"Không có khái niệm xét tuyển sớm đại học khi chưa hoàn thành chương trình THPT"

Tào Nga Chủ nhật, ngày 16/02/2025 10:46 AM (GMT+7)
Ngày 15/2, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) cho biết, Quy chế tuyển sinh đại học năm 2025 sẽ được ban hành trong tháng 2. Quy chế chính thức có một số điều chỉnh so với dự thảo ban đầu.
Bình luận 0

Những điểm mới trong kỳ tuyển sinh đại học năm 2025: Bỏ xét tuyển sớm

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Bộ GDĐT đã có quyết định về các điểm mới, sửa đổi trong Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non.

Cụ thể, thay vì giới hạn xét tuyển sớm không vượt quá 20% chỉ tiêu, Bộ GDĐT bỏ hẳn xét tuyển sớm. Như vậy, tất cả các phương thức sẽ được xét chung một đợt. Riêng với xét tuyển thẳng vẫn sẽ được thực hiện theo đúng quy chế của Bộ GDĐT.

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, việc xét tuyển sớm vốn không phải phương thức xét tuyển mà chỉ liên quan đến mặt thời gian: "Không phải vì xét tuyển sớm thí sinh sẽ tăng cơ hội trúng tuyển. Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GDĐT sẽ giúp thí sinh trúng tuyển vào nguyện vọng cao nhất, tốt nhất theo thứ tự ưu tiên. Vì vậy, những em có năng lực đều có cơ hội trúng tuyển chứ không làm mất đi cơ hội của bất kỳ ai".

"Không có khái niệm xét tuyển sớm đại học khi chưa hoàn thành chương trình THPT" - Ảnh 1.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại Hà Nội. Ảnh: Tào Nga

Ngoài ra theo quy chế, điểm cộng ưu tiên (điểm ưu tiên khu vực, ưu tiên đối tượng, theo quy định riêng của trường) của mỗi thí sinh sẽ không được vượt quá 10% mức điểm tối đa, đồng thời tổng điểm xét của thí sinh cũng không được vượt quá mức điểm tối đa.

Với các trường dùng kết quả học tập ở bậc THPT để xét tuyển, điểm mới trong quy chế tuyển sinh là phải dùng kết quả học tập của cả năm lớp 12. Theo bà Thủy, điều này nhằm tác động ngược trở lại tới giáo dục phổ thông, để học sinh không bỏ lỡ kiến thức quan trọng nhất của lớp 12, vốn là năm bản lề và là nền tảng để tiếp tục bước vào giai đoạn học tập cam go hơn nữa.

Một số điểm mới khác theo quy chế, các trường phải có cách thức quy đổi điểm trúng tuyển tương đương giữa các phương thức và tổ hợp xét tuyển về một thang chung. Ngoài ra, các trường được quyền quy đổi kết quả các chứng chỉ ngoại ngữ (theo danh mục của Quy chế thi tốt nghiệp THPT) thành điểm ngoại ngữ để xét tuyển.

Quy chế cũng bỏ yêu cầu mỗi ngành, mỗi chương trình đào tạo chỉ có tối đa 4 tổ hợp xét tuyển. Đặc biệt, kể từ năm 2026 các môn chung giữa các tổ hợp xét tuyển phải chiếm tối thiểu 50% trọng số điểm xét tuyển.

Ngoài ra ngưỡng điểm đảm bảo khối ngành sức khoẻ và đào tạo giáo viên sẽ giữ như quy chế hiện hành, chưa áp dụng điều chỉnh này ngay trong năm nay.

"Mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng tuyển sinh"

Trao đổi với PV báo Dân Việt, PGS.TS. Nguyễn Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế cho rằng: "Xét tuyển sớm là vấn đề được nhiều người quan tâm mỗi mùa tuyển sinh. Thực tế tuyển sinh sớm cũng có những tác động khiến nhiều người bàn luận, đặc biệt là sự công bằng trong tuyển sinh. 

Nếu tỷ lệ tuyển sinh sớm quá nhiều sẽ gây ra sự mất cân bằng và tạo ra sức ỳ cho người học vì các em đang học lớp 12 đã chắc suất vào một trường đại học nào đó. Rất nhiều chuyên gia giáo dục cũng như các trường ủng hộ việc giảm chỉ tiêu xét tuyển sớm hoặc bỏ xét tuyển sớm bởi phù hợp với xu thế dành phần lớn chỉ tiêu để xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT cũng như dựa trên kết quả đánh giá năng lực của nhiều trường đại học lớn".

PGS.TS. Nguyễn Thanh Hùng cũng chia sẻ thêm: "Trong tiến trình phát triển, mỗi trường sẽ có cách khác nhau để quảng bá thương hiệu nhà trường, nâng cao chất lượng đào tạo cũng như kèm theo các chế độ chính sách về học bổng cho người học để thu hút công tác tuyển sinh. Mỗi lần có thay đổi mới chắc chắn sẽ gặp khó khăn nhưng mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng tuyển sinh cho các nhà trường và đặc biệt là có số lượng người học vào đại học có chất lượng để đào tạo nhân tài cho quốc gia trong tương lai".

TS. Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đồng tình việc bỏ xét tuyển sớm trong tuyển sinh đại học hiện nay.

Theo lý giải của TS Khuyến, điều này phù hợp với Thông lệ quốc tế (Theo ISCED 2011) là nếu chưa hoàn thành một chương trình THPT thì không được tiếp cận trực tiếp lên giáo dục đại học. Tại Việt Nam, Điều 34 Luật Giáo dục cũng nhấn mạnh học sinh học hết chương trình THPT, đủ điều kiện dự thi, nếu không thi hoặc thi trượt sẽ được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình GDPT và chỉ được theo học giáo dục nghề nghiệp.

Điều 28 Luật Giáo dục cũng cho biết: Trường hợp đặc cách, học sinh được quyền học vượt lớp chỉ rơi vào nhóm phát triển sớm về trí tuệ, tuy nhiên trường hợp này rất ít. Điều 34 Luật Giáo dục đại học (Khoản 2) nêu rõ: Cơ sở giáo dục đại học chỉ được tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh (thi tuyển xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển). Nội dung và độ khó của đề thi phải phù hợp với chương trình THPT và định hướng của ngành học. Ví dụ không thể lấy điểm IELTS là tiêu chí duy nhất xét tuyển vào mọi ngành học.

"Chưa hoàn thành chương trình THPT (hoặc hoàn thành Chương trình THPT nhưng chưa đủ điều kiện) thì không được tham gia xét tuyển vào đại học. Không có khái niệm xét tuyển sớm đại học khi chưa hoàn thành chương trình THPT", TS Khuyến nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem