dd/mm/yyyy

Khu vực 1.500 tấn cá chết ở Đồng Nai: Nước có khí độc vượt mức

Mẫu nước ở sông La Ngà có hàm lượng Ôxy hòa tan thấp trong khi nhiều khí độc vượt mức cho phép khiến môi trường nuôi bị ảnh hưởng, làm cá chết hàng loạt.

Ngày 22.5, liên quan vụ cá chết hàng loạt trên sông La Ngà (huyện Định Quán, Đồng Nai), Sở NN&PTNT Đồng Nai đã có kết quả xét nghiệm nguồn nước sông.

Người dân vớt xác cá chết. Ảnh: Ngọc An.
Người dân vớt xác cá chết. Ảnh: Ngọc An.

Theo Sở NN&PTNT Đồng Nai, nguồn nước sông La Ngà vào thời điểm cá chết hàng loạt có nồng độ ôxy hòa tan (DO) ở mức thấp, tức chỉ 2,6 - 3,2 mg/lít trong khi hàm lượng này phải đạt từ 4 mg/lít trở lên. Qua xét nghiệm, lực lượng chức năng cũng phát hiện nồng độ NH4 (Amoniac), khí NO2 (Nitrite)… vượt ngưỡng cho phép 10-20 lần.

Trước khi xảy ra hiện tượng cá chết, khu vực huyện Định Quán xảy ra mưa lớn và kéo dài trong khoảng 7 giờ. Theo Sở NN&PTNT Đồng Nai, lượng nước mưa sau đó đổ về sông La Ngà và có thể mang các chất ô nhiễm làm tăng tính độc của khí NH4, NO2, CH4 (mê tan)…. làm cá chết hàng loạt.

Cá chết hàng loạt ở các bè nuôi trên sông La Ngà. Ảnh: Ngọc An.
Cá chết hàng loạt ở các bè nuôi trên sông La Ngà. Ảnh: Ngọc An.

Ban đầu, Chi cục thủy sản Sở NN&PTNT Đồng Nai nhận định cá chết do sự biến đổi bất lợi về môi trường.

Về phương hướng hỗ trợ ngư dân bị thiệt hại, lãnh đạo Sở NN-PTNT nói trường hợp cá chết do thiên tai thì sở kiến nghị tỉnh Đồng Nai hỗ trợ người dân tiền để tái sản xuất. Trường hợp cá chết do xả thải của các nhà máy, sở sẽ đề nghị công an vào cuộc điều tra, xử lý theo pháp luật.

Trước đó, vào đêm 20.5, cá nuôi ở các bè trên sông La Ngà có biểu hiện bơi chậm, nổi lên mặt nước đớp bọt khí sau đó chết ồ ạt. Do cá chết nhanh nên người dân không kịp trở tay, thiệt hại nặng nề về kinh tế. Đến sáng 21.5, cá tiếp tục chết nên người dân buộc bán cho thương lái với giá từ 2.000-8.000 đồng/kg.

Thống kê ban đầu của Sở NN&PTNT, có khoảng 1.500 tấn cá chép, cá lăng, diêu hồng… của 80 hộ nuôi bị chết, thiệt hại nhiều tỉ đồng.

Ngọc An