Khủng hoảng nợ ở China Evergrande và hệ lụy với phần còn lại của thế giới

21/09/2021 10:38 GMT+7
Cuộc khủng hoảng thanh khoản tại China Evergrande, nhà phát triển bất động sản hàng đầu Trung Quốc đang có nguy cơ làm rung chuyển thị trường toàn cầu cũng như để lại ảnh hưởng nhất định cho nền kinh tế thế giới.

Chính phủ Trung Quốc sẽ “cứu’ China Evergrande?

Trong phiên giao dịch hôm 20/9 vừa qua, cổ phiếu China Evergrande đã tụt mạnh 19% do tập đoàn này cảnh báo tình hình thanh khoản tồi tệ và nguy cơ vỡ nợ trong khi hàng loạt khoản thanh toán lãi suất trái phiếu sẽ đến hạn vào tuần này.

Các chiến lược gia quan ngại khủng hoảng thanh khoản tại China Evergrande, nhà phát triển bất động sản hàng đầu Trung Quốc có thể lan tỏa tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu, dù rằng chính phủ Bắc Kinh có khả năng sẽ hành động trước khi vụ việc gây ra thiệt hại trong hệ thống ngân hàng nội địa. Câu hỏi đặt ra lúc này là Bắc Kinh sẽ làm gì, vào khi nào, và liệu họ có khởi động một cuộc tái cấu trúc với China Evergrande như nhà đầu tư mong đợi hay sẽ để mặc gã khổng lồ bất động sản này vỡ nợ. 

Jimmy Chang, giám đốc đầu tư tại Rockefeller Global Family Office nhận định: “Thị trường đều mong đợi chính phủ sẽ đưa ra một số giải pháp, vì China Evergrande là một tập đoàn khổng lồ với sự hiện diện mạnh mẽ trong nền kinh tế. Tập đoàn này đang cõng trên lưng số nợ 300 tỷ USD chưa thanh toán. Một vụ vỡ nợ của China Evergrande sẽ gây ra hiệu ứng tiêu cực lan tỏa trong toàn hệ thống tài chính Trung Quốc. Tôi cho rằng cuối cùng, vụ việc sẽ kết thúc khi một số doanh nghiệp quốc doanh có nguồn thanh khoản dồi dào vào cuộc và tiếp quản lại China Evergrande”.

Ông Jimmy Chang cảnh báo chính phủ cần nhanh chóng hành động vì cuộc khủng hoảng thanh khoản ở China Evergrande đang có bắt đầu tác động đến tâm lý toàn cầu. “Lĩnh vực bất động sản đóng vai trò rất quan trọng với nền kinh tế Trung Quốc cũng như tài chính của nhiều gia đình Trung Quốc. Tỷ lệ sở hữu nhà ở quốc gia này lên tới hơn 90%. Nhiều người mua nhà như một khoản đầu tư. Do đó, nếu vấn đề không sớm được kiểm soát, nó có nguy cơ trở thành một “thiên nga đen” thực sự”. 

(“Thiên nga đen” là một phép ẩn dụ ám chỉ những biến cố hy hữu có xác suất mong manh nhưng lại mang đến những tác động nặng nề đến nền kinh tế (mà ở đây là rủi ro cho nền kinh tế Trung Quốc).

Khủng hoảng nợ ở China Evergrande và hệ lụy với phần còn lại của thế giới  - Ảnh 1.

Các tòa nhà chưa hoàn thành tại dự án Evergrande Oasis, một khu nhà ở phức tạp do Tập đoàn China Evergrande phát triển ở Lạc Dương, Trung Quốc (Ảnh: Reuters)

Rick Rieder, Giám đốc đầu tư về thu nhập cố định toàn cầu tại BlackRock đồng quan điểm khi cho rằng: “Điều khó khăn nhất về Trung Quốc là hệ thống kém minh bạch và đôi khi bạn không thể chắc chắn cho đến khi có câu trả lời chính thức (từ chính phủ). Hệ thống ngân hàng trong nước hiện có xu hướng bị kiểm soát bởi chính phủ Trung Quốc. Có lẽ sẽ có bàn tay can thiệp của chính phủ trong vụ việc. Tôi cho rằng cuối cùng, chính phủ sẽ hành động để ổn định lại hệ thống “.

Một người khác, ông Mark Williams, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á tại Capital Economics cũng nhận định: “Tôi cho rằng cuối cùng, các nhà chức trách Trung Quốc sẽ vào cuộc để đảm bảo hệ thống tài chính rộng lớn không rơi vào khủng hoảng. Nếu bạn là một nhà phát triển bất động sản, bạn sẽ phải đối mặt với khoảng thời gian ảm đạm sắp tới. Điều quan trọng là các nhà hoạch định chính sách đang siết lĩnh vực bất động sản nhưng họ vẫn sẽ can thiệp để đảm bảo sự vận hành ổn định của hệ thống ngân hàng”.

Jim Chanos, chủ tịch kiêm nhà sáng lập Kynikos Associates thì chỉ ra đây là thời điểm quan trọng đối với giới lãnh đạo Trung Quốc, những người vốn đang theo đuổi một chiến dịch siết quy định với hàng loạt lĩnh vực rộng lớn trong nền kinh tế, từ công nghệ internet cho đến giáo dục. Và vụ việc China Evergrande lần này sẽ là chìa khóa tiết lộ cách tiếp cận của Bắc Kinh.

Nguy cơ kinh tế toàn cầu chịu “dư chấn”

Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu, đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng của thế giới. Do đó, nếu kinh tế Trung Quốc đối diện những nguy cơ vì China Evergrande, phần còn lại của thế giới cũng chịu dư chấn.

Theo ông Chanos, từ năm 2011 đến nay, chính phủ Trung Quốc đã 4 lần cố gắng ngăn chặn tình trạng đầu cơ trên thị trường bất động sản. Mỗi lần hành động như vậy là một lần tăng trưởng kinh tế chững lại, khiến các nhà hoạch định chính sách lại nới lỏng quy định để ưu tiên tăng trưởng. Thị trường bất động sản nhà ở hiện có quy mô tương đương 20% GDP Trung Quốc, trong khi thị trường bất động sản nói chung có quy mô lên tới 30% GDP quốc gia. 

Còn nhà phân tích Mark Williams của Capital Economics cho hay 1,4 triệu chủ sở hữu bất động sản đã trả tiền đặt cọc và chờ giao tài sản từ China Evergrande. Khi tập đoàn này đối diện khủng hoảng thanh khoản, các dự án xây dựng đang bị đình trệ và nguy cơ bàn giao tài sản bất thành là rất lớn. Người tiêu dùng là một nhân tố quan trọng trong nền kinh tế Trung Quốc, và một sự tác động to lớn vào thị trường nhà ở có thể gây ảnh hưởng đến lĩnh vực tiêu dùng, qua đó làm chậm tăng trưởng GDP quốc gia. Ảnh hưởng cũng sẽ lan rộng ra thị trường toàn cầu thông qua sự suy yếu của nhập khẩu vào Trung Quốc.


NTTD
Cùng chuyên mục