Theo PGS Thuấn, đối với các nước, "đỉnh cao" mắc ung thư vú thường là 60-65 tuổi. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì "đỉnh" chỉ 40-50 tuổi, tức là trẻ hơn nhiều so với các nước khác và ngày càng trẻ hơn. Thậm chí, các bác sĩ đã gặp trường hợp chỉ 20-21 đã bị ung thư vú. Nhất là đối với phụ nữ chưa chồng mà bị ung thư vú, phải cắt bỏ vú là nỗi buồn đau của nhiều cô gái. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các bên liên quan để tìm câu trả lời cho xu hướng trẻ hóa ung thư này” – PGS Thuấn nói.
PGS Thuấn cũng cho biết, ung thư vú nói riêng và ung thư nói chung cũng đang có xu hướng gia tăng và đang trở thành gánh nặng cho nhiều gia đình, xã hội. Mỗi năm, trên thế giới có khoảng 1,7 triệu ca ung thư vú mới, chiếm khoảng 12% tổng số ca mắc mới và 25% tổng số ung thư ở phụ nữ. Còn tại Việt Nam, ung thư vú là loại ung thư có tỷ lệ mắc mới cao nhất ở phụ nữ. Theo số liệu năm 2010, ước tính có khoảng 28,1 ca ung thư vú/100.000 phụ nữ.
Khám vú tại Bệnh viện K T.Ư sáng 26.4. Ảnh: D.L
Bác sĩ Nguyễn Minh Khánh (Khoa Ngoại vú – Bệnh viện K T.Ư) cũng cho biết, bác sĩ cũng gặp nhiều bệnh nhân phải cắt bỏ vú khi tuổi còn trẻ, thậm chí cả cô gái mới hơn 20 tuổi, chưa chồng. Như năm 2016, cả khoa đã có tiếp nhận hơn 2.400 lượt bệnh nhân điều trị. Đáng lưu ý, tỷ lệ bệnh nhân phải cắt bỏ vú là rất lớn.
“Điều này có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là nhiều bệnh nhân phát hiện bệnh muộn, khối u to hoặc di căn lan tỏa nên phải cắt bỏ vú. Điều nữa là do ngực của phụ nữ Việt Nam khá bé, vì thế, khối u dù chưa lớn cũng đã chiếm gần hết diện tích vú. Ngoài ra, một yếu tố quan trọng khác là tâm lý của bệnh nhân sợ nếu chỉ phẫu thuật loại bỏ khối u thì sẽ không “triệt tận gốc” tế bào ác nên yêu cầu phẫu thuật cắt bỏ vú, dù bác sĩ khuyến cáo là chỉ nên phẫu thuật một phần” – bác sĩ Quang cho biết.
Theo bác sĩ Khánh, dù số ca cắt bỏ vú nhiều nhưng bệnh viện cũng có nhiều kỹ thuật để tạo ngực thẩm mỹ cho bệnh nhân như dùng mô mỡ, da bụng hoặc cơ lưng to lên đắp ngực, đặt túi silicon…
PGS Thuấn khuyến cáo, tỷ lệ chữa khỏi ung thư vú giai đoạn sớm ngày càng cao. Nếu như những năm 1990, ung thư vú được phát hiện giai đoạn sớm tỷ lệ sống trên 5 năm chỉ đạt gần 6% thì hiện nay đã lên tới gần 86%. Do đó chị em nên thường xuyên đi tầm soát ung thư hoặc tự khám ngực cho mình để phát hiện ra các khối u khác lạ. Nếu gia đình nào có người thân đã từng bị ung thư vú thì mẹ, con hoặc chị em ruột trong gia đình cần đi tầm soát ung thư sớm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.