|
Khuê Văn Các gắn với không gian Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Tuổi Trẻ |
Chiều 21.11, Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô với số phiếu tán thành chiếm 75,7%.
Cơ bản luật giữ nguyên điều kiện đăng ký thường trú như quy định của Luật Cư trú đối với các trường hợp được điều động, tuyển dụng đến làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, làm việc theo hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động không xác định thời hạn, về ở cùng với người thân hoặc trước đây đã từng có hộ khẩu trong nội thành...
Ngoài các trường hợp nêu trên, Luật Thủ đô quy định, người muốn đăng ký thường trú vào nội thành phải tạm trú liên tục tại nội thành từ 3 năm trở lên, có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở, bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của HĐND TP. Hà Nội và được sự đồng ý bằng văn bản cho đăng ký thường trú vào nhà thuê của tổ chức, cá nhân có nhà cho thuê.
Với việc lựa chọn biểu tượng của thủ đô, có nhiều ý kiến đề nghị cần tổ chức cuộc thi để lựa chọn biểu tượng; xem xét có thể lựa chọn Hồ Gươm, Chùa Một Cột, Cột cờ Hà Nội… làm biểu tượng của thủ đô. Tuy nhiên, UBTVQH đánh giá, Khuê Văn Các là công trình văn hoá, lịch sử có kiến trúc độc đáo, nổi bật trong quần thể Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Công trình này vừa thể hiện được truyền thống hiếu học của người Việt Nam, vừa thể hiện được nền văn hiến lâu đời của nước ta, vừa bảo đảm tính thẩm mỹ và trang trọng làm biểu tượng cho thủ đô Hà Nội.
Do đó, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho được chọn và quy định trong luật này rằng: Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám là biểu tượng của thủ đô Hà Nội. Theo kết quả phiếu xin ý kiến ĐBQH, đã có 307/363 đại biểu tán thành.
Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành từ 1.7.2013.
Hải Phong
Vui lòng nhập nội dung bình luận.