Khóa Minh Khai: Từ niềm tự hào đến "vết nhơ" để đời

13/03/2020 15:39 GMT+7
Khóa Minh Khai từng là niềm tự hào của người dân miền Bắc. Tuy nhiên, chỉ một cú vấp, khóa Minh Khai đã khiến tương lai của mình trở lên mù mịt.

Từng vượt biên giới, sang trời Tây

Năm 1972, Bộ Kiến Trúc (nay là Bộ Xây Dựng) quyết định thành lập Khóa Minh Khai. Thời điểm đó, bom giặc Mỹ tàn phá Hà Nội, công nhân nhà máy Khóa Minh Khai vừa sản xuất vừa phải chiến đấu.

Những chiếc khoá Minh Khai đầu tiên ra đời dần chiếm trọn tình cảm của người dân qua nhiều thời kỳ.

Khóa Minh Khai: Từ niềm tự hào đến "vết nhơ" để đời - Ảnh 1.

Khóa Minh Khai từng là niềm tự hào của người dân miền Bắc

Suốt những năm sau đó, người dân miền Bắc từ vùng quê cho đến thị thành, từ xếp hàng tem phiếu, rồi những năm 90 bất cứ nhà nào cũng sở hữu cho mình một ổ khóa Minh Khai. Sản phẩm này, trở thành 1 trong những thương hiệu khoá lớn nhất cả nước.

Từ năm 1999, Khóa Minh Khai liên tục được người tiêu dùng bình chọn là "Hàng Việt Nam chất lượng cao". Thậm chí, có nhiều chiếc khoá đã vượt được biên giới, sang trời Tây. Người dân miền Bắc một thời rất tin tưởng, yêu mến khoá Minh Khai và coi đó là niềm tự hào.

Thời gian dần trôi qua, Khóa Minh Khai tiếp tục phát triển với những sản phẩm đa dạng và chất lượng được nâng lên.

2 năm "thay máu" Tổng giám đốc tới 3 lần

Thế nhưng, niềm tin người tiêu dùng dành cho Khóa Minh Khai dần dần bị thách thức khi lợi nhuận trước mắt khiến lãnh đạo công ty bị che mờ.

Năm 2004, dù chưa có công nghệ sản xuất khóa tay nắm tròn, tuy nhiên người tiêu dùng bỗng thấy sản phẩm loại này mang tên Khóa Minh Khai xuất hiện tràn lan trên thị trường.

Khóa tay nắm tròn của Minh Khai mang ký hiệu MK14F, được đánh số từ No 6 đến No 10 và được bán với giá 84.000 đồng trở lên cho một chiếc. Chiếc nào cũng in biểu tượng "hàng Việt Nam chất lượng cao, tiêu chuẩn ISO 9001:2000".

Khóa Minh Khai: Từ niềm tự hào đến "vết nhơ" để đời - Ảnh 2.

Những năm 90, Khóa Minh Khai được người tiêu dùng bình chọn là "Hàng Việt Nam chất lượng cao".

Và khi hiểu kỹ hơn mới vỡ lẽ, hóa ra thời điểm ấy lãnh đạo nhà máy đã cho nhập khẩu đa số chi tiết khóa từ bên ngoài, chỉ còn ổ khóa, chìa khóa và thân trong khóa là do Minh Khai làm. Đây thực ra là một cách làm tốt, bởi đầu tư công nghệ thì rất tốn kém, nếu mua của nước ngoài về mà có giám sát chất lượng thì không sao, công nhân vẫn có công ăn việc làm bình thường, chất lượng hàng khá đảm bảo, coi như là một cách làm ăn mới.

Sau đó ít năm, theo chủ trương của nhà nước Khóa Minh Khai được cổ phần hóa. Năm 2017, Khóa Minh Khai được gọi là CTCP Khóa Minh Khai. Theo chủ trương của nhà nước, Khóa Minh Khai buộc phải di chuyển đến điểm sản xuất ngoại ô và hầu hết công nhân đều bị nghỉ làm.

Khóa Minh Khai: Từ niềm tự hào đến "vết nhơ" để đời - Ảnh 3.

Bức tâm thư của công nhân Khóa Minh Khai.

Trong khi đó, khóa tay nắm tròn của Minh Khai liên tục được đưa ra thị trường với giá rất cao so với mặt bằng chung và đều được in biểu tượng "Hàng Việt Nam chất lượng cao, tiêu chuẩn ISO 9001:2000".

Nhưng điều khiến dư luận thắc mắc, trong khi công nhân bị sa thải thì làm sao có thể sản xuất được hàng? Các loại khóa bán ra đều mới, không phải là hàng tồn kho, vậy những ổ khóa này từ đâu ra?

Đến tháng 1/2008, hàng nghìn ổ khoá giả bị phát hiện trong nhà máy. Toàn bộ khóa Minh Khai kiểu tay nắm tròn, với lô hàng khoảng 1 vạn chiếc, mang ký hiệu MK14F đều có xuất xứ từ Trung Quốc. "Công nghệ", "dây chuyền sản xuất" khóa Minh Khai áp dụng đơn giản chỉ là đổi vỏ hộp Trung Quốc thành vỏ khóa Minh Khai rồi bán ra thị trường với giá bán tăng gấp đôi.

Ở thời điểm đó, Công an Hà Nội đã khởi tố khóa Minh Khai với tội danh 'Sản xuất, buôn bán hàng giả' – một tội danh được quy định trong Bộ Luật Hình sự.

Người lao động chúng tôi biết tin mà đau, đau vì sự gục ngã của cả một thương hiệu mạnh. Đến bao giờ khóa Minh Khai mới lại vực dậy mình, trở lại góp mặt như một trong những thương hiệu khóa lớn nhất cả nước? Hãy cho chúng tôi thời gian để làm lại

Công nhân nhà máy Minh Khai

Một điều tra viên Phòng PC15, Công an TP Hà Nội đã từng nói về "sự cố" khóa Minh Khai giả bị lộ tẩy như thế này: "30 năm làm Cảnh sát kinh tế, lần đầu tiên tôi gặp trường hợp gian lận như thế này. Họ đã tự đánh mất thương hiệu, uy tín gây dựng trong nhiều năm, đã lừa người tiêu dùng một cách trắng trợn".

Mất uy tín, người tiêu dùng quay lưng nên sẽ chẳng bất ngờ khi doanh nghiệp này liên tục gặp khó khăn và ghi nhận thua lỗ. Mãi đến cuối năm 2015, nhà máy sản xuất khóa này mới chỉ tạm hết lỗ khi kinh doanh thêm mảng bất động sản và được chia lãi từ dự án Sky Light. Đây là dự án được xây dựng trên phần đất thuộc nhà máy khóa Minh Khai trước đây trên cơ sở hợp tác kinh doanh giữa CTCP Khóa Minh Khai và công ty mẹ - Tổng Công ty COMA.

Để vực dậy, công ty cũng đã tiến hành cơ cấu lại nhân sự cấp cao, khi vị trí Tổng giám đốc đã được 'thay máu' tới 3 lần chỉ trong vòng 2 năm.

Dù vậy, tương lai phía trước vẫn còn rất mờ mịt. Mới đây, Khoá Minh Khai tiếp tục lọt "top" nợ thuế 8 tháng đầu năm 2019 của TP. Hà Nội. 

Hơn 20 năm bán khoá, hàng chục năm theo nghề, những người cựu công nhân đã chứng kiến những ngày hoàng kim và cả những ngày ổ khoá Minh Khai nép mình trong gian tủ. Cạnh tranh với đối thủ nội, đối thủ ngoại không khó bằng giành lại niềm tin của người dùng.


A.Vũ
Cùng chuyên mục