10% chất phụ gia nhập lậu
Ngày 20.12, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TP.Đà Nẵng ra quân kiểm tra thực phẩm trên địa bàn. Ông Nguyễn Minh Tiến - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP.Đà Nẵng cho hay, đoàn kiểm tra sẽ tập trung kiểm nghiệm sản phẩm ở các cơ sở sản xuất nem chả, bánh mứt, nước giải khát. Hiện đoàn kiểm tra đã được trang bị các mẫu sinh phẩm xét nghiệm nhanh (test) chỉ thực hiện trong 1 phút, mẫu test đổi màu sắc thì hàng hóa thực phẩm sẽ bị niêm phong, hoặc tịch thu, tiêu huỷ.
|
Việc kiểm tra thức ăn đường phố còn nhiều khó khăn, bất cập. |
Theo ông Tiến, một số cơ sở chế biến thực phẩm lén lút sử dụng các hóa chất phụ gia trong quá trình sản xuất, chất phẩm màu ngoài danh mục như dùng hàn the, Rhodamin B, phoocmon trong nem chả, hạt dưa, bánh phở... dễ gây tổn hại lớn đến sức khỏe người tiêu dùng. Trước đó, chi cục đã phát hiện 6 cơ sở kinh doanh phụ gia thực phẩm với số lượng lớn không rõ nguồn gốc, xuất xứ; kinh doanh phẩm màu thực phẩm trộn lẫn với phẩm màu công nghiệp nhưng việc xử lý cũng chỉ dừng ở mức vi phạm nhỏ.
Theo ông Nguyễn Thanh Phong - Phó Cục trưởng Cục ATVSTP (Bộ Y tế) thì hiện nay nguồn phụ gia bán và sử dụng tại Việt Nam được nhập khẩu từ nhiều nước. Có sản phẩm của Thụy Sỹ, Anh, Mỹ và nhiều nhất là từ Trung Quốc (chiếm 30%). Tuy nhiên, khoảng gần 10% trong số đó là hàng nhập không qua chính ngạch. Đây là nguyên nhân dẫn tới tình trạng mất ATVSTP hiện nay.
Thống kê của Cục ATVSTP cũng cho thấy: Trong 3 năm (2009-2011) Việt Nam nhập khẩu gần 192.000 tấn phụ gia, chưa kể hàng nhập khẩu không qua chính ngạch, hàng nhập lậu. Qua các đợt kiểm tra, thanh tra của Cục đã phát hiện và xử lý hơn 1.251 tấn phụ gia kém chất lượng (chiếm 0,06%).
“Số hàng này tuy chỉ chiếm phần nhỏ trong số sản phẩm phụ gia nhập trên thị trường, nhưng nếu hơn 1.000 tấn phụ gia bẩn này được mua bán trót lọt và tới tay người tiêu dùng thì nguy cơ mất ATVSTP là không thể lường hết được” – ông Phong cảnh báo.
Hiện danh mục chất phụ gia được phép sử dụng tại Việt Nam có hơn 300 chất, với 6 nhóm phụ gia cơ bản. Tuy nhiên, cũng theo ông Phong, hiện danh mục này đã lỗi thời, cần phải liên tục cập nhật. Nhóm phụ gia kém chất lượng được phát hiện nhiều nhất chính là nhóm phụ gia tạo màu thực phẩm.
Thanh kiểm tra còn nhiều hạn chế
Các đợt thanh tra của Cục ATVSTP mới đây cho thấy: 100% người kinh doanh, sản xuất thực phẩm đều cho biết hàn the là chất cấm, không được sử dụng trong sản xuất thực phẩm. Tuy vậy, quá trình đoàn đi thanh kiểm tra vẫn cho thấy có một lượng hàn the đáng kể trong các thực phẩm như: Giò, chả, bánh xu xê, bánh đúc...
Lý giải cho thực tế biết bị cấm mà vẫn sử dụng, ông Nguyễn Thanh Phong cho rằng: “Ngoài lý do về thiếu hiểu biết ra, thì lý do chính vẫn là do người kinh doanh ham lợi nhuận, bất chấp tính mạng của người tiêu dùng. Mặt khác, trong khi hệ thống văn bản còn chưa phù hợp, thì công tác thanh tra, kiểm tra lại chưa thật sự quyết liệt. Khâu xử lý vi phạm, nhất là ở các xã, phường chưa tốt”.
GS.TS Nguyễn Công Khẩn - Cục trưởng Cục ATVSTP nhìn nhận: “Việc phải chờ đợi trong kiểm nghiệm sẽ dẫn tới khó có thể xử “nóng” các vi phạm trước Tết Nguyên đán”.
Ông Lê Đình Đờn – Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Khánh Hòa thì lý giải: Trang thiết bị cho công tác thanh kiểm tra còn sơ sài, kiểm tra viên chỉ được trang bị test nhanh tại hiện trường để kiểm tra những mẫu thông thường. Còn tất cả những mẫu nghi ngờ khác đều phải mua mẫu về chuyển cho các trung tâm kiểm nghiệm. “Hai năm nay, Khánh Hòa chưa xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào cũng chỉ là “hên xui” thôi” – ông Đờn nói.
Ông Nguyễn Văn Nhiên - Chánh thanh tra của Cục thừa nhận việc thanh tra vẫn dựa vào các đánh giá cảm quan bên ngoài như: Nhìn màu sắc, nhãn mác, hạn sử dụng đăng ký, hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc. Thứ hai thông qua phương pháp test thử nhanh để phát hiện phụ gia, sản phẩm kém chất lượng. Tuy nhiên, không phải lúc nào các phương pháp này cũng cho kết quả khả quan.
Theo ông Nhiên, việc thử nhanh chỉ có thể áp dụng kiểm tra các chất phụ gia như hàn the, folmaldehyde, tình trạng ôi thiu, giấm, phẩm màu công nghiệp có trong thực phẩm. Nhưng đối với nhiều mặt hàng nông sản thì test nhanh và lấy mẫu ngẫu nhiên chưa mang tính khả thi để có thể kiểm soát được 100% nông sản thực phẩm trên thị trường. Muốn xác định thì phải lấy mẫu, đem xét nghiệm. Quá trình này có thể phải diễn ra từ 5-7 ngày mới cho kết quả.
Minh Nguyệt- Kim Oanh- Mai Khuê
Vui lòng nhập nội dung bình luận.