Khó quản lý nước đóng bình tại Hà Nội

Thùy Anh Thứ bảy, ngày 29/09/2018 06:30 AM (GMT+7)
Mặc dù hiện nay đã có quy định về tiêu chuẩn nước đóng bình an toàn thực phẩm (ATTP), tuy nhiên, thực tế việc quản lý nước uống đóng bình đang gặp nhiều khó khăn.
Bình luận 0

10.000 đồng/bình nước

Tại Hội thảo “Quản lý ATTP nước đóng bình trên địa bàn Hà Nội” diễn ra ngày 27.9, thống kê của Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện nay thành phố có 580 cơ sở nước uống đóng bình và nước đá dùng liền được quản lý cấp  phép. Tuy nhiên, đây chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” bởi thực tế còn nhiều cơ sở hoạt động không phép, chui lủi. Đặc biệt, còn có tình trạng làm “nhái” những nhãn hiệu nổi tiếng khiến người tiêu dùng khó phân biệt đâu là thật, đâu là giả.

img

img

Trên thị trường có nhiều cơ sở sản xuất nước đóng bình không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh minh họa.  M.N

Theo số liệu của Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm 2018 đến nay, cơ quan quản lý trên địa bàn thành phố đã thanh, kiểm tra được 416 cơ sở nước đóng bình. Có 44 cơ sở bị tạm dừng hoạt động, đóng cửa, 98 cơ sở vi phạm và 7 cơ sở bị dừng hoạt động. Có 72 cơ sở bị phạt tiền với số tiền phạt là hơn 226 triệu đồng.

Ông Trần Văn Chung – Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho hay, nước uống đóng bình hiện nay đã trở thành sản phẩm được sử dụng phổ biến trong cuộc sống hàng ngày của người dân. Hoạt động quản lý ATTP thời gian qua, trong đó có quản lý các cơ sở nước uống đóng chai, đóng bình trên địa bàn đã có những chuyển mạnh mẽ. Điều đáng nói, giá thành cho mỗi bình nước đóng chai khá rẻ, chỉ từ 9.000 tới 30.000 đồng, vì vậy nhiều khi các cơ sở kinh doanh cũng làm ẩu, làm giả nhằm mục đích trục lợi.

Theo các cơ quan chức năng, công tác quản lý vẫn gặp nhiều khó khăn do địa bàn rộng; số lượng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh mặt hàng nước uống đóng chai, đóng bình nhiều; lực lượng giám sát, kiểm tra không đáp ứng đủ; một số đối tượng kinh doanh hoạt động lén lút khó phát hiện.

Phường Cổ Nhuế (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) hiện có 8 cơ sở sản xuất nước đóng bình, tuy nhiên, có 5 cơ sở đủ tiêu chuẩn sản xuất, 3 cơ sở còn lại không đủ tiêu chuẩn, bị thanh kiểm tra,  đình chỉ hoạt động nhưng vẫn sản xuất lén lút.

Ông Đỗ Chí Linh - Phó Chủ tịch UBND phường Cổ Nhuế 2 cho rằng, vấn đề vệ sinh ATTP tại Việt Nam hiện nay đang ở mức “báo động đỏ”. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do đạo đức kinh doanh của một số nhà sản xuất, nhà cung cấp, phân phối thực phẩm còn nhiều vấn đề.

"Nhiều khi, vì lợi nhuận, họ sẵn sàng làm tất cả, bất chấp hậu quả, sức khỏe của người tiêu dùng, của cộng đồng xã hội, điển hình là việc dùng thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản, phân bón không đủ tiêu chuẩn, các loại hóa chất độc hại… một cách tràn lan, vô tội vạ nhằm giảm giá thành sản phẩm" - ông Linh cho biết.

Lo ngại về chất lượng nước

Bà Nguyễn Thanh Hương – đại diện Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho rằng, bên cạnh những mặt thuận lợi trong công tác thanh kiểm tra, đoàn kiểm tra còn gặp phải nhiều khó khăn.

“Trước hết là sự không phối hợp của các chủ cơ sở sản xuất, công ty sản xuất nước đóng bình. Thêm vào đó, nguồn kinh phí hạn chế, sắp xếp nhân lực, kiểm tra liên ngành cũng khó khăn” – bà Hương nói.

Bên cạnh đó, còn nhiều vấn đề tồn tại như việc tái sử dụng các vỏ bình cũ cáu bẩn. Bình để lâu có rêu mốc, xước khiến các vi sinh bám vào không thể làm sạch và làm nước không đạt tiêu chuẩn. Nhân viên các cơ sở thường xuyên thay đổi, không nắm được các quy định về sản xuất vì thế không tuân thủ quy định về ATTP khi làm nước đóng bình.

“Mặc dù hàng năm đơn vị tiến hành thanh, kiểm tra rất nhiều cơ sở, nhưng số tiền xử phạt không cao do giá trị hàng hóa thấp. Thêm nữa, việc thu hồi sản phẩm không đạt tiêu chuẩn khó khăn, không kịp thời, vì cần thời gian kiểm nghiệm” – bà Hương nhấn mạnh.

 PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách khoa Hà Nội dẫn lại một nghiên cứu thực hiện trong năm 2017 của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng (Vinastas).

Theo  nghiên cứu, Việt Nam vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất “chui” làm giả sản phẩm của các thương hiệu nước đóng bình lớn khiến việc quản lý, phân biệt thật - giả ngày càng phức tạp. Nhiều cơ sở sản xuất nước uống đóng bình từ nước giếng khoan nhưng xung quanh giếng vẫn có chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhiều ao tù nước đọng, trong khi đó công nghệ xử lý nước lại rất sơ sài, không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.

“Để đảm bảo ATTP cho nước uống đóng bình đang lưu thông trên địa bàn Hà Nội, theo tôi điều đầu tiên là phải quản lý chặt chẽ chất lượng của nguồn nước dùng để sản xuất nước uống đóng chai. Tiếp đó, thực hiện công bố công khai các tiêu chuẩn kiểm định nguồn nước, thực hiện kiểm định mẫu nước…” – PGS Thịnh nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem