Cơn sốt nhà trọ mỗi dịp đầu năm học luôn khiến phụ huynh và sinh viên lo lắng, rốt ráo. Theo thống kê của Bộ GDĐT, năm 2022, có khoảng 600.000 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học. Điều này có nghĩa nhiều sinh viên sẽ đổ về các trung tâm thành phố lớn để nhập học đầu năm học mới. Một số lượng lớn sinh viên mới cùng với số sinh viên cũ quay trở lại trường đã khiến cho các phòng trọ mỗi dịp này trở nên khó khăn, khan hiếm.
Anh Nguyễn Thế Anh, quê ở Nghệ An mới đây vui mừng khi có con trúng tuyển vào Học viện Tài chính, Hà Nội. Đây là ngôi trường con trai anh mơ ước và gia đình yêu thích. Tuy nhiên, cùng với niềm vui đỗ đại học thì là nỗi lo lắng thời gian tới đây con sẽ ở đâu, ăn uống, học hành, đi lại thế nào... Đây là con đầu của anh Thế Anh nên bản thân anh cũng có chút bỡ ngỡ.
"Gia đình tôi ở quê không tiện đi xem phòng trọ nên có nhờ một số người quen đi tìm. Tuy nhiên, có phòng tầm gần 2 triệu thì chật chội, sinh hoạt bất tiện mà đi bộ hơi xa trường. Có phòng thì là dãy nhà trọ phức tạp. Tôi sợ con bị ảnh hưởng rồi lại chơi bời, nghịch ngợm không kiểm soát được...", anh Thế Anh thổ lộ.
Phương án khác của anh Thế Anh là tìm cho con căn hộ chung cư hoặc chung cư mini riêng biệt. Tuy nhiên, chung cư mini gần trường thì khó tìm và lúc nào cũng trong tình trạng hết chỗ. Anh Thế Anh quyết định chuyển sang thuê căn hộ chung cư.
Theo anh tính toán, để con có được chỗ ở thuận tiện việc đi lại, ăn ở, học hành thì mỗi tháng sẽ phải chi cho con 6-8 triệu đồng tiền thuê nhà, một số tiền cũng quá lãng phí. Anh Thế Anh đã chuyển hướng không thuê nữa mà sẽ mua nhà.
"Nếu mua chung cư thì khoảng 2 tỷ đồng/căn nhưng 4 năm sau không biết con có ở Hà Nội không hay sẽ về quê. Nhà chung cư lúc đó có bán được giá không... Suy đi tính lại, tôi quyết định chi 4 tỷ đồng mua hẳn nhà đất cho con ở. Sau này tôi bán nhà vẫn có lãi mà con ở lại thoải mái", anh Thế Anh cho hay. Nói là làm, anh Thế Anh nhờ người tìm và "chốt" luôn 1 căn gần trường. Vợ chồng anh còn hào hứng đưa con đi mua xe máy và sắm nội thất không thiếu thứ gì chờ ngày con đi học.
Không chỉ anh Thế Anh mà rất nhiều phụ huynh khác cũng tính đến chuyện mua nhà cho con thay vì cho ở trọ. Cơn sốt nhà đất dường như vì thế ngày càng tăng cao. Chị Lê Minh Hòa, phụ huynh ở Hòa Bình cho hay cũng đang tìm căn hộ chung cư cho con học Trường Đại học Hà Nội nhưng chưa tìm được căn ưng ý.
"Rất nhiều phụ huynh mua nhà cho con ở"
Anh Hà Đức Huy, giám đốc công ty chuyên về môi giới nhà đất ở Hà Nội cho hay: "Bắt đầu từ sau Tết, khi sinh viên quay trở lại trường học, nhiều căn 1, 2 phòng ngủ đã không có mà bán. Mấy ngày gần đây khi sinh viên nhập học, rất nhiều phụ huynh ở các tỉnh thành đã gọi điện cho tôi hỏi tìm mua nhà cho con ở".
Theo anh Huy, các căn hộ gần các trường đại học hoặc ở khu trung tâm các trường được phụ huynh săn đón hơn cả. Chung cư quanh HH, Kim Văn Kim Lũ, Thanh Hà, Xa La, Hà Đông... được nhiều cha mẹ hỏi mua vì giá cả "hợp túi tiền". Căn 60m2, 2 phòng ngủ "full" nội thất như tivi, sofa, điều hòa, bếp... có giá tầm 1,5-1,7 tỷ đồng. Căn 1 phòng ngủ thì dưới 1,5 tỷ đồng nhưng ít người mua.
Ngoài ra, phụ huynh có nhiều tiền hơn thì có thể lựa chọn những căn chung cư gần trung tâm hơn với giá 2-3 tỷ đồng. Tâm lý chung của phụ huynh là mua nhà rộng để bố mẹ ra chơi có nơi ở và sau này con lấy vợ, lấy chồng không phải lo chuyện nhà cửa.
Anh Huy cũng cho biết thêm, ngoài nhu cầu mua nhà thì xu hướng hiện nay phụ huynh thuê căn hộ chung cư cho con ở để học cũng nhiều. Giá mỗi căn hộ dao động từ 4-8 triệu đồng. Tuy nhiên, chủ nhà thường ít muốn cho sinh viên thuê vì không giữ gìn đồ và không được lâu dài.
Không chỉ là những phụ huynh có sẵn số tiền lớn, có những phụ huynh còn quyết định vay trả góp một số tiền lớn để mua nhà cho con học đại học. Lo việc học của con, lo nhà cho con... khiến không ít người bày tỏ nghi ngại về việc đang "chiều" con và tự ôm cho mình gánh nặng tài chính.
Liên quan đến vấn đề này, chị Nguyễn Thị Thanh Hải, đồng tác giả cuốn sách "Cùng con vượt qua các kỳ thi" cho hay: "Nhiều người lo lắng vay trả góp cả tỷ đồng là một số tiền quá lớn, áp lực nặng nề phải trả 10-13 triệu đồng mỗi tháng. Tuy nhiên, theo tôi, mua nhà trả góp dù có căng thẳng nhưng lại tạo động lực cho mình làm việc. Có thể 5-6 năm đã trả hết nếu mình biết tính toán, cân đối thu chi. Vì vậy, tôi cho rằng, việc mạnh dạn, quyết tâm mua nhà sau khi tính toán nguồn thu nhập của mình cũng là khả thi trong thời điểm này".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.