Kiểm tra VSAT thực phẩm: Phân loại theo nhóm cơ sở

Thứ ba, ngày 28/09/2010 08:36 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Bộ NN&PTNT đang dự thảo Thông tư "Quy định việc kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản".
Bình luận 0
img
Kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại Công ty cổ phần Sản xuất và thương mại nông sản Sơn Tây (Hà Nội).

Theo dự thảo thông tư này, các doanh nghiệp sẽ được phân theo 3 loại (A, B, C) để tiến hành thanh, kiểm tra. Việc kiểm tra sẽ được tiến hành theo nhiều hình thức: Kiểm tra phân loại, tức hình thức kiểm tra có thông báo trước nhằm kiểm tra đầy đủ các nội dung về điều kiện đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của cơ sở. Hình thức này áp dụng đối với các cơ sở kiểm tra lần đầu, cơ sở đang sửa chữa, mở rộng sản xuất, cơ sở không đạt yêu cầu, nhưng đã khắc phục xong lỗi.

Hình thức thứ hai là kiểm tra định kỳ, không thông báo trước áp dụng đối với các cơ sở đã được phân loại đạt yêu cầu nhằm giám sát việc duy trì điều kiện đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Hình thức thứ 3 là kiểm tra đột xuất áp dụng đối với các cơ sở có dấu hiệu vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, có khiếu nại của tổ chức, cá nhân.

Theo thông tư này, việc kiểm tra sẽ được tập trung chủ yếu vào nhà xưởng, trang thiết bị, nếu cần có thể kiểm tra cả hồ sơ, tài liệu. Các cơ sở sẽ được chia ra làm 3 loại: A (tốt), B (chấp nhận), C (không đạt). Tần suất kiểm tra đối với loại A là 1 năm/lần, B 6 tháng/lần, riêng loại C, thời điểm kiểm tra lại tuỳ thuộc vào mức độ sai lỗi của cơ sở được kiểm tra. Cơ quan thực hiện kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ là tổng cục, các cục chuyên ngành thuộc Bộ NN&PTNT, cùng các cơ quan địa phương.

Trong trình tự, thủ tục kiểm tra, thông tư nêu rõ, việc xử lý kết quả kiểm tra không được quá 7 ngày kể từ ngày kết thúc kiểm tra.

Cụ thể, đối với trường hợp kiểm tra, đánh giá phân loại, cơ quan kiểm tra phải công nhận kết quả kiểm tra và thông báo kết quả cho cơ sở thuộc loại A, B. Thông báo cơ sở chưa đủ điều kiện và yêu cầu có báo cáo kết quả khắc phục đối với cơ sở không đạt (loại C).

Trường hợp kiểm tra định kỳ, đột xuất, đối với cơ sở xuống loại B thông báo cho cơ sở chưa đủ điều kiện và yêu cầu thông báo kết quả khắc phục cụ thể. Đối với cơ sở xuống loạt C, thông báo và tùy theo lỗi sai của cơ sở, cơ quan kiểm tra ra quyết định khắc phục và thời hạn kiểm tra lại.

Trường hợp lấy mẫu kiểm nghiệm, nếu kết quả cho thấy sản phẩm vi phạm quy định về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, cơ quan kiểm tra yêu cầu cơ sở thực hiện truy xuất, thu hồi sản phẩm và áp dụng các biện pháp khắc phục. Cơ quan kiểm tra cũng sẽ thông báo công khai danh sách các cơ sở đủ điều kiện và chưa đủ điều kiện đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thông tư cũng nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan kiểm tra. Theo đó, đối với cơ quan kiểm tra trung ương, định kỳ 6 tháng 1 lần, báo cáo kết quả thực hiện về Bộ NN&PTNT. Cục này có trách nhiệm tổng hợp, thống kê để đăng tải trên cơ sở dữ liệu của trung tâm tin học và thống kê của bộ.

Đối với các cơ quan địa phương, tổ chức kiểm tra, đánh giá phân loại đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh do cấp trung ương, cấp tỉnh hoặc khu chế xuất cấp giấy phép đăng ký kinh doanh và căn cứ theo phân cấp do các tổng cục/ cục quản lý chuyên ngành quy định. Định kỳ 6 tháng 1 lần báo cáo kết quả thực hiện.

Trong trường hợp không đồng ý với kết quả kiểm tra của đoàn kiểm tra, cơ sở có thể gửi khiếu nại bằng văn bản tới cơ quan kiểm tra. Cơ quan kiểm tra có trách nhiệm tiến hành thẩm tra và đưa ra kết luận cuối cùng. Nếu vẫn không đồng ý với kết luận của cơ quan kiểm tra, cơ sở có thể gửi khiếu nại bằng văn bản tới các cấp cao hơn để được xem xét, giải quyết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem