dd/mm/yyyy

Khoa học và Công nghệ thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao ở Thái Bình

Thời gian quan, hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ (KH&CN) tỉnh Thái Bình đã và đang góp phần xóa bỏ canh tác manh mún, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, phát huy tiềm năng, lợi thế từng địa phương, thay đổi diện mạo kinh tế nông nghiệp của tỉnh.

Trang Trại Việt đã có buổi trao đổi với ông Lê Tiến Ninh - Giám đốc Sở KH&CN Thái Bình

Ông có thể cho biết hoạt động cơ bản nhất của ngành trong quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh nhà?

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ KH&CN và của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng các tổ chức, doanh nghiệp, sự nỗ lực của những người làm công tác nghiên cứu và quản lý KH&CN..., hoạt động KH&CN của tỉnh Thái Bình đã có đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự phát triển kinh tế chung của tỉnh, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Trong đó xác định KH&CN phải trở thành khâu đột phá, tiên phong cho tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong phát triển kinh tế - xã hội ở tất cả các cấp, các ngành trong tỉnh.
Các chương trình, đề tài, dự án KH&CN đã bám sát yêu cầu, phục vụ có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trọng điểm của tỉnh. Việc đổi mới cơ chế quản lý, đổi mới hoạt động KH&CN đã được triển khai tích cực. Tiềm lực KH&CN của tỉnh không ngừng được nâng cao; đội ngũ cán bộ KH&CN phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, thích nghi dần với cơ chế kinh tế thị trường... Mặt khác, vốn đầu tư cho hoạt động KH&CN từng bước được tăng cường và đa dạng hóa các nguồn đầu tư.

Đối với vấn đề phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ngành đã có những tham mưu gì cho UBND tỉnh, thưa ông?

Thực hiện Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 17.02.2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020, tỉnh Thái Bình đã đề ra mục tiêu: Đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao; đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm quốc gia và xuất khẩu. Để góp phần vào việc hoàn thành các mục tiêu trên, những năm qua hoạt động KH&CN Thái Bình xác định nhiệm vụ trọng tâm: Đẩy mạnh ứng dụng KH&CN vào sản xuất và đời sống, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Sở KH&CN đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành một số văn bản cụ thể hóa định hướng nhiệm vụ phát triển KH&CN của tỉnh. Trong đó, có thể kể đến một số văn bản quan trọng như: Chương trình hành động số 25- Ctr/TU ngày 21.01.2013 thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ VI Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Kế hoạch hành động của tỉnh Thái Bình thực hiện Nghị quyết số 46/NQ-CP ngày 29.03.2013 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01.11.2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (Quyết định số 1663/QĐ-UBND ngày 08/8/2013 của UBND tỉnh); Đề án Phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Thái Bình giai đoạn 2016-2020 (Quyết định số 4172/QĐ-UBND ngày 31.12.2016 của UBND tỉnh)...

Thành tựu từ KH&CN được ứng dụng mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp ở Thái Bình.

Xin ông chia sẻ rõ hơn về các dự án, chương trình nghiên cứu đang được triển khai hiệu quả trong nông nghiệp?

Những năm qua, kết quả thực hiện các nhiệm vụ KH&CN trong lĩnh nông nghiệp của tỉnh đã góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao; nâng cao hiệu quả, giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích sản xuất.

Điển hình là lĩnh vực trồng trọt, ngành đã đầu tư nghiên cứu, khảo nghiệm, tuyển chọn thành công nhiều giống cây trồng như: lúa, ngô, đậu tương, khoai tây, cà chua, dưa, bí, ớt... Sau khi chuyển giao công nghệ đã phục vụ có hiệu quả cho chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng; chuyển đổi giống từ dài ngày, bị động, chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, sang các giống lúa, giống cây trồng ngắn ngày giúp ổn định năng suất, nâng cao hiệu quả, giá trị kinh tế cao trên một đơn vị diện tích canh tác.

Ngành đã tiến hành khảo nghiệm trên 500 giống lúa (bao gồm cả lúa thuần, lúa lai và lúa nếp) và gần 200 giống ngô mới, qua đó đã xác định được nhiều giống cây trồng có triển vọng về năng suất, chất lượng cao để đưa vào sản xuất. Có thể kể đến như: Giống lúa RVT, TBR225, TB279, Đông A1; J02, Nam ưu 209, Thiên ưu 8;… Giống ngô: LVN128, LVN17, Max07, GS9989, HN88…; một số giống rau màu như dưa Vàng thơm Kim Cô Nương, dưa Thanh lê, dưa lê Ngân Huy 233, dưa chuột chịu nóng Hạ xanh số 1,...

Đặc biệt, từ nguồn kinh phí KH&CN của tỉnh đã hỗ trợ Công ty CP Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình chọn lọc, nhân giống 09 giống cây trồng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là giống chuẩn quốc gia. Nhờ đó nhiều năm gần đây, Thái Bình đã chủ động hoàn toàn về giống lúa cho sản xuất đại trà có thời gian sinh trưởng ngắn, chất lượng cao, đáp ứng kịp thời cho sản xuất nông nghiệp của địa phương; đồng thời, cung cấp cho nhiều tỉnh, thành trong cả nước sử dụng trong sản xuất.

Đối với chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, hoạt động KH&CN có điểm gì đáng chú ý, thưa ông?

Trong lĩnh vực chăn nuôi, các tiến bộ KH&CN được ứng dụng đồng bộ ở cả 3 khâu: Con giống, thức ăn và nuôi dưỡng. Nhiều giống mới có giá trị kinh tế cao được đưa vào sản xuất đại trà như: Giống lợn có tỷ lệ nạc cao; giống gia cầm siêu thịt, siêu trứng và nhiều con đặc sản khác...

Đối với nuôi trồng thủy sản, ngành đã tập trung nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ KH&CN trong sản xuất con giống, nuôi trồng, phòng trừ dịch bệnh, đánh bắt và chế biến. Trong đó, nghiên cứu đưa các đối tượng nuôi mới vào nuôi khảo nghiệm tại Thái Bình như: Mô hình nuôi khảo nghiệm giống cá Nheo Mỹ. Kết quả cho thấy cá thích nghi, sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện nuôi ao đất và nuôi lồng tại Thái Bình. Hoàn thiện quy trình kỹ thuật nuôi thương phẩm môi trường ở vùng nước lợ.

Nổi bật là ứng dụng công nghệ sản xuất ngao giống, được nghiên cứu từ các cơ sở sản xuất giống phía Nam. Từ giai đoạn Ngao xuống đáy chuyển sang ương dưỡng trong ao ương ngoài tự nhiên nên tỷ lệ sống tăng cao 11-15%, chi phí sản xuất giảm. Ngoài ra có thể kể đến việc nghiên cứu thành công và phát triển mô hình nuôi Tôm thẻ chân trắng theo hướng công nghệ cao, đang được triển khai nhân rộng ra hai huyện Thái Thụy và Tiền Hải.

Xin cảm ơn ông!

Đến nay, Thái Bình đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp 997 văn bằng về quyền Sở hữu công nghiệp. Trong đó có 742 văn bằng về nhãn hiệu hàng hóa. Bên cạnh đó, tỉnh có 3 sản phẩm nông nghiệp đặc thù được Trung ương hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, gồm: “Tỏi Thái Thụy”, “Gạo thơm Thái Bình” và “Ngao Thái Bình”.
Ngọc Tùng