2 tài xế chèn ép xe nhau "như trong phim" trên cao tốc Trung Lương-TP.HCM qua Long An, có thể bị phạt ra sao?
2 tài xế chèn ép xe nhau "như trong phim" trên cao tốc Trung Lương-TP.HCM qua Long An, có thể bị phạt ra sao?
Minh Tiến
Thứ sáu, ngày 29/11/2024 11:40 AM (GMT+7)
Luật sư cho rằng, tình trạng các phương tiện giao thông lạng lách, đánh võng, chèn ép nhau trên đường đang là vấn đề nhức nhối, không chỉ cản trở giao thông mà còn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn nghiêm trọng, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội và coi thường pháp luật.
2 tài xế chèn ép xe nhau "như trong phim" trên cao tốc
Ngày 17/10, mạng xã hội xuất hiện clip ghi lại cảnh xe tải đầu kéo container mang biển kiểm soát 50H-166.22 lạng lách, chèn ép không cho xe tải mang biển kiểm soát 98H-026.64 vượt qua, clip cũng ghi cảnh trước đó xe tải lạng lách định vượt qua xe container.
Hai xe này đã lạng lách, rượt đuổi, chèn ép nhau đoạn đường dài hơn 200m từ làn khẩn cấp ra hai làn xe còn lại, khiến hai xe gần như muốn va chạm trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Trong khi đó, các xe phía sau không thể di chuyển qua.
Sau khi clip xuất hiện, nhiều người đã rất bức xúc trước hành vi coi thường pháp luật, tính mạng người khác của 2 tài xế.
Qua đó, nhiều người cũng đề nghị, ngành chức năng sớm vào cuộc, xem xét xử lý hình sự hành vi trên nhằm răn đe, bảo đảm an toàn cho các phương tiện lưu thông trên cao tốc.
Theo Đội CSGT tuần tra cao tốc số 7, qua trích xuất camera và xác minh cho thấy, vụ việc xảy ra thuộc đoạn qua địa bàn xã Lợi Bình Nhơn. TP.Tân An (Long An) lưu thông hướng từ TP.HCM đi miền Tây.
Kết quả xác minh làm rõ danh tính 2 tài xế điều khiển hai phương tiện là Phương Hồ Nhật Linh (44 tuổi, ngụ huyện Châu Thành, Trà Vinh) điều khiển ô tô tải đầu kéo container biển kiểm soát 50H-166.22, tài xế Lưu Công Thành (31 tuổi, ngụ Tịnh Biên, An Giang) điều khiển ô tô tải đầu kéo container biển kiểm soát 98H-026.64.
CSGT tuần tra cao tốc tuyến Trung Lương-TP.HCM bàn giao hồ sơ, thủ tục khi làm rõ tài xế và phương tiện cho Công an tỉnh Long An thụ lý điều tra theo thẩm quyền.
Trưa 28/11, thông tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Tân An (tỉnh Long An) cho biết, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 2 tài xế Phương Hồ Nhật Linh (44 tuổi, ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) và Lưu Công Thành (31 tuổi, ngụ Tịnh Biên, tỉnh An Giang) để điều tra làm rõ về tội "Gây rối trật tự công cộng".
Chèn ép nhau trên cao tốc có thể chịu trách nhiệm hình sự nếu đủ căn cứ
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho biết, hiện nay, tình trạng các phương tiện giao thông lạng lách, đánh võng, chèn ép nhau trên dường đang là vấn đề nhức nhối, không chỉ cản trở giao thông mà còn tiểm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn nghiêm trọng, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội và coi thường pháp luật.
"Vì vậy, cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm những trường hợp này để làm gương, răn đe tới người dân khi tham gia giao thông", luật sư Bình nhấn mạnh.
Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ hiện hành, pháp luật nghiêm cấm các hành vi lạng lách đánh võng; các hành vi vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, hành vi khác gây nguy hiểm cho người và phương tiện giao thông đường bộ.
Do đó, giả sử cơ quan chức năng xác định các tài xế có sai phạm thì tùy vào tính chất và mức độ của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự và bồi thường thiệt hại (nếu có).
Về xử lý vi phạm hành chính:
Luật sư Diệp Năng Bình cho biết, theo điểm đ khoản 5, điểm b khoản 7 và điểm b, c khoản 11 Điều 5 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 123/2021/NĐ-CP) của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, về xử phạt người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô (bao gồm cả ô tô tải) vi phạm quy tắc giao thông đường bộ.
Người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định (làn cùng chiều hoặc làn ngược chiều), điều khiển xe đi qua dải phân cách cố định ở giữa hai phần đường xe chạy.
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng; chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường bộ.
Đồng thời, người vi phạm còn phải chịu hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 04 tháng.
Về xử lý hình sự:
Nếu hành vi trên có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị xử lý theo Điều 260 hoặc Điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, cụ thể:
Căn cứ Điều 260 của Bộ luật này quy định về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, người phạm tội có thể chịu mức phạt thấp nhất là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến cao nhất là. 15 năm tù giam. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Căn cứ Điều 318 của Bộ luật này quy định về tội gây rối trật tự công cộng, người phạm tội có thể chịu mức phạt thấp nhất là phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến cao nhất là 07 năm tù giam.
"Từ vụ việc trên, người dân cần tuân thủ quy định của pháp luật khi tham gia giao thông, giữ thái độ bình tĩnh, ôn hòa và có lời nói, hành xử văn minh, đúng pháp luật khi giải quyết vụ việc." luật sư Bình khuyến cáo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.