thú như bạn, để tạo cảm giác gần gũi với khán giả, với con thú chứ không phải đơn thuần là người huấn luyện ”, NSƯT Tống Toàn Thắng bày tỏ thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem