Khủng hoảng tâm lý - "bức màn đen tối" ở kinh đô Hollywood

Phan Ca Thứ bảy, ngày 12/09/2015 09:30 AM (GMT+7)
Đối với công chúng, Hollywood là nơi rạng rỡ ánh đèn sân khấu, lấp lánh vinh quang và hào nhoáng. Nhưng để tồn tại trong bộ máy ấy, tất cả mọi thành phần sản xuất đều phải đánh đổi rất nhiều, và một trong những tổn thất đó là sự khủng hoảng tâm lý.
Bình luận 0

Mỗi năm, kinh đô điện ảnh thế giới sản xuất hơn 700 bộ phim điện ảnh cùng vô số phim truyền hình, lợi nhuận thu về lên đến hàng chục tỷ đô la. Guồng máy sản xuất này quy tụ vài trăm ngàn người với đủ mọi xuất xứ, chuyên môn và tính cách khác nhau, hợp tác cùng nhau theo những chu trình đặt sẵn, những vòng quay hối hả và khốc liệt của công nghiệp phim ảnh.

Đối với công chúng, Hollywood là nơi rạng rỡ ánh đèn sân khấu, lấp lánh vinh quang và hào nhoáng. Nhưng để tồn tại trong bộ máy ấy, tất cả mọi thành phần sản xuất đều phải đánh đổi rất nhiều, và một trong những tổn thất đó là sự mất cân bằng tâm lý, hay nói chính xác hơn là khủng hoảng tâm lý.

Các báo cáo về việc các ngôi sao nổi tiếng phải đi điều trị tâm lý với các chứng bệnh như trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, rối loạn ăn uống hay lạm dụng chất kích thích xuất hiện thường niên trên báo chí chỉ là bề nổi của vấn đề. Thực tế, tình trạng căng thẳng khi làm việc ở Hollywood xảy ra với tất cả mọi người ở mọi vai trò làm việc khác nhau.

img

Nam diễn viên Heath Ledger, người qua đời năm 2008 vì lạm dụng thuốc an thần sau khi tham gia đóng phim "Hiệp sĩ bóng đêm" và bị khủng hoảng tâm lý

Vì vậy, việc sử dụng dịch vụ tư vấn tâm lý là việc bình thường tại Hollywood và nghề bác sĩ tâm lý là một trong những nghề “ăn nên làm ra” nhất tại đây. Trong phim trường phim Suicide Squad (ra mắt năm 2016), người ta có hẳn bộ phận  để các bác sĩ làm việc, theo dõi và cân bằng tâm lý cho cả đoàn. Điều này được cho là để đề phòng những “tai nạn” như cái chết của nam diễn viên trẻ tuổi Heath Ledger vào năm 2008.

Những hình ảnh cuối cùng của Heath Ledger trong vai gã Joker điên loạn, nguy hiểm của "Hiệp sĩ bóng đêm"

Mới đây, tạp chí The Hollywood Reporter đã thực hiện một bài phỏng vấn hàng loạt bác sĩ về tình trạng tâm lý của 5 vai trò nổi trội của Hollywood. Đó là diễn viên, người đại diện, nhà sản xuất, người điều hành và biên kịch. Bài viết phân tích rõ lý do khủng hoảng tâm lý quen thuộc nhất của từng nhóm công việc cũng như gợi ý hưởng giải quyết chung – nếu có – của từng hiện tượng.

Nhà điều hành (Excutive Producer) là người nắm giữ vị trí quan trọng nhất, điều phối các nguồn đầu tư của một bộ phim. Nhiều người trong số họ là “con ông cháu cha”, vì vậy họ thường bị tâm lý cạnh tranh với chính quá khứ của ông cha mình. Họ thường bị ám ảnh rằng “Cha tôi là người quyền lực nhất Hollywood, tôi có làm gì cũng không đủ giỏi”.

Phụ nữ làm ngành này còn bị thêm áp lực giới tính, khi môi trường xung quanh toàn là nam giới và coi thường các nỗ lực của họ bằng các lời dèm pha công khai. Hầu như mọi người đều chán nản, dù họ đứng trên đỉnh cao nhất của guồng máy. Một người nói với nhà tư vấn rằng: “Tôi bị trói trong cái cùm tay bằng vàng”.

Các diễn viên, gương mặt của các bộ phim, người được lợi nhiều nhất khi một bộ phim thành công bị khủng hoảng bởi chính những điều sự nổi tiếng mang lại cho họ. Không phải tất cả các diễn viên đều yêu thích việc được làm trung tâm của sự chú ý. Rất nhiều người yêu nghề diễn một cách trong sáng và khi sự nổi tiếng tràn tới, họ khó lòng chống chọi.

Diễn viên chịu áp lực nặng nề từ việc người hâm mộ thần tượng hóa họ, việc truyền thông và chính trị Hollywood sử dụng họ cho các mục đích của mình. Họ phải trẻ, phải hấp dẫn, phải hài hước, phải thời trang và những điều này thực sự gây mệt mỏi.

Thêm nữa, họ luôn cảm thấy bất an khi bước ra đường, bởi quá nhiều người theo dõi, đánh giá và đồn thổi linh tinh về đời tư của họ. Nhiều người trở nên mất thăng bằng và quên mất con người thật của chính mình. Diễn viên thường tìm đến bác sĩ trong khủng hoảng nhân dạng và các bác sĩ phải rất vất cả để khôi phục lại niềm tin của họ.

img

Catherine Zeta-Jones, nữ diễn viên xứ Wales nhập viện năm 2011 để chiến đấu và chiến thắng chứng rối loạn lưỡng cực.

Nhà sản xuất (Producer) là người chịu trách nhiệm về toàn bộ quá trình thực hiện bộ phim, làm việc với tất cả các bộ phận và đưa ra những quyết định sáng tác quan trọng sao cho phù hợp với thực tế. Họ là người được đứng ra nhận giải Oscar khi bộ phim được xướng danh phim hay nhất. Và bởi trách nhiệm lớn lao, các nhà sản xuất thường  mắc chứng rối loạn lo âu, thường xuyên hồi hộp, bất an và dễ hoảng loạn, rơi vào khủng hoảng. Họ luôn nhìn thấy tương lai rất đen tối: kịch bản mình thích biết đâu lại rất tồi? Biết đâu các nhà phê bình lại chê bai bộ phim? Biết đâu khán giả lại không thèm đi xem nó?

Mỗi nỗi lo sợ đó đều đủ để khiến họ mất hết động lực làm việc. Rất nhiều nhà sản xuất lạm dụng thuốc an thần. Một bác sĩ chia sẻ: “Tôi thường bắt nhà sản xuất viết ra giấy xem bao nhiêu phần trăm trách nhiệm thuộc về họ, bao nhiêu phần trăm thuộc về các vai trò khác như đạo diễn, diễn viên, biên kịch. Họ phải nhớ rằng họ không phải là tiên tri và không thể đoán trước được tương lai”.

Các nhà biên kịch là người bắt đầu của tất cả các dự án phim và cũng là những người bị vùi dập nhất nền công nghiệp. Họ có vô cùng ít quyền đối với tác phẩm, dù ý tưởng ban đầu là của họ. Khi kịch bản được mổ xẻ bởi các nhà sản xuất, đạo diễn, nhà đầu tư và các ngôi sao, mỗi người sẽ thêm thắt ý tưởng của mình vào và nội dung sẽ bắt đầu biến dạng.

Các nhà biên kịch phải chứng kiến đứa con tinh thần của mình bị đánh giá, phê bình, cắt xẻo và lắp ghép đủ kiểu, đôi khi điều này khiến lòng tự tin của họ tan thành mây khói. Để tồn tại được trong nghề, họ phải thường xuyên nhắc nhở bản thân rằng điều quan trọng nhất là niềm vui họ có được khi sáng tác ra kịch bản gốc đầu tiên, còn sau đó họ phải biết buông tay để cho bộ phim hình thành theo các quy luật của thị trường.

img

Nữ nhà văn Virginia Woolf, tác giả rất nhiều tác phẩm văn học được dựng thành phim, tự sát ở tuổi 59

Có thể thấy một điểm chung kỳ lạ của nhiều người làm trong ngành điện ảnh là thường xuyên tuyên bố bỏ nghề, nghỉ hưu sau những dự án phim căng thẳng, dù họ có đạt được thành công rực rỡ hay không. Nhưng cũng rất nhiều người quay trở lại phim trường đều đặn y như tuyên bố nghỉ hưu thường niên của họ.

Có lẽ ai cũng muốn những kỳ nghỉ dài bên bờ biển, nhưng đam mê thực sự vẫn sẽ luôn cuốn họ trở lại với những bộ phim. Và những nhà làm phim vẫn sẽ phải tiếp tục đối mặt với cả hai mặt của cuộc sống của Hollywood: những bộ phim cháy bỏng đam mê và những ngày điều trị dài về khủng hoảng tâm lý.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem