Kho báu triệu đô và câu chuyện buồn của lão ngư

Thứ hai, ngày 08/09/2014 20:00 PM (GMT+7)
Khởi đầu tìm ra con tàu cổ Hòn Cau là do nhóm ngư dân ở Long Hải tình cờ phát hiện. Trong hai năm, 1990 - 1991, các chuyên gia của Bộ Văn hóa - Thông tin, Visal (Xí nghiệp Trục vớt cứu hộ, Bộ Giao thông vận tải) và Hallistrom Holdnys Oceanic (Thụy Điển) tiến hành khai quật, mang về 68.000 hiện vật, hầu hết là gốm sứ có niên đại nửa sau thế kỷ XVII, thời Khang Hy, Triều Thanh, Trung Quốc.
Bình luận 0
Từ kết quả này, 28.000 cổ vật được chọn ra và tổ chức bán đấu giá ở Hà Lan, thu về hơn 6 triệu USD.

Ba thế kỷ chôn vùi dưới đáy đại dương


Tháng 9.1990, Bộ Văn hóa - Thông tin chính thức cho phép khai quật tàu cổ Hòn Cau. Sau hai năm khai quật đã thu được 68.000 hiện vật, hầu hết là đồ gốm sứ: bình trà, bình bông, chóe, chén, dĩa... Ngoài ra còn thu được nhiều hiện vật bằng đá, đồng và hai khẩu súng thần công.

Để xác định chính xác niên đại các hiện vật, hải trình của con tàu và thời gian ngộ nạn là một việc vô cùng khó khăn. Nhưng bằng nhiều phương pháp khoa học, cuối cùng các nhà khảo cổ cũng “buộc” các hiện vật phải lên tiếng. Đó là nhờ vào những đồng tiền cổ có niên hiệu Khang Hy, và nghiên mực hình chữ nhật có chữ hán “Canh Ngọ niên” đã thu được trong quá trình khai quật. Căn cứ vào các hiện vật này, không khó để các nhà khảo cổ xác định chính xác niên đại cũng như xuất xứ các món đồ gốm sứ trên tàu đều thuộc dòng sản phẩm của lò gốm sứ nổi tiếng Cảnh Đức Trấn ở Giang Tây, sản xuất năm 1690. Đây cũng được cho là khoảng thời gian con tàu ngộ nạn.

Nếu tính đến thời điểm trục vớt, con tàu xấu số nằm dưới đáy biển ngót 300 năm. Mặc dù vậy, các món đồ gốm sứ vẫn giữ được màu men tuyệt đẹp, chủ yếu là sứ men trắng vẽ hoa lam mà kỹ thuật chế tác đạt tới trình độ nghệ thuật điêu luyện. Nếu đem so với những bộ sưu tập khác được trục vớt trong vùng biển Cù Lao Chàm, Cà Mau, Bình Thuận... cổ vật Hòn Cau vẫn luôn được đánh giá là bộ sưu tập đẹp nhất. Cái đẹp ở cổ vật Hòn Cau (hiện trưng bày ở Bảo tàng tổng hợp Bà Rịa - Vũng Tàu) được thể hiện qua từng họa tiết tinh tế của hoa văn, màu men... trên từng cổ vật.

Đặc biệt, các họa tiết trên chóe, bình hoa, bình trà... theo mô típ truyền thống như mai, tùng, cúc, trúc biểu tượng cho bốn mùa xuân, hạ, thu, đông được phát huy cao nhất. Bên cạnh đó còn có những tích xưa như ngư ông đắc lợi, cưỡi ngựa bắn cung, lã vọng câu cá... Mỗi tích là một bài học vô giá, mang ý nghĩa giáo dục, khuyên răn sự đời được gửi gắm qua từng cổ vật Hòn Cau.

Năm 1992, 28.000 cổ vật được chọn ra từ 68.000 cổ vật khai quật, đưa sang Hà Lan đấu giá và thu về 6,7 triệu USD. Trong khi cuộc đấu giá tại Hà Lan chưa kết thúc, một số ngư dân Vũng Tàu tiếp tục ra Hòn Cau để mót cổ vật. Hàng trăm cổ vật trong vùng nước có bán kính một hải lý được ngư dân khai thác. Điều đáng nói, trong quá trình lặn mót cổ vật, có một ngư dân ở phường 10, thành phố Vũng Tàu bị liệt nửa người, ít lâu sau chết vì nhũn não.

Trước khi về nơi chín suối, anh ta gọi vợ lại và nói nhỏ rằng, ở khu vực Hòn Cau còn có ít nhất 6 con tàu chìm ở đó. Chừng nào con mình lớn nói nó ra đó vớt đồ cổ đem về. Thông tin này sau đó được người vợ thông báo cho em trai, đó cũng là thời điểm mà ngư dân Vũng Tàu lùng sục để tìm ra con tàu cổ bí ẩn này. Bão tố về con tàu bị đắm ở khu vực Hòn Bà trỗi dậy dữ dội hơn khi thỉnh thoảng một vài ngư dân đi biển mang từng giỏ cần xé cổ vật về đất liền. Đến giữa năm 1993, Bộ Văn hóa - Thông tin cho phép Bảo tàng Vũng Tàu phối hợp với Visal tiếp tục khai quật con tàu ở Hòn Bà và vớt được 569 cổ vật, chủ yếu là đồ đất nung của Việt Nam ở thế kỷ XIX.

Một câu chuyện buồn

Chúng tôi gặp lại ông sau gần 20 năm, kể từ ngày con tàu Hòn Cau được trục vớt. Ông Lê Văn Son - người được cho là phát hiện ra kho báu Hòn Cau giờ xấp xỉ tuổi 80. Những bước chân xiêu vẹo như chực đổ của ông chưa hẳn là do tuổi tác, mà có hậu quả của những lần lặn sâu dưới đáy biển.

img
Ông Lê Văn Son

Thế nhưng ông bảo mình còn được như vầy là may mắn, bạn câu của ông nhiều người bị bại liệt, thậm chí có người tử vong vì lặn biển không đúng cách. Trong số 11 bạn câu ngày trước, nay còn lại 4 người, nhưng ai cũng mang đủ thứ bệnh tật do hứng chịu sự khắc nghiệt của thiên nhiên trên biển.

Hồi tưởng lại thời đi biển, ông Son kể: Trước ông hai đời, trong gia đình cũng làm nghề đi biển, nhưng làm nghề đánh lưới vây. Đến lượt ông, chọn nghề câu mực cho nhẹ nhàng. Vào năm 1989, ông có ghe câu mực chuyên khai thác vùng biển Hòn Cau. Lúc bấy giờ Hòn Cau còn được gọi là Hòn Dừa, thuộc Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo.

Những người thợ câu như ông lúc đó chưa sắm nổi máy tầm ngư nên việc buông câu ở đâu phụ thuộc vào kinh nghiệm. Ông cùng nhóm bạn câu trong một lần ra vùng biển Hòn Cau khai thác thì thấy một vùng nước “sóng yên biển lặng”. Bằng kinh nghiệm của người từng trải mưu sinh trên biển, ông Son quyết định buông neo, vì cho rằng nơi đây nhất định sẽ có nhiều hải sản. Quả thật, thay vì mỗi chuyến đi phải mất từ 10 - 15 ngày mới đủ “sở hụi” trở về đất liền, còn lần này chỉ sau năm ngày là nhóm của ông đã quay về.

Liên tục nhiều chuyến ra biển sau đó cũng “trúng” như vậy. Nhóm ngư dân bắt đầu nghi ngờ bên dưới lòng đại dương ắt có rạn san hô hay một cái gì đó khác thường mới thu hút hải sản tập trung nhiều đến vậy. Để tìm lời giải, nhóm ngư dân quyết định cử người lặn thám sát. Họ hoàn toàn thất vọng khi thấy dưới đáy đại dương không hề có rạn san hô, trái lại họ phát hiện xác một con tàu vùi sâu dưới bùn, bên trên vương vãi nhiều món đồ sành sứ. Trong lần lặn này, họ vớt lên được hai giỏ cần xé sành sứ (một gỏi cần xé chất đầy cân nặng khoảng 1 tạ), trong đó hầu hết là chén, dĩa, bình trà và một vài bình bông đem về chia cho anh em trong nhóm cùng những người hàng xóm xài.

Mãi cho đến khi mấy tay săn đồ cổ từ TP.Hồ Chí Minh xuống thu gom thì ông mới biết đây là những món đồ cổ quý giá. Cũng từ đây chính quyền địa phương phát hiện và cấm ngư dân khai thác. Đến lúc này ông mới báo (bằng miệng) cho Đồn biên phòng 500 của Long Hải, Bà Rịa - Vũng Tàu biết. Ông khẳng định từ thông tin ông báo, cơ quan chức năng mới biết được vị trí con tàu cổ Hòn Cau và tiến hành trục vớt (sau này gọi là tọa độ X).

Thế nhưng, sau này khi đi làm thủ tục để nhận thưởng, ông bất ngờ nghe “Hội đồng khen thưởng” nói “ông không hề khai báo”, vì trước đó đã có người khác khai báo. Quá thất vọng, ông chạy đến bảo tàng tỉnh cầu cứu. Lúc bấy giờ nhiều cán bộ bảo tàng lâu nay hướng dẫn ông làm thủ tục “lãnh thưởng” nghe tin này cũng bị “sốc”, còn người dân địa phương theo dõi câu chuyện kho báu Hòn Cau cũng hết sức ngỡ ngàng. Bởi trước đó ai cũng nghĩ ông là người chắc chắn sẽ nhận được tiền thưởng. Trái lại, Hội đồng thi đua khen thưởng - như ông Son nói, thưởng cho một ngư dân khác 40 triệu đồng.

Kể từ đây, cuộc đời ông Son không gắn với biển cả nữa, thay vào đó là những chuỗi ngày gần 10 năm đi đòi quyền lợi. Cuối cùng không mang lại kết quả, ông đành bỏ cuộc. Ông bảo chuyện cũng khá lâu rồi nhưng nhiều lúc có ai nhắc đến cảm thấy buồn, quyền lợi của mình mà không được hưởng.

Mặc dù vậy, khi nghe nhắc đến ông, làng xóm vẫn gọi ông là ông “vua đồ cổ”. Thoạt nghe những tưởng ông còn “ém hàng”, chúng tôi hỏi thẳng ông điều này, ông chua xót cho biết đó là cách giễu cợt của những người hàng xóm. Vừa nói xong, ông bảo vợ vào mở tủ lấy ra một chiếc dĩa mẻ và một ống đựng tăm gãy chân, mẻ miệng được ông dùng keo dán lại lưu giữ để làm kỷ niệm!

Nói về người mà ông Son cho là không phát hiện ra kho báu Hòn Cau nhưng được trọng thưởng, đó là ông Quách Hạnh. Chúng tôi tìm gặp ông trong căn nhà tạm bợ nằm trên bãi biển dưới chân đèo Nước ngọt (Long Hải). Nhiều năm nay ông làm nghề kéo lưới dọc theo bãi biển để mưu sinh.

img
Ông Quách Hạnh

Khi nghe nhắc lại kho báu Hòn Cau, ông nói vào thời điểm đó ông không cùng nhóm bạn câu với ông Son. Và ông cũng không phải là người đầu tiên phát hiện ra con tàu Hòn Cau. Ông chỉ biết khi thông tin kho báu lộ ra trong giới ngư dân, lúc này ông cũng giống như nhiều ngư dân khác “mò” ra Hòn Cau để tìm kiếm cơ hội. Ông nhớ mình lặn được vài chuyến thì có tin nhà nước cấm khai thác, lúc ấy ông báo cho một người cậu - nguyên là cán bộ địa phương biết tọa độ con tàu chìm. Sự việc tưởng chừng như là trách nhiệm công dân, không ngờ sau đó Hội đồng khen thưởng của tỉnh mời ông lên lãnh thưởng. Ông nói chuyện cũng khá lâu rồi nên không nhớ rõ, hình như số tiền nhận lúc đó khoảng 40 triệu đồng.

Có tiền, ông hùn vốn với người em rể mua ghe cào. Đi biển được vài năm thì mất vốn, bán ghe. Từ đó đến nay ông sống nhờ vào ngôi nhà nhỏ của người em trai dưới chân đèo Nước ngọt.

Có thể nói, biển Việt Nam luôn sôi động trong mọi thời kỳ lịch sử. Với những hoạt động hàng hải lâu đời, tuy chưa có khảo sát chính thức nhưng theo các nhà khảo cổ học hiện nay, vùng biển Việt Nam có rất nhiều tàu đắm trên biển. Nhưng buồn thay, 100% tàu cổ được tìm thấy từ trước đến nay đều do ngư dân phát hiện, đến khi nhà nước vào cuộc thì phần lớn cổ vật đã rơi vào tay giới săn đồ cổ.

BÀI LIÊN QUAN

>> Cổ vật bí ẩn của một thương buôn hải sản

(Theo CA TP.HCM)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem