Khoảng trống an toàn lao động cho người di cư

Nguyệt Tạ Thứ ba, ngày 24/09/2019 06:30 AM (GMT+7)
Lao động di cư, đặc biệt di cư tự do lâu nay vẫn là đối tượng yếu thế, nằm ngoài vòng quản lý bảo trợ của chính sách xã hội. Không chỉ gặp khó khăn trong việc tiếp cận việc làm, hưởng các chế độ an sinh xã hội mà họ còn đối mặt với rất nhiều những nguy cơ tai nạn lao động trong lúc làm việc.
Bình luận 0

Tai nạn không dám điều trị

Chị Nguyễn Thị Hồng (45 tuổi) - lao động từ Nam Định lên TP.Hà Nội làm việc. Trải qua khá nhiều công việc từ bán báo, đánh giày, rồi bán bánh mì, nhặt đồng nát, tới giờ, chị Hồng làm giúp việc cho một gia đình với mức lương gần 5 triệu đồng/tháng.

img

Lao động di cư làm nghề thường xuyên đối diện với nguy cơ tai nạn lao động. Ảnh:  Nguyệt Tạ

Chị Hồng cho biết, hoàn cảnh gia đình khó khăn, chồng ốm, con còn đi học nên phải bươn chải kiếm sống. “Biết công việc nơi thành phố khó khăn, nhưng vì nghèo nên tôi phải cố. Trước đây, làm nghề đồng nát, có tháng tôi bị tai nạn lao động đứt chân, đứt tay vài lần. Nhẹ thì nằm nhà tự băng bó, tự rửa vết thương, nặng lắm tôi mới đi khám hoặc ra tiệm lấy thuốc uống” - chị Hồng kể.

Trình độ thấp, không có tay nghề, lao động di cư chấp nhận làm mọi việc vất vả, nguy hiểm để có tiền. Do đó, nhiều người bị tai nạn giao thông, tai nạn lao động khi làm việc. 

Tại một khu phố ở phường Đại Mỗ (Nam Từ Liêm, Hà Nội) nơi có những công trường xây dựng tấp nập, anh Nguyễn Văn Sang (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) đang đánh hồ cho tốp thợ xây nhà. Anh Sang cho biết, anh theo nghề phụ hồ đã được 10 năm. Vì làm ở quê thu nhập thấp nên anh xin theo tốp thợ của người quen lên thành phố làm việc với tiền công 280.000 đồng/ngày, cao gấp đôi ở quê.

Lương cao nhưng công việc của anh Sang thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ tai nạn lao động... Khi được hỏi về chuyện có được ký kết hợp đồng lao động không, anh Sang chia sẻ: “Từ ngày đi làm tới giờ tôi chưa biết hợp đồng lao động thế nào. Cứ đi làm theo chủ, chủ bao ăn ở, cuối tháng nhận tiền lương 1 cục. Còn lao động nào không may bị ốm đau, tai nạn lao động thì tự lo. Trừ khi gặp tai nạn chết người thì người ta mới đền bù” - anh Sang cho biết.

Chính sách thiếu và yếu

Theo bà Nguyễn Thị Thu Giang - Viện trưởng Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng Light, hiện nay đa phần lao động di cư, nhất là di cư tự do chưa được tiếp cận với các dịch vụ an sinh xã hội ở nơi đến làm việc. Hiện gần như 100% lao động di cư tự do không có bảo hiểm xã hội, 95% không có bảo hiểm y tế. Đó là chưa kể tới các vấn đề như khó tiếp cận với dịch vụ nhà ở, điện nước giá rẻ, việc làm an toàn, giáo dục cho con em của họ... “Vì không có BHYT nên khi bị tai nạn lao động, lao động di cư thường không dám đi khám bệnh vì sợ tốn kém. Nhiều người tự điều trị dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng” - bà Giang nói.

Ông Phạm Anh Thơ - Phó cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐTBXH) cho biết, mặc dù chưa có con số thống kê cụ thể, tuy nhiên theo đánh giá lao động di cư tự do cũng là đối tượng thường xuyên gặp phải các tai nạn lao động, nhất là lao động làm trong ngành xây dựng, bốc vác, đồng nát... Theo ông Thơ, Việt Nam đang đã triển khai việc đảm bảo an toàn lao động cho khu vực phi chính thức, tuy nhiên các chương trình cũng mới chỉ dừng lại ở triển khai thí điểm một số mô hình trong làng nghề, hoặc lĩnh vực nông nghiệp. Riêng lao động di cư tự do thì các chương trình hầu như chưa tác động tới.

“Chính phủ đang cố gắng đưa vấn đề này vào chính sách nhằm tăng độ bao phủ của các chính sách an sinh - xã hội nói chung và chính sách an toàn lao động nói riêng cho lao động di cư tự do” - ông Thơ nói.

Theo ông Thơ, sau khi làm điểm dự án đảm bảo an toàn lao động cho lao động ở các làng nghề, lao động trong lĩnh vực nông nghiệp thì chương trình sẽ mở rộng ra các nhóm đối tượng khác như lao động di cư tự do.

Kiến nghị thêm về mặt chính sách, bà Giang cho rằng: “Chính phủ cần xem xét lại chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện, theo đó cần nới rộng chế độ thụ hưởng. Thay vì chỉ được hưởng hai chế độ là tử tuất và lương hưu, lao động cần được chi trả chế độ tai nạn lao động, vì thực tế lao động tự do, lao động di cư tự do là đối tượng làm việc trong môi trường có nguy cơ mắc phải tai nạn lao động cao, cao hơn lao động có quan hệ lao động, làm việc trong cơ quan, công ty”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem