Không phải tâm thần, nhưng thiếu nữ 16 tuổi luôn bị kích động
Không phải tâm thần nhưng căn bệnh này khiến thiếu nữ 16 tuổi luôn bị kích động
Thứ năm, ngày 29/12/2022 22:47 PM (GMT+7)
Đang bình thường, thiếu nữ 16 tuổi ở Bình Dương bỗng liên tục nghe tiếng nhạc bên tai, xuất hiện tình trạng nói nhảm, co giật và kích động, phải điều trị tâm thần nhưng tình trạng không cải thiện.
G.H. (16 tuổi, ngụ tại tỉnh Bình Dương) vào Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TPHCM) chiều 30/11 trong tình trạng lơ mơ, co giật vùng cổ, mặt.
Khai thác bệnh sử, trước khi nhập viện khoảng một tháng, H. có các triệu chứng rối loạn về tâm thần như ảo thanh (thường xuyên nghe tiếng nhạc bên tai), nói nhảm, kích động. Thiếu nữ được đưa đi điều trị tâm thần, nhưng triệu chứng không cải thiện mà dần dần xuất hiện thêm các cơn co giật. Bệnh nhân được dùng thuốc chống động kinh nhưng triệu chứng không cải thiện.
Tại khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, các bác sĩ khám và làm các xét nghiệm công thức máu, miễn dịch, chụp cộng hưởng từ não, chọc dò dịch não tủy... Kết quả cho thấy bệnh nhân có kháng thể kháng thụ thể NMDA (M-methyl-D-aspatic acid), chẩn đoán viêm não tự miễn.
Tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (ICU), bệnh nhân được tiến hành 10 chu kỳ thay huyết tương. Sau 2 tuần điều trị tích cực, H. tỉnh táo, có thể nói chuyện trực tiếp với người thân. Đến ngày 19/12, bệnh nhân được chuyển trở lại khoa Nội Thần kinh. Hiện tại, tình trạng sức khỏe người bệnh ổn định và có thể xuất viện trong vài ngày tới.
ThS.BS Võ Văn Tân, Trưởng khoa Nội Thần kinh cho biết, viêm não tự miễn do kháng thể kháng thụ thể NMDA là bệnh lý tự miễn, trong đó cơ thể sản sinh ra các kháng thể có hoạt động chống lại thụ thể của não.
Viêm não tự miễn được chẩn đoán dựa vào các triệu chứng lâm sàng thường gặp, bao gồm thay đổi tính cách, rối loạn tâm thần, loạn động, co giật, rối loạn thần kinh thực vật kết hợp xét nghiệm dịch não tủy, tìm kháng thể kháng thụ thể NMDA, tầm soát u quái buồng trứng đối với nữ hoặc u tế bào mầm tinh hoàn đối với nam. Hầu hết bệnh nhân có rất nhiều các triệu chứng, được ghi nhận thay đổi theo từng trường hợp và lứa tuổi.
Có 6 nhóm triệu chứng chính của bệnh, bao gồm rối loạn hành vi hoặc chức năng nhận thức, rối loạn lời nói, loạn động lời nói hoặc thân mình, co giật, rối loạn thần kinh thực vật.
Các bệnh nhân viêm não tự miễn nặng cần hồi sức tích cực kết hợp với thuốc ức chế miễn dịch và globulin miễn dịch, thay huyết tương. Nếu không được chẩn đoán và điều trị thích hợp, bệnh có tỷ lệ tử vong cao. Khi được can thiệp sớm, có 75% bệnh nhân sẽ hồi phục hoàn toàn, 25% bệnh nhân sẽ để lại di chứng nặng nề hoặc tử vong.
Bác sĩ Tân khuyến cáo, tình trạng viêm não tự miễn rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý về tâm thần, nếu không được chẩn đoán chính xác và có phác đồ phù hợp. Chính vì, khi thấy có những triệu chứng nêu trên, bệnh nhân cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.