Kiến nghị Thủ tướng tháo gỡ bất cập dạy văn hóa trong các trường nghề

Chủ nhật, ngày 28/03/2021 01:00 AM (GMT+7)
Hơn 1 triệu học sinh học nghề chưa thể hoàn thành chương trình học, không được học các môn học văn hóa tại trường nghề. Trước thực tế này, các Hiệp hội nghề đã có đơn "cầu cứu" gửi Thủ tướng Chính phủ.

Những bất cập trong giảng dạy văn hóa THPT tại cơ sở Giáo dục nghề nghiệp (GDNN)

Vừa qua, ngày 26/3, các Hiệp hội của các trường nghề (bao gồm: Hiệp hội giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội Việt Nam; Hiệp Hội các trường cao đẳng, Trung cấp và kỹ thuật) đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ "kêu cứu" việc Bộ GD&ĐT chậm ban hành thông tư quy định việc dạy văn hóa trung học phổ thông trọng dạy nghề, khiến quyền lợi các em học sinh bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

 Theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục năm 2019, người học tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) đi học trình độ trung cấp, có thể học thêm văn hóa THPT để liên thông lên trình độ cao hơn và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) có trách nhiệm ban hành thông tư quy định về khối lượng kiến thức văn hóa THPT mà người học phải tích lũy. Tuy nhiên, đến nay, Bộ GD&ĐT vẫn chưa ban hành được Thông tư này. 

Trước năm 2018, tại nhiều địa phương, Sở GD&ĐT đã cho phép các trường (bao gồm cả trường trung cấp nghề, cao đẳng nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng) được tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên (GDTX) cấp THPT (học 7 môn văn hóa bắt buộc). 

Người học sau khi hoàn thành chương trình được tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT để nhận được Bằng tốt nghiệp THPT. Ngoài ra, người học có bằng tốt nghiệp trung cấp nếu đã học xong khối lượng kiến thức văn hóa THPT (4 môn) theo quy định tại Thông tư số 16/2010/TT-BGDĐT thì cũng được tham dự kỳ thi đại học. 

Tuy nhiên, kể từ năm 2019, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các Sở GD&ĐT không cho phép các cơ sở GDNN được tổ chức giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT mà chỉ được giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019 (tức là chỉ được dạy chương trình 4 môn học) để chỉ liên thông từ trung cấp lên cao đẳng trong hệ thống GDNN, chứ không liên thông lên được đại học. 

 Nhiều cơ sở GDNN ở các địa phương đã không được tiếp tục thực hiện giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT và nhiều nơi như Bắc Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên, .... Ủy ban nhân dân tỉnh đã có văn bản kiến nghị về việc này thì đều được Bộ GD&ĐT trả lời việc giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT phải do các trung tâm GDTX thực hiện. 

Các trường trung cấp, cao đẳng phải liên kết với trung tâm GDTX, chứ không được quyền tự tổ chức giảng dạy mặc dù trước đây đã được Sở GD&ĐT cho phép. Để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các trường, Bộ LĐTBXH đề nghị Bộ GD&ĐT cho phép các trường trung cấp, trường cao đẳng đã được Sở GD&ĐT các địa phương đồng ý cho giảng dạy văn hóa THPT được tiếp tục giảng dạy văn hóa THPT cho người học của trường mình. 

"Những năm gần đây có tới 80% học sinh tốt nghiệp THCS vào học GDNN có nhu cầu học văn hóa THPT để tham dự kỳ thi quốc gia lấy bằng tốt nghiệp THPT. Hiện tại có hơn 1 triệu học sinh đang bị "tắc" trong khâu học văn hóa vì thế chưa thể lấy bằng học liên thông lên cấp trình độ cao hơn".

Ông Dương Đức Lân - Chủ tịch Hiệp Hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội Việt Nam

Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT không đồng ý với quyết định trên và chỉ đồng ý để các cơ sở GDNN thực hiện giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT cho học sinh theo học trình độ trung cấp để liên thông lên trình độ cao đẳng, chứ không đồng ý để các trường giảng dạy chương trình văn hóa liên thông lên đại học.

Như vậy, hiện nay, hàng trăm trường trung cấp, cao đẳng có đủ điều kiện và đã được Sở GD&ĐT ở các địa phương cho phép giảng dạy văn hóa THPT (bao gồm cả chương trình GDTX cấp THPT) trước đây thì nay vẫn không được giảng dạy chương trình này. Quan điểm này chưa đúng với quy định của Luật Giáo dục năm 2019 và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành giáo dục năm 2020 tổ chức vào ngày 31/10/2020, gây khó khăn cho cơ sở GDNN và nhất là cho người học.

Kiến nghị Bộ GD&ĐT sớm ban hành thông tư quy định khối lượng kiến thức văn hóa THPT

Các hiệp hội kiến nghị Thủ tướng có ý kiến để Bộ GD&ĐT cho phép các trường trung cấp, cao đẳng đã được sở GDĐT các địa phương đồng ý cho giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT thì tiếp tục giảng dạy chương trình này cho người học đến khi có quy định mới.

Bộ GD&ĐT sớm ban hành thông tư quy định khối lượng kiến thức văn hóa THPT và việc giảng dạy văn hóa THPT trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong đó cần quy định rõ: khối lượng kiến thức THPT để giảng dạy trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, điều kiện để cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tham gia giảng dạy văn hóa THPT theo Luật Giáo dục năm 2019; nơi nào đủ điều kiện thì được dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT; người học có bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp (nghề nghiệp), được tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT hàng năm, được học liên thông lên trình độ đại học sau khi hoàn thành khối lượng kiến thức văn hóa THPT…

Công văn được ông Dương Đức Lân - Chủ tịch Hiệp Hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội Việt Nam ký ngày 26/3 và đã được gửi tới Văn phòng Thủ tướng Chính phủ.


Thùy Anh
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem