Không nên có vùng cấm trong phản biện

Thứ ba, ngày 21/06/2011 10:57 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Một trong những nhiệm vụ của báo chí là phản biện. Không phản biện không phải là báo chí cách mạng. Để làm tốt vai trò phản biện cũng như tạo sự đồng thuận lớn trong xã hội, nhất thiết không nên tạo vùng cấm trong hoạt động của báo chí”.
Bình luận 0

 Nhà báo Thái Duy - cựu phóng viên Báo Cứu Quốc, tác giả của nhiều bài báo phản biện, đồng thời là tác giả của sách “Sống như Anh” chia sẻ như vậy khi trao đổi với phóng viên NTNN

Không phản biện không phải là báo chí

Thưa ông, gần đây dư luận nhân dân đánh giá rất cao vai trò phản biện của báo chí, nhất là những phản biện về các vụ việc lớn như Vinashin, boxit Tây Nguyên, dự án đường sắt cao tốc... Ở góc nhìn của người có nhiều tác phẩm phản biện gây sự chú ý, ông đánh giá thế nào về xu thế phản biện gần đây của báo chí?

- Tôi nghĩ rằng, ở giai đoạn nào báo chí cách mạng Việt Nam cũng làm tốt nhiệm vụ phản biện. Thời của chúng tôi, phản biện chủ yếu tìm cái mới trong điều hành mọi mặt về sản xuất, ví dụ về nông nghiệp thì có các mô hình khoán chui, khoán hộ.

img
Các phóng viên tác nghiệp tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XII.

Còn nhớ, thời điểm đó khoán chui, tiền thân của khoán sản phẩm, khoán hộ hiển nhiên là sáng tạo, tìm tòi của một số đảng viên. Họ đã bất chấp những đe doạ để giải phóng sức lao động của người nông dân. Tiếng nói phản biện, ủng hộ cái mới của báo chí thời đó đã góp phần làm cho khoán chui càng sớm được công nhận.

Còn hiện nay, bước vào giai đoạn mới, vai trò phản biện của báo chí càng thể hiện rõ hơn, mạnh mẽ hơn. Báo chí phản biện từ việc điều hành kinh tế, chống tham nhũng, kể cả những vấn đề nhạy cảm trong các hoạt động của Đảng, như dân chủ trong Đảng, chất vấn trong Đảng. Cá nhân tôi đánh giá, không khí phản biện của báo chí đang rõ hơn, thể hiện sự dân chủ của chúng ta đang ngày càng tiến bộ.

img
Nhà báo Thái Duy

Thực tế, phản biện là tốt, là nhằm phát huy dân chủ xã hội và quyền làm chủ của nhân dân nhưng theo ông phản biện đến mức độ nào thì hợp lý?

- Đã là phản biện thì phải phản biện tận cùng để góp phần làm rõ đúng, sai. Nếu làm tốt nhiệm vụ phản biện trong bối cảnh hiện nay đồng nghĩa với việc chúng ta đang bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân. Nói cái xấu, cái dở, cái chưa hay là nhằm tìm ra cái mới, cái tiến bộ chứ không phải hại ai.

Nhưng cũng cần lưu ý là, không phải cái gì nói hết cũng đã là hay. Muốn góp ý, cũng nên góp ý có chừng mực. Người ta đã nhận ra cái sai, anh còn phản biện, còn góp ý thì đó không phải vì mục đích xây dựng. Quan điểm của tôi là phải phản biện, càng phản biện càng yêu nước, nhưng phản biện quá mức, nói quá là không nên.

Nhiều phản biện đã được tiếp thu

Nhiều ý kiến cho rằng, muốn báo chí phát huy được sức chiến đấu thì không nên tạo vùng cấm trong phản biện của báo chí. Ý kiến của ông như thế nào?

- Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã luôn khẳng định, trong chống tham nhũng không có vùng cấm. Điều này rất đúng. Chúng ta đã quyết tâm chống tham nhũng thì đương nhiên không thể tạo vùng cấm cho bất kỳ ai cả.

Báo chí hoạt động theo định hướng của Đảng, Nhà nước, hoạt động theo quy định của Luật Báo chí. Ai làm trái luật cứ thế mà xử lý, thậm chí phạt tù. Vậy thì cần gì phải có vùng cấm trong hoạt động của báo chí.

Báo chí cần được phản biện ở tất cả các lĩnh vực, ở cả những vấn đề nhạy cảm kể cả phản biện trong hoạt động Đảng, trong điều hành kinh tế... vì đó là nhiệm vụ, là quyền của họ.

Thời gian qua, theo ông, sự tiếp thu của các cơ quan nhà nước đối với những phản biện của báo chí như thế nào?

Nếu làm tốt nhiệm vụ phản biện trong bối cảnh hiện nay đồng nghĩa với việc chúng ta đang bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân. Nói cái xấu, cái dở, cái chưa hay của chủ thể bị phản biện là nhằm tìm ra cái mới, cái tiến bộ.

- Tôi nghĩ Đảng, Nhà nước đã có sự tiếp thu, điều chỉnh. Chẳng hạn như vụ Vinashin, sau khi báo chí phản biện, đeo đuổi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định là không để vụ việc chìm xuồng; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cam kết sẽ xử lý nghiêm những người vi phạm. Nói thế chứng tỏ Đảng, Nhà nước đã tiếp thu ý kiến của dư luận, của nhân dân, của báo chí. Vấn đề là chúng ta chờ xem Quốc hội khoá XIII họp tới đây xử lý thế nào thôi. Rất mong xử lý tốt, xử lý đúng người, đúng tội.

Hoặc dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam, ngoài ý kiến phản biện của các ĐBQH, còn có ý kiến phản biện mạnh mẽ từ các cơ quan báo chí. Do đó, Quốc hội đã cân nhắc và cuối cùng không thông qua. Nhiều người nói, Quốc hội chưa thông qua dự án này là có công rất lớn của báo chí. Những ví dụ như thế để thấy báo chí phản biện là hết sức cần thiết, thiếu sự tham gia của phản biện báo chí sẽ rất khó đạt kết quả như Đảng và nhân dân mong muốn, nhất là phản biện tại Quốc hội.

Đừng phản biện vì cá nhân

Dù đã có tiếp thu như ông nói nhưng rõ ràng cũng mới ở mức vừa phải, như vụ thuỷ điện gây lũ, nhà máy điện hạt nhân... Phải chăng, đôi khi chúng ta vẫn chưa coi những phản biện của báo chí là một kênh thông tin thực sự quan trọng trong phát triển?

- Đúng. Nhiều nơi đã tiếp thu nhưng cũng có nơi tiếp thu nửa vời. Nếu báo chí phản biện, rồi nhận lỗi, tiếp thu hết nghĩa là anh thừa nhận cái sai. Tự mình nhận ra cái sai không phải lúc nào cũng dễ. Ở Việt Nam, không ai nhận hết cái sai về mình. Ở nước ngoài, khi các cá nhân có dính dáng đến tiêu cực, đều bị Quốc hội bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Ở ta cũng có cơ chế này nhưng rất ít khi thực hiện. Nên nhớ ở Nhật Bản, mới chỉ liên quan đến việc có tin đồn con gái dựa vào chức quyền của bố để chạy việc, Bộ trưởng Ngoại giao đã phải từ chức. Việt Nam đâu làm được thế.

Nhân đây, cũng nói thêm rằng, mỗi khi chưa nhận ra cái sai, báo chí cần kiên trì phản biện. Nếu 2 bên “cọ sát” nhau thì đều có lợi: làm cho cái xấu bớt đi, cái tốt tăng lên.

Ông đã có nhiều tác phẩm báo chí ở dạng chính luận, phản biện tạo hiệu ứng lớn. Mỗi khi có những phản biện như vậy, ông có hay bị nhắc nhở không?

- Nói thật là tôi không bị nhắc nhở, soi mói. Có chăng chỉ có lãnh đạo của tôi là phải đứng mũi chịu sào. Nhưng tôi nghĩ, cũng không có vấn đề gì lớn đối với tổng biên tập của tôi cả. Thậm chí, nếu có bị như thế, tôi và Tổng biên tập lại động viên nhau, rút kinh nghiệm để làm tốt hơn chứ không bao giờ lại giảm phản biện.

Phản biện là chức năng tối quan trọng của báo chí, tôi là nhà báo nên có nhiệm vụ thực hiện tốt điều đó. Tôi phản biện vì cái chung, vì lợi ích của đất nước, của người dân nên nếu có đụng chạm, tôi nghĩ cũng không ai bắt bẻ tôi và tờ báo của tôi. Phản biện đừng vì cá nhân mình, mà hãy vì tập thể, vì quyền lợi của đất nước. Muốn làm được điều đó, các nhà báo cần phải chú ý đến kỹ năng, năng lực của mình khi bắt tay thực hiện các bài viết có tính phản biện!

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem