Khuyến khích các nhà văn tâm huyết trở lại với đề tài nông thôn

Hà Thúy Phương Thứ bảy, ngày 27/04/2019 07:35 AM (GMT+7)
Lễ phát động cuộc thi viết truyện ngắn "Làng Việt thời hội nhập" đã diễn ra ngày 26.4. Cuộc thi do Hội Nhà văn Việt Nam và Báo Nông Thôn Ngày Nay/Dân Việt phối hợp tổ chức, nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 35 năm Báo Nông Thôn Ngày Nay xuất bản số báo đầu tiên (7.5.1984 – 7.5.2019).
Bình luận 0

img

Tới tham dự phát động cuộc thi viết truyện ngắn có rất nhiều nhà văn, nhà thơ... Ảnh:  Lê Hiếu

Đầu tư để có những tác phẩm xứng tầm

Tại lễ phát động, ông Nguyễn Hồng Sơn - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho hay, ý tưởng về một cuộc thi truyện ngắn về đề tài nông thôn đã có từ cách đây 4 năm, khi ông ngồi cùng nhà thơ Trần Đăng Khoa, và đến hôm nay đã thành hiện thực.

“Trong bối cảnh chúng ta đang xây dựng mẫu hình người nông dân mới, cuộc thi sẽ góp phần tạo động lực cho các nhà báo, các nhà văn tích cực viết về người nông dân. Hội Nông dân Việt Nam cảm ơn các nhà văn đã cho ra đời những tác phẩm tôn vinh người nông dân cũng như vẻ đẹp của làng quê Việt Nam, đưa người nông dân trở thành những hình tượng ghi dấu ấn đậm nét trong nền văn học Việt Nam, qua đó cổ vũ người nông dân, giúp họ có nhiều động lực trong công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa”- ông Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh.

Trưởng Ban Tuyên huấn Hội Nông dân Việt Nam cũng cảm ơn Hội Nhà văn Việt Nam đã cùng phối hợp tham gia tổ chức và cảm ơn Công ty cổ phần Ôtô Trường Hải (THACO) - Nhà tài trợ Kim cương đã đồng hành cùng cuộc thi.

img

Nông dân Trịnh Văn Tiến và Đoàn Văn Vươn (từ phải sang) trò chuyện tại lễ phát động. Ảnh: Trọng Hiếu

Công bố phát động cuộc thi, nhà báo Lưu Quang Định – Tổng Biên tập Báo NTNN/Dân Việt, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi phát biểu: “Nông thôn là đề tài rộng lớn có nhiều chất liệu, nhiều vấn đề, nhiều câu chuyện sinh động. Nông thôn mới hôm nay đang có sự biến đổi ghê gớm, không chỉ là hình ảnh lão nông lam lũ chân lấm tay bùn, con trâu đi trước cái cày theo sau, mà đó còn là hình ảnh những ông chủ bấm di động điều khiển hệ thống tưới tiêu, chăn nuôi trong những trang trại rộng hàng trăm héc-ta, những khu du lịch nông nghiệp – sinh thái tiền tỷ... Nhưng bên cạnh đó, vẫn có cả những mặt trái, những góc khuất, bi kịch của quá trình ly nông – ly hương, đô thị hóa nông thôn... Tất cả tạo nên những "cánh đồng màu mỡ" cho các nhà văn “cày ải”, sáng tác.

Để có được những tác phẩm xứng tầm về đề tài nông thôn trong thời đại mới, ngoài tâm huyết và tài năng của đội ngũ sáng tác, còn rất cần sự đầu tư tương xứng. Trong đó, rất cần thiết tổ chức nhiều cuộc thi sáng tác về đề tài nông thôn, qua đó kích thích sức sáng tạo, sự dấn thân, lòng nhiệt huyết của các cây bút.

“Đây cũng là lý do chính thôi thúc Báo NTNN/Dân Việt phối hợp với Hội Nhà văn VN tổ chức cuộc thi viết truyện ngắn về đề tài nông thôn Việt Nam mang tên “Làng Việt thời hội nhập” với sự đồng hành của Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (THACO) - Nhà tài trợ Kim cương", Tổng Biên tập Báo NTNN/Dân Việt Lưu Quang Định khẳng định.

Giải thưởng lớn trân quý sức sáng tạo của nhà văn

Đại diện cho phía Hội Nhà văn tại lễ phát động, nhà văn Trần Đăng Khoa đánh giá cao khi Hội Nông dân Việt Nam, Báo NTNN quyết định tổ chức cuộc thi viết truyện ngắn “Làng Việt thời hội nhập”. Trong những năm qua, Báo NTNN đã tổ chức nhiều cuộc thi về người nông dân, tuyên dương những tấm gương điển hình về nông dân trên khắp đất nước. Đó là những tác phẩm báo chí, còn giờ đây chúng ta tổ chức cuộc thi viết truyện ngắn, với mục đích khai thác ở một tầm sâu hơn, có sức sống lâu dài hơn.

Gần 100 nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học đã tới tham dự lễ phát động cuộc thi, trong đó có những tên tuổi nổi tiếng như nhà văn Tạ Duy Anh, Nguyễn Văn Thọ, Khuất Quang Thụy, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên... và đặc biệt còn có hai nông dân Đoàn Văn Vươn và Trịnh Văn Tiến cùng nhiều phóng viên, nhà báo.

Phó chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam cho rằng: Giải thưởng rất cao trị giá 50 triệu đồng là một sự khuyến khích các tác giả sáng tác, không phải vì tiền nhiều mà là thấy được sự trân trọng, trân quý sức lao động, sáng tạo của các nhà văn cũng như vẻ đẹp của làng quê Việt Nam bây giờ, làng quê đã phát triển như thế nào, đi theo cách nào trong thời điểm hiện nay.

Tác giả Vi Thùy Linh – được biết đến với các tác phẩm thơ và ký, đồng quan điểm khi cho rằng giá trị tiền mặt của giải nhất lên đến 50 triệu đồng là rất giá trị trong mặt bằng các giải thưởng hiện nay. Tại buổi lễ, tác giả Vi Thùy Linh cũng hứa rằng chị sẽ dự thi ít nhất là 2 tác phẩm truyện ngắn. Người ta thường nói “hứa trước bước không qua” nhưng cô coi đây cũng là việc tự kích bản thân mình phải làm được việc đã hứa. Vi Thùy Linh cũng tâm đắc với đề bài “Làng Việt thời hội nhập” vì chỉ mới nghe đây thấy phấn khích và hứng khởi.

Nhà văn Đỗ Tiến Thụy – tác giả “Màu rừng ruộng” xúc động chia sẻ bản thân mình cũng từng sinh ra ở nông thôn, sống ở nông thôn 18 năm sau khi thoát ly, và giờ dù có 20 năm sống ở thành phố, anh vẫn gắn bó với quê hương. “Khi viết, chỉ với đề tài nông thôn, làng quê, ngòi bút của tôi mới có rung động mạnh mẽ”. Bởi vậy, nhà văn  Đỗ Tiến Thụy cho rằng “Làng Việt thời hội nhập” sẽ là một cuộc thi kích cầu, tôn vinh nhiều nhà văn có nhiệt huyết viết trở lại. Khi hai nguồn cảm hứng này gặp nhau, tác giả “Màu rừng ruộng” tin chắc cuộc thi sẽ đem lại thành công lớn.

Đặc biệt sự xuất hiện của hai tấm gương tiêu biểu trong việc vươn lên vượt khó, biến không thành có của hai nông dân Đoàn Văn Vươn và Trịnh Văn Tiến là hình ảnh mang đầy hơi thở cuộc sống. Hai anh đều sinh ra từ những gia đình nghèo, đông anh em, từng tham gia nhập ngũ và trở về gây dựng sự nghiệp trên chính quê hương mình với rất nhiều khó khăn. Những câu chuyện người thật việc thật của Đoàn Văn Vươn và Trịnh Văn Tiến đem lại sự hứng khởi cũng như niềm tin về một mảng đề tài đầy ắp chất liệu cuộc sống đang chờ đợi các nhà văn khai thác. Hai anh cũng chia sẻ sự xúc động khi cuộc sống của những người nông dân nhận được sự quan tâm chia sẻ của các nhà văn, nhà báo.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần - đạo diễn nổi tiếng của các bộ phim về nông thôn như “Ma làng”, “Gió làng Kình”, đến với cuộc thi với rất nhiều sự chờ đợi, bởi ông luôn tìm kiếm những chất liệu để làm phim về nông thôn. Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần chia sẻ ông cũng sẵn sàng tham gia viết truyện ngắn dự thi vì ông đã từng tự viết nhiều kịch bản cho phim của mình.

Lễ phát động “Làng Việt thời hội nhập” đã kết thúc tốt đẹp với nhiều hứng khởi, kỳ vọng, lời hứa và tin tưởng vào một cuộc thi đem lại nhiều tác phẩm truyện ngắn đặc sắc về đề tài nông dân, nông nghiệp và nông thôn, đáp ứng nhu cầu tinh thần của người nông dân Việt Nam.

Thể lệ cuộc thi viết truyện ngắn "Làng Việt thời hội nhập" xem tại đây

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem