Không thể để doanh nghiệp FDI một đường, doanh nghiệp Việt một nẻo!

26/07/2020 10:00 GMT+7
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: “Câu chuyện con gà quả trứng xảy ra nhiều năm qua và không thể tiếp tục để doanh nghiệp FDI một đường, doanh nghiệp Việt một nẻo. Bởi đáng lẽ doanh nghiệp Việt có thể phát triển mạnh hơn, tận dụng FDI để lớn lên”.

Covid-19 bên cạnh những tác động tiêu cực cũng đang đem lại cơ hội thị trường khi hình thành chuỗi giá trị liên kết mới, các quốc gia đi theo định hướng không phụ thuộc hoàn toàn vào một thị trường.

Đồng thời, đây cũng được đánh giá là cơ hội tốt để doanh nghiệp nhìn lại và tái cấu trúc nhằm có bước đi sắp tới bền vững hơn. Nếu không lớn lên, doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể thua trên sân nhà, đánh mất thị trường xuất khẩu từ hiệp định FTA đã nỗ lực ký kết.

Không thể để doanh nghiệp FDI một đường, doanh nghiệp Việt một nẻo! - Ảnh 1.

Làm thế nào để doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) có thể lớn lên để tham gia vào chuỗi giá trị?

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho hay, trong 6 tháng đầu năm, cả nước có hơn 62.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 697 nghìn tỷ đồng. Dù có mức tăng trưởng về số lượng, nhưng hạn chế của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn là năng lực cạnh tranh, tham gia thị trường, tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị còn hạn chế.

Làm thế nào để doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) có thể  lớn lên để tham gia vào chuỗi giá trị là một câu hỏi lớn, cần sự tham gia vào cuộc của cả  hệ thống chính trị để có thể “kết dính” với nhau.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nêu ra hai nguyên nhân chính khiến các SME vẫn khó kết nối được với các doanh nghiệp FDI. Thứ nhất, các doanh nghiệp lớn và FDI khi vào Việt Nam hay khi quyết định dự án thường đã có sẵn chuỗi cung ứng sẵn sàng đi theo hoặc tự phát triển chuỗi khép kín. Cơ hội tham gia của doanh nghiệp nhỏ Việt Nam còn rất khó khăn.

Thứ hai chính từ quy mô nhỏ bé của doanh nghiệp Việt Nam cùng sự hạn chế trong trình độ công nghệ quản lý và chất lượng nhân lực. Các doanh nghiệp hầu như không có khả năng tích tụ vốn để đầu tư, nâng cao năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu khắt khe. Bên cạnh đó, còn tồn tại tâm lý e dè khi nâng cấp tiêu chuẩn để có bước đi đột phá.

Băn khoăn của các doanh nghiệp Việt là nếu đầu tư mà cuối cùng sản phẩm không tham gia được vào chuỗi sẽ không biết bán cho ai. Trong khi đó, từ phía doanh nghiệp FDI, các tiêu chuẩn đối với sản phẩm hàng hóa mà các doanh nghiệp trong nước chưa đáp ứng được luôn là các rào cản.

Thực tế, từ lâu rất nhiều chuyên gia kinh tế đã cảnh báo về việc để nền kinh tế có hai khu vực độc lập sẽ khó tạo được sự kết dính hỗ trợ lẫn nhau. Vì thế, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: “Câu chuyện con gà quả trứng xảy ra nhiều năm qua và không thể tiếp tục để doanh nghiệp FDI một đường, doanh nghiệp Việt một nẻo. Bởi đáng lẽ doanh nghiệp Việt có thể phát triển mạnh hơn, tận dụng FDI để lớn lên”.

Để giải bài toán vươn lên tham gia vào chuỗi giá trị của các doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, nỗ lực của doanh nghiệp là yếu tố chính, hỗ trợ của địa phương rất quan trọng, đồng thời, định hướng Nhà nước mang tính quyết định.

Thực tế những vấn đề trên trong suốt thời gian qua đã được bàn bạc mổ xẻ rất nhiều. Đã có rất nhiều giải pháp được đưa ra nhưng đến nay mối quan hệ giữa doanh nghiệp nội và doanh nghiệp ngoại vẫn rất khó có sự kết dính. Trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp nội phải chịu thua tấm tức trên sân nhà.

Sự hỗ trợ của Chính phủ và các bên liên quan là cần thiết nhưng nỗ lực của các doanh nghiệp phát huy sức sáng tạo, thích ứng hoàn cảnh mới vẫn là yếu tố chính để giải bài toán này. Nhiệm vụ của các doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm SME là đầu tư nâng cấp để đáp ứng được yêu cầu chuỗi giá trị. Trong khi đó, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn cần phát huy vai trò dẫn dắt, ưu tiên doanh nghiệp trong nước tham gia để thiết lập vị thế mới của thương hiệu Việt ở thị trường trong và ngoài nước. Đối với các doanh nghiệp FDI, Chính phủ có chính sách thu hút nhưng yêu cầu có mối quan hệ tương hỗ để cùng lớn mạnh, tăng cường liên kết chuyển giao công nghệ, kiến thức.

Đức Minh/Petrotimes
Cùng chuyên mục