Đồng thời, chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án sang Phòng Cảnh sát kinh tế - PC46 (Công an TP.Đà Nẵng) tiếp tục điều tra, làm rõ.
Dựng lán trại trái phép trong Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà.
Trước đó, từ thông tin phản ánh, đoàn kiểm tra liên ngành đã tiến hành khám nghiệm tại khu vực rừng có dấu hiệu bị xâm hại ở tiểu khu 63. Kết quả ban đầu xác định có 13 cây gỗ có đường kính 40-87cm bị chặt ngã, cắt khúc lấy gỗ với khối lượng hơn 29,9m3. Trong đó có nhiều cây rừng nằm trong phạm vi đất rừng đặc dụng (Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà).
Các loại gỗ bị chặt hạ gồm chò chai, nhội (lội), dẻ, sồi, gội tẻ, lim xẹt, lòng mang, xoài rừng... Lực lượng chức năng cũng ghi nhận tại hiện trường có bốn điểm tập kết gỗ đã cắt đoạn. Riêng số cây ngã đổ do mưa bão, chết tự nhiên rất ít.
Chi cục Kiểm lâm TP.Đà Nẵng xác định phương thức, thủ đoạn chủ yếu của các đối tượng phá rừng là tranh thủ dọn dẹp sau bão để tổ chức khai thác thủ công, phân tán nhiều điểm rừng, không sử dụng xe, máy cơ giới trong rừng vì sợ bị phát hiện. Đối tượng sử dụng cưa máy cầm tay để chặt hạ cây rừng và cưa xẻ gỗ để sử dụng.
Về các đối tượng đã có hành vi khai thác rừng đặc dụng trái phép, cơ quan chức năng xác định ban đầu ông Phạm Trường Mai (Giám đốc Công ty TNHH MTV Trường Mai) đã chỉ đạo người lao động của công ty thu dọn vệ sinh rừng sau cơn bão năm 2011, 2015 tự ý cưa, cắt gỗ trong rừng tại tiểu khu 63.
Ngoài ra còn có ông Phạm Hùng Mạnh là quân nhân của Lữ đoàn Công binh 83, đại diện cho nhóm hộ trồng rừng. Sau khi ông Mạnh nhận hợp đồng giao khoán đất lâm nghiệp để trồng rừng nhưng ông này đã sử dụng sai mục đích trên một phần diện tích đất được giao khoán là tự ý hợp đồng liên doanh với Công ty TNHH MTV Trường Mai để xây dựng cơ sở hạ tầng trên đất lâm nghiệp kinh doanh ăn uống và du lịch sinh thái.
Đối với bốn hồ sơ giao khoán theo hợp đồng giao khoán để trồng rừng và phát triển kinh tế vườn cũng có nhiều vấn đề nghi vấn. Bốn hồ sơ giao khoán nhưng cùng một bản vẽ sơ đồ vị trí giao khoán. Đồng thời, ông Mạnh cũng có liên quan trong việc tự ý cưa, cắt gỗ trong rừng tại tiểu khu 63.
Trên cơ sở đó, Chi cục Kiểm lâm TP.Đà Nẵng kiến nghị xét thấy hành vi khai thác rừng nêu trên có dấu hiệu của tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng trong trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng nên đã khởi tố vụ án, chuyển cơ quan điều tra làm rõ. Cơ quan kiểm lâm cũng đề nghị cơ quan điều tra làm rõ hành vi vi phạm của các đối tượng khai thác rừng trái phép tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà nhằm mục đích răn đe, giáo dục, tránh tình trạng tiếp tục xâm hại rừng. Đồng thời làm rõ trách nhiệm của những tập thể, cá nhân có liên quan trong việc để xảy ra phá rừng.
Tấn Tài (Pháp luật TP.HCM)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.